23/01/2025

Làm gì để bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận trước COVID-19?

Làm gì để bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận trước COVID-19?

Theo các bác sĩ, bệnh nhân suy thận hoặc ghép thận là người có hệ miễn dịch suy yếu, do đó khi bị COVID-19 tấn công sẽ rất dễ bị tổn thương và có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

 

Làm gì để bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận trước COVID-19? - Ảnh 1.

Bệnh nhân vừa chạy thận vừa điều trị COVID-19 tại Bệnh viện huyện Củ Chi – Ảnh: DUYÊN PHAN

Vi rút SARS-CoV-2 có thể gây suy thận nhanh chóng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS.BS Nguyễn Minh Quân – phó khoa nội thận – lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) – cho biết người mắc các bệnh lý nền trong đó có bệnh nhân bệnh thận mạn, đặc biệt là bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng, ghép thận có sức đề kháng kém, khả năng miễn dịch yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19.

Khi mắc COVID-19 nặng có thể làm tình trạng bệnh nền xấu đi, cũng như chức năng thận yếu hơn, thậm chí làm cho bệnh nhân cần phải lọc máu.

Đối với bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ, mắc COVID-19 nặng có thể dẫn đến các biến chứng như: suy hô hấp, suy tim nặng lên, suy đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Quân, đối với các bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến thận, để bảo vệ tránh nhiễm COVID-19, cũng như làm giảm nhẹ tình trạng bệnh khi nhiễm COVID-19, các tổ chức thận học quốc tế như ở Anh, Canada khuyến cáo cần phải tiêm phòng vắc xin COVID-19 đầy đủ.

Các khuyến cáo cho rằng khi tiêm vắc xin cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn sẽ có nhiều lợi ích hơn nguy cơ, bệnh nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn. Các vấn đề như dị ứng, tác dụng phụ khi tiêm vắc xin cũng hiếm gặp.

Làm gì để bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận trước COVID-19? - Ảnh 2.

Bệnh nhân suy thận được lọc máu tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) – Ảnh: THU HIẾN

Bên cạnh đó, với những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị các bệnh lý thận vẫn có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19, trừ trường hợp người bệnh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao, một số thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh lý cầu thận cấp tính hoặc bệnh lý toàn thân nặng có biến chứng thận như Lupus, viêm mạch máu… thì xem xét lại việc tiêm vắc xin sau khi tình trạng bệnh được kiểm soát.

“Sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân có bệnh thận mạn cần chú ý các triệu chứng hậu COVID-19 để điều trị kịp thời. Nếu có các biểu hiện bất thường về thận như: phù chân, tiểu ít, khó thở, nước tiểu có màu sắc bất thường… nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra chức năng thận”, bác sĩ Quân nhấn mạnh.

 

Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao còn phương pháp nào?

TTƯT.BS Tạ Phương Dung – phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM – cho biết khi tấn công cơ thể người, COVID-19 thường tập trung ở vùng hầu họng và từ đó đi vào phổi, gắn với thụ thể ACE 2 và đi khắp cơ thể.

Thận là nơi thụ thể ACE 2 nhiều nhất, nên sẽ là mục tiêu của COVID-19. Lúc này, vi rút bám vào thành ống thận, màng cầu thận và tấn công trực tiếp các tế bào thận.

Làm gì để bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận trước COVID-19? - Ảnh 3.

Bệnh nhân vừa chạy thận vừa điều trị COVID-19 tại Bệnh viện huyện Củ Chi – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo bác sĩ Dung, nhóm bệnh nhân ghép tạng (thận, gan..) có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn gấp nhiều lần so với người thường do họ phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.

Đây là thuốc ngăn chặn hoặc ức chế hoạt động của hệ miễn dịch nên khi có tác nhân vi rút, vi khuẩn tấn công thì con người sẽ dễ nhiễm bệnh, trở nặng, thậm chí tử vong.

“Người ghép tạng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi tiêm vắc xin COVID-19 có thể không tạo kháng thể, hoặc tạo lượng nhỏ kháng thể, không đủ phòng vệ trước COVID-19. Hiện tại FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) và nhiều cơ quan quản lý tại các nước đã khuyến nghị sử dụng kháng thể đơn dòng để dự phòng nhiễm COVID-19 cho nhóm bệnh nhân ghép tạng.

Ưu điểm là các kháng thể này được tạo sẵn trong phòng thí nghiệm, khi tiêm vào người sẽ được dùng ngay gần như tức thì, giúp họ tránh được nhiễm COVID-19, hoặc có thể nhiễm nhưng bệnh sẽ nhẹ”, bác sĩ Dung nói.

Tuy nhiên, bác sĩ Phương Dung lưu ý, bệnh nhân sau ghép tạng có thể có các vấn đề liên quan đến chống thải ghép, nhiễm trùng nên dễ bị mệt mỏi, sốt, thay đổi nước tiểu… vì thế không nên tiêm ngay khi ghép.

Người bệnh cần được theo dõi sát sao, chăm sóc hợp lý, nghỉ ngơi sau 1-3 tháng để sức khỏe ổn định mới có thể dùng kháng thể đơn dòng.

 

Kháng thể đơn dòng có khả năng bảo vệ bệnh nhân suy thận, ghép thận

PGS Lê Thượng Vũ – bộ môn nội tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết, kháng thể đơn dòng có thể được bác sĩ chỉ định để dự phòng COVID-19 cho những người không tiêm được vắc xin hoặc không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin như: bệnh nhân ghép tạng (thận), suy thận… do cơ thể họ không thể tạo được kháng thể.

Hiện nay về mặt nghiên cứu, kháng thể đơn dòng có hiệu quả bảo vệ tương tự như vắc xin lên tới 6 tháng, do đó có thể tiêm 6 tháng/lần.

Đồng thời, các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh kháng thể đơn dòng vẫn có tác dụng với các biến thể phụ của Omicron như: BA.2, BA.4, BA.5, BA.1…

“Các báo cáo hiện nay không có trường hợp nào bị tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm kháng thể đơn dòng. Về mặt hiệu quả, đa số bệnh nhân được bảo vệ tốt khi dùng chúng. Kháng thể đơn dòng sẽ bổ sung bảo vệ những người chưa được phòng vệ đầy đủ bởi vắc xin, giúp giảm gánh nặng nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

THU HIẾN
TTO