26/11/2024

Phân biệt nốt ban do sởi và sốt xuất huyết, sốt phát ban

Phân biệt nốt ban do sởi và sốt xuất huyết, sốt phát ban

Con gái tôi 10 tháng tuổi, chưa kịp tiêm vắc xin sởi do hết vắc xin. Cách đây 3 ngày, cháu bị nổi ban đồng loạt khắp người kèm theo sốt (dưới 38,5 độ), ho, sổ mũi. Cho tôi hỏi, đây là dấu hiệu của bệnh sởi, sốt phát ban hay sốt xuất huyết thưa Bác sĩ? (Trần Thu Loan, 30 tuổi, TP.HCM).

 

 

 

Phân biệt nốt ban do sởi và sốt xuất huyết, sốt phát ban - ảnh 1
Trẻ em được tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống tiêm chủng VNVC  VNVC

Chào bạn. Rất chia sẻ với lo lắng của bạn vì hiện nay tại TP.HCM và Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang ở mức cao, trong khi đó sởi có nguy cơ bùng phát trận dịch lớn do tỷ lệ tiêm chủng thấp và khan hiếm nguồn vắc xin ở nhiều nơi.

Sởi, sốt xuất huyết và sốt phát ban đều là các bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, có chung biểu hiện gần giống nhau là các nốt đỏ trên da. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh là các loại vi rút khác nhau. Sốt phát ban hầu hết do nhiễm vi rút hô hấp và đa số lành tính. Sởi do vi rút sởi (thuộc họ Paramyxoviridae) gây ra. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, lây truyền qua loài muỗi Aedes aegypti.

Nốt ban sởi có dạng sẩn, gồ lên mặt da, thường xuất hiện vào ngày sốt thứ 4, bắt đầu sau tai và lan ra mặt, xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Kèm theo đó là trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C), mắt đỏ, kèm nhèm, sổ mũi và ho. Các nốt ban sởi gây ngứa và khó chịu cho trẻ; khi ban sởi lan đến chân thì sốt cũng giảm dần. Ban sởi biến mất theo thứ tự đã nổi lên, để lại những vết thâm trên da gọi là “vằn da hổ”. Nếu ban sởi lặn hết nhưng trẻ tiếp tục sốt cao, phụ huynh cần theo dõi các biến chứng do sởi như viêm não, viêm phổi, viêm loét giác mạc, tiêu chảy, loét miệng khiến trẻ ăn uống kém…

Trường hợp con gái của bạn sốt nhẹ và ban nổi đồng loạt khắp người thì nhiều khả năng bé không mắc sởi mà có thể là sốt phát ban hoặc sốt xuất huyết.

Khi bị sốt phát ban, đa phần khi hết sốt, các nốt ban sẽ xuất hiện, có dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da như ban sởi, thường không để lại dấu tích sau khi lặn đi. Những nốt ban này dễ nhầm với chấm đỏ li ti khi bị sốt xuất huyết.

Để phân biệt, phụ huynh có thể dùng ngón cái và ngón trỏ căng vùng da quanh nốt phát ban. Nếu lúc đó chấm đỏ mất đi nhưng khi buông tay chấm đỏ xuất hiện ngay, thì đây là dấu hiệu của sốt phát ban. Nếu căng da nhưng vẫn thấy chấm đỏ li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, thì đây là dấu hiệu của sốt xuất huyết.

Phân biệt nốt ban do sởi và sốt xuất huyết, sốt phát ban - ảnh 2
Trẻ đến khám và điều trị bệnh hô hấp tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Ngoài ra, một trong những dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột và khó hạ khi dùng thuốc hạ sốt. Khi sốt bắt đầu giảm, xuất hiện những chấm xuất huyết trên da, môi khô đỏ tươi do hiện tượng cô đặc máu, có thể chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, đau nhức người, đau hốc mắt, tiêu chảy. Sốt xuất huyết có thể nặng hơn từ ngày thứ 3, cần theo dõi kỹ nếu thấy các dấu hiệu như lừ đừ, tay chân lạnh, nằm một chỗ, nôn ói… thì cần đưa bé nhập viện. Xét nghiệm công thức máu sẽ phát hiện bạch cầu và tiểu cầu giảm, tốc độ lắng máu tăng.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đang có nguy cơ bùng phát dịch sởi do khan hiếm vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 95%, do vậy phụ huynh có thể đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được bổ sung đầy đủ vắc xin sởi như MVVac (Việt Nam), MMR II (Mỹ), Priorix (Bỉ). Hiện Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ vắc xin cho trẻ em và người lớn, kể cả các vắc xin khan hiếm với giá bình ổn và nhiều chính sách ưu đãi.

Với bệnh sốt xuất huyết và sốt phát ban, Việt Nam vẫn chưa có vắc xin nên phụ huynh cần cho bé ngủ mùng, tránh bị muỗi đốt. Những biến chứng của sởi và sốt xuất huyết đều rất nặng và diễn tiến cấp tính, phụ huynh cần theo dõi kỹ để nhanh chóng đưa bé nhập viện, điều trị kịp thời.

 

BS.CKI. Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

TNO