04/01/2025

Hiếu văn ngư: Những chú cá chuyên chở văn hoá

Hiếu văn ngư: Những chú cá chuyên chở văn hoá

“Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”… Một buổi chiều muộn giữa Sài Gòn, người viết mở những câu hát ru này lên sau bao năm quên lãng.

 

Hiếu văn ngư: Những chú cá chuyên chở văn hóa - Ảnh 1.

Các thành viên 9X của nhóm Hiếu Văn Ngư – Ảnh: NVCC

Điều thú vị là những thanh âm ấy vang trên ichLinks – nền tảng thông tin về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO triển khai, có cả phần chuyển ngữ nội dung tiếng Anh.

Người nghe thấy lòng mình rộn lên nỗi nhớ quê, xen lẫn ngạc nhiên khi biết dự án này do nhóm bạn trẻ Hiếu Văn Ngư từ tốn thực hiện hồi mùa dịch vừa qua.

 

Đưa câu hò điệu lý lên nền tảng tiếng Anh

Hiện tại trên trang ichLinks, nhóm Hiếu Văn Ngư đã đưa lên 35 điệu hát ru, hò, lý Nam Bộ. Người truy cập sẽ dễ có cảm giác lạc vào không gian bát ngát làn điệu quê hương. Đó là những giai điệu thể hiện tình cảm quê hương, gia đình hay tình yêu, lẽ sống ở đời…

Từ những câu “Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây”, “Mặc ai nay dỗ mai dành/ Bền lòng quân tử tánh lòng chẳng xiêu”, cho đến “Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời”, “Cỏ kia cắt lại mọc lên/ Chớ tơ duyên cắt mối còn nên/ Còn nên gì nỗi gì…”.

Tất cả được thể hiện với giọng ca giàu cảm xúc trên nền đàn kìm, khác hẳn với những bản thu chèn nhiều nhạc điện tử trên mạng hiện nay.

Với giao diện tươi sáng, một điểm thu hút nữa của trang này là phần khái quát về các thể loại bằng phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, do nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng biên soạn và thành viên nhóm chuyển ngữ.

Người xem có thể nắm được các thông tin cơ bản về hát ru, điệu hò, điệu lý… Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng nhận xét dự án phong phú về tư liệu văn tự, phần tư liệu âm thanh cần bổ sung để làm phong phú dần.

Đưa các câu hò, điệu lý và lời ru Nam Bộ lên không gian ichLinks là một phần của Phong hoa ca vịnh – dự án do nhóm Hiếu Văn Ngư thực hiện. Lục Phạm Quỳnh Nhi (25 tuổi, trưởng nhóm) cho biết những bản thu này có kèm theo video lời ca, phần lớn do vợ chồng tài tử Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) và Nguyễn Song Oanh thể hiện.

Sau hơn một tháng chuẩn bị, các làn điệu đã được “xuất bản” từ tháng 8 năm nay. Tài tử Sáu Hưng chia sẻ vợ chồng ông rất ủng hộ những bạn trẻ luôn hết mình vì âm nhạc truyền thống, những ngày hẹn các bạn trẻ thu âm để lại những kỷ niệm đáng nhớ…

Tôi vui thay cho các bạn trong dự án vì họ đã nỗ lực rất lớn, đã chọn một công việc không hề dễ dàng để theo đuổi, đưa di sản đất nước đến với nhiều người cả bên trong và ngoài cộng đồng.

Nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng

 

Bóc tách cái đẹp và dẫn lối đưa đường

Cho rằng không phải người trẻ nói riêng và người dân nói chung không muốn tìm hiểu văn hóa nước nhà, mà có lẽ không biết nên bắt đầu từ đâu, Hiếu Văn Ngư ra đời như một sự dẫn lối đưa đường cho những ai muốn tìm hiểu.

Quỳnh Nhi kể rằng từ đầu năm 2020 cô đã ấp ủ một dự án văn hóa: “Sau khi lập nhóm và được giải trong cuộc thi Sáng kiến TechCul về bảo tồn di sản do UNESCO tổ chức, chúng tôi quyết định phát triển các nội dung trên kênh Fanpage, YouTube của nhóm. Cùng với đó là các lớp học, buổi trò chuyện về văn hóa cho những ai quan tâm”.

Nhóm có tất cả tám thành viên đều là thế hệ 9X hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, có người ở Sài Gòn, người đang ở nước ngoài.

Với Phong hoa ca vịnh, cả nhóm đã cùng nhau lúc nhẩn nha, lúc chạy “deadline” cho dự án nặng tính chữ nghĩa này. Đảm nhiệm phần chuyển ngữ, thành viên Hà Hoàng Minh Trang (24 tuổi, du học sinh tại Úc) chia sẻ rằng công đoạn này sẽ không thể hoàn hảo trăm phần trăm.

Như cụm từ “chim kêu vượn hú” khi sang tiếng Anh rất khó để người ta tưởng tượng được bối cảnh, hoặc “lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi” tiếng Việt có vần nhưng qua tiếng Anh không có…

Dự án chủ chốt mà Hiếu Văn Ngư vẫn đang thực hiện là “Hát bội 101”, tập trung diễn giải hát bội bằng các nội dung, hình ảnh sinh động trên Fanpage Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish và một số lớp học.

Nhi kể: “Cảm hứng diễn giải tuồng đến từ việc cả nhóm đi xem hát và có một số bạn cần nghe nhà nghiên cứu – cũng là thành viên nhóm – tóm tắt cốt truyện mới xem được. Vậy là chúng tôi làm chuỗi nội dung Hát bội 101 để bóc tách những thứ có vẻ bí ẩn này”.

Tự nhận đang làm công việc “đeo trang sức cho đời”, mỗi ngày trôi qua các thành viên đều cảm thấy ấm áp vì món trang sức đang dần sáng lên khi có nhiều người đón nhận và tìm hiểu về văn hóa truyền thống hơn…

 

“Chốn chốn phong hoa ca vịnh”

ảnh nhỏ - nguyen Van Hung Nguyen Song Oanh 3(Read-Only)

Hai vợ chồng tài tử Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) và Nguyễn Song Oanh đồng hành cùng nhóm Hiếu Văn Ngư trong các hoạt động văn hóa – Ảnh: Hiếu Văn Ngư

Khởi động hồi tháng 10-2021, Phong hoa ca vịnh – cái tên lấy ý tưởng từ câu thơ “Chốn chốn phong hoa ca vịnh” trong bài Phú Gia Định – là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý hướng đến khán giả trẻ có mong muốn ôn cố tri tân.

“Dự án nhắc nhớ về thời kỳ những lưu dân tìm về vùng đất Nam Bộ phóng khoáng, họ đã phơi bày tâm tư tình cảm qua những làn điệu dân gian. Qua đó, chúng tôi mong muốn đưa những giai điệu này hòa nhập nhịp sống hiện đại…”, trưởng nhóm Quỳnh Nhi chia sẻ.

Dự án sau khi lan tỏa kiến thức nền tảng sẽ có các lớp hướng dẫn cách diễn xướng, tổ chức tọa đàm với các nhà nghiên cứu và những người hoạt động nghệ thuật.

YẾN TRINH
TTO