18/11/2024

Miền Trung ngổn ngang sau bão Noru: Vì sao thiệt hại được giảm thấp nhất ?

Miền Trung ngổn ngang sau bão Noru: Vì sao thiệt hại được giảm thấp nhất ?

Theo Thủ tướng, với tinh thần ‘phòng hơn chống’, các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão, nhờ đó, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và nhà nước.

 

 

Trưa 28.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại do bão số 4 (Noru) gây ra.

 

6 bài học ứng phó bão

Theo Thủ tướng, với tinh thần “phòng hơn chống”, các cơ quan, địa phương liên quan đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó bão với kết quả khả quan và tích cực, dù cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp. Nhờ đó, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân và nhà nước, chỉ có 4 người bị thương.

Miền Trung ngổn ngang sau bão Noru: Vì sao thiệt hại được giảm thấp nhất ? - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp đánh giá thiệt hại do bão số 4 NHẬT BẮC

Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những người bị thương và các gia đình bị thiệt hại về tài sản, đồng thời yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành nhanh chóng ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại trường ngay trong ngày 29.9. Tuyệt đối không để dân đói, dân rét, không có chỗ ở, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, có 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão: Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người. Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ba là xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Thứ sáu, theo quy luật tự nhiên, miền Trung là nơi thường xuyên có mưa lũ, bão gió vào tháng 9, 10, 11, vì vậy phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh. Phải ứng phó thiên tai, bão lũ với sự bản lĩnh, tự tin, kinh nghiệm, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau…

 

Chủ động phòng chống, sơ tán dân từ sớm

Từ Sở Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng sự chỉ đạo chủ động liên tục của Chính phủ từ khi bão còn ở rất xa, cũng như sự tin tưởng của nhân dân vào chính quyền là một trong những mấu chốt khiến việc ứng phó bão đạt kết quả tốt. Dẫn lại thực trạng tại các địa phương từ 5 giờ chiều 27.9 “không còn bóng người ngoài đường”, theo Phó thủ tướng, điều này đã tránh được nhiều vụ tai nạn do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái trong các cơn bão trước đây.

Nhấn mạnh sự đùm bọc trong nhân dân góp phần vào kết quả phòng, chống bão, Phó thủ tướng cho biết sáng 28.9, ông và đoàn công tác đi khảo sát một số khu vực tại Thừa Thiên – Huế thì thấy sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của bà con, “người sống trong nhà cấp 4 thì sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh”. Lưu ý tránh tâm lý chủ quan sau bão, Phó thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận trong công tác phòng chống cơn bão số 4, “nhiều điều không phải do may mắn mà có, mà đây thực sự là nỗ lực, sự chủ động của các cấp, các ngành trong phòng chống thiên tai”.

Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ còn là sự chủ động ứng phó của 8 địa phương trong vùng ảnh hưởng; khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở cao được các địa phương triển khai hết sức khẩn trương. Người dân nêu cao ý thức tự giác và tuân thủ các chỉ đạo cũng như rất tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ động trong thực hiện công tác phòng chống bão lụt. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết từ nay tới cuối năm dự báo sẽ còn có 10 – 12 cơn bão.

 

Cần nghiên cứu kinh nghiệm để phổ biến bài học cho các địa phương

Tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro. Theo ông Thanh, Quảng Nam cũng đã xây dựng phương án hiệp đồng cụ thể với các lực lượng vũ trang để triển khai khi vào cuộc ứng phó bão. Công tác thông tin, tuyên truyền cần thực hiện với các loại hình khác nhau để người dân nắm bắt kịp thời, không để người dân chủ quan.

“Qua cơn bão lần này, cần nghiên cứu nội dung kinh nghiệm để phổ biến bài học cho các địa phương trong vùng”, ông Thanh nói. Cùng với đó, các nhà khoa học cần nghiên cứu để dự báo, cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất tại các vùng núi để kịp thời di dời người dân.

MAI HÀ – HOÀNG SƠN

TNO