28/12/2024

Nhà trường có ‘vô can’ khi ban đại diện phụ huynh thu chi sai?

Nhà trường có ‘vô can’ khi ban đại diện phụ huynh thu chi sai?

Khi xảy ra những khiếu kiện, phản ánh về tình trạng lạm thu dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh, hiệu trưởng các trường thường có chung một câu trả lời: Nhà trường ‘không can thiệp’ hoặc ‘không biết’.

 

 

Tuy nhiên, thực tế và quy định hiện hành không cho phép nhà trường “vô can” như vậy.

Nhà trường có 'vô can' khi ban đại diện phụ huynh thu chi sai? - ảnh 1
Phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện ĐÀO NGỌC THẠCH

Phải thống nhất với hiệu trưởng về kế hoạch sử dụng kinh phí

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh, nhắc đến việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thu tới gần 2,5 tỉ đồng/học kỳ, trong đó nhiều khoản chi trái quy định, chi tiền tỉ cho hoạt động của nhà trường, hiệu trưởng trường này đã có văn bản phản hồi rằng đó là “thông tin sai sự thật” và cho hay: “Nhà trường không can thiệp vào các hoạt động thu chi của Ban đại diện cấp trường cũng như từng lớp học. Các khoản thu chi của Ban đại diện không phải để phục vụ nhà trường, mà để phục vụ các hoạt động giáo dục của chính con em họ đang học tập tại trường, do đó nhà trường không can thiệp vào việc thu chi của Ban đại diện”.

Tuy nhiên, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rất rõ trách nhiệm phối hợp của nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đó. Điều 14 Thông tư 55 cũng quy định: “Kết quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục”. Riêng về việc thu chi, tại khoản b, mục 2, điều 10 của Thông tư 55 quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ: “Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến”.

Như vậy, trách nhiệm thống nhất và được sự đồng thuận của hiệu trưởng trước khi quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ đã được pháp luật quy định.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nhận định: Hiệu trưởng không thể nói không biết hoặc không liên quan. Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức chính thức trong nhà trường thì phải có sự phối hợp, kiểm tra, giám sát và điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Nếu ban đại diện làm sai thì hiệu trưởng, với tư cách là người đứng đầu, cũng là người phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói “không biết” hoặc không can thiệp.

Nhà trường có 'vô can' khi ban đại diện phụ huynh thu chi sai? - ảnh 2
Những khoản thu đầu năm học khiến phụ huynh bức xúc

“Sai so với thông tư là sai”

Đối chiếu với quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT thì việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh dự kiến chi tới hơn 1 tỉ đồng riêng học kỳ 1 cho các hoạt động như “quà tri ân”, “chúc mừng thầy cô”, “in phong bì, bưu thiếp”… là trái với quy định của Bộ về việc không quyên góp của người học và gia đình người học để “khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường” và rõ ràng không phải thu để “phục vụ cho chính con em họ” như nhà trường phản hồi.

 

Không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định

Ngày 26.9, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022 – 2023. Văn bản này lưu ý, đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện theo quy định tại điều 10 Thông tư 55. “Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư này”, nội dung văn bản nêu rõ.

Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc giãn thời gian thu, không thu gộp nhiều khoản thu trong cùng thời điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định không được phép quyên góp của người học và gia đình người học để tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, kế hoạch thu chi từ quỹ cha mẹ học sinh Trường Lương Thế Vinh đã dự chi hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động giáo dục bắt buộc của bất cứ nhà trường nào, như: hoạt động trải nghiệm của học sinh. Xin lưu ý rằng, hoạt động trải nghiệm khác với hoạt động tham quan, dã ngoại (không bắt buộc) của học sinh. Trong kế hoạch thu chi của Ban đại diện Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cũng có khoản “Hỗ trợ học sinh đi tham quan 2 ngày” với tổng kinh phí là 272 triệu đồng, ngoài khoản 250 triệu đồng chi cho hoạt động trải nghiệm như trên đã đề cập.

Ngoài ra, việc áp dụng đồng loạt một mức thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh là 700.000 đồng/HS/học kỳ 1 cũng sai hoàn toàn so với quy định tại Thông tư 55 của Bộ về việc “không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”.

Liên quan đến các nội dung này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT). Ông Thành cũng dẫn lại các quy định rất rõ của Thông tư 55 ban hành từ năm 2011, để nhấn mạnh việc quy định không mới và không có ngoại lệ trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này. Ông Thành khẳng định: “Sai so với Thông tư là sai chứ không thể trường không biết”.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng việc thu chi như vậy cần phải chấn chỉnh.

 

Tham nhũng trong giáo dục cần được xử lý nghiêm

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh ở cơ sở giáo dục thu chi sai thì phải xử lý thế nào? Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành dẫn quy định của Thông tư 55 để trả lời: “Tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý cản trở việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, vi phạm các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Còn văn bản vừa ban hành của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nêu rõ: “Xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định”.

Theo ông Đặng Tự Ân, lạm thu, thu sai, chi sai, thu của phụ huynh để chi cho việc biếu xén, lễ tết cán bộ, giáo viên trong nhà trường nhưng dưới danh nghĩa một nhóm phụ huynh cũng là một dạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong giáo dục. Có một hiện tượng khá phổ biến là việc thu chi chỉ dựa vào một nhóm phụ huynh mà không nhìn vào số đông, vào mặt bằng chung để đưa ra những quyết định phù hợp, dẫn tới năm nào cũng khiếu kiện, ấm ức về tiền trường mỗi dịp đầu năm học mới.

Tuy nhiên, tại sao hàng chục năm qua năm nào cũng lặp lại như vậy? Cơ quan quản lý từ Bộ đến sở khi nào hỏi đến cũng nói có đầy đủ văn bản rồi. Nhưng chỉ có điều văn bản ấy có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không, những cơ sở giáo dục làm sai so với quy định có xử lý nghiêm đủ sức răn đe hay không thì không được quan tâm đúng mức.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây dẫn lời GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: Khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

GS Quân nhận định: “Tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để “làm gương”. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì…”.

TUỆ NGUYỄN

TNO