04/01/2025

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong các tỉnh ĐBSCL giảm tác động tiêu cực lẫn nhau

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong các tỉnh ĐBSCL giảm tác động tiêu cực lẫn nhau

Khó có kế hoạch phù hợp cho cả 13 tỉnh thành nhưng ĐBSCL là một thực thể kinh tế, các địa phương phải biết hỗ trợ, giảm sự tác động tiêu cực lẫn nhau.

 

 

Đây là một trong những nhận định được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại Hội thảo chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Hội thảo do Bộ NN-PTNT phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 24.9.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong các tỉnh ĐBSCL giảm tác động tiêu cực lẫn nhau - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo THANH DUY

Không thể đánh đổi môi trường

Với Nghị quyết 120 của Chính phủ, ĐBSCL đã chủ động hướng tới mô hình thuận thiên. Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn được coi là bình thường mới đối với người dân khu vực này.

Trước thực trạng trên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cư dân vùng ĐBSCL cần phải có những thay đổi trong tư duy, cách tiếp cận mới theo xu hướng và quy hoạch cấp vùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong các tỉnh ĐBSCL giảm tác động tiêu cực lẫn nhau - ảnh 2
Hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra tại ĐBSCL ĐÌNH TUYỂN

Trước đây, việc tiếp cận nông nghiệp từ tiêu chí quy mô, sản lượng, kim ngạch; giờ đây xu hướng tiếp cận trung tâm là từ người tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Nông dân luôn cố gắng nâng cao sản xuất để tăng sản lượng. Song, điều đó có thể kéo theo những hệ lụy, đáng kể là những chi phí “vô hình” như: suy thoái thổ nhưỡng đất, ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, dù cấp thiết nhưng nông dân không thể đánh đổi môi trường để sản xuất nông nghiệp một cách quá tải. Ngược lại, họ phải có trách nhiệm giữ gìn, chuyển giao môi trường cho các thế hệ sau. Vì vậy, ĐBSCL nếu muốn phát triển bền vững, nông dân ở 13 tỉnh thành cần có giải pháp canh tác hướng đến nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Vấn đề nan giải là khó có quy hoạch nào phù hợp cho cả vùng ĐBSCL. Bởi lẽ, đặc điểm 4 tiểu vùng sinh thái (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh Duyên Hải) khác nhau, chưa kể mỗi tỉnh thành trong cùng 1 tiểu vùng cũng có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội không giống nhau. Tuy nhiên, 13 tỉnh ĐBSCL là một thực thể kinh tế, có rất nhiều mối quan hệ hợp tác, đặc biệt cùng chung dòng sông Mê Kông. Vấn đề cốt lõi là “bước ra ngõ phải nhớ hàng xóm”, các địa phương phải biết nâng đỡ, hỗ trợ, đặc biệt là có ý thức chủ động giảm sự tác động tiêu cực lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp.

 

Cần nhìn tích cực về biến đổi khí hậu

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định, muốn phát triển bền vững vùng ĐBSCL, vấn đề then chốt là cần thay đổi tư duy của người dân. Phương cách nông dân sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm không còn phù hợp, phải chuyển sang nông dân có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, quá trình nâng cao nguồn nhân lực cần nhiều thời gian và người dân không thể ‘tự bơi’. Chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp cần cùng đồng hành để xây dựng ‘thương hiệu mới’ cho nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Mong các tỉnh ĐBSCL giảm tác động tiêu cực lẫn nhau - ảnh 3
Các địa phương vùng ĐBSCL cần giảm tác động tiêu cực lẫn nhau để hướng đến việc phát triển bền vững ĐÌNH TUYỂN

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết việc đẩy mạnh việc liên kết vùng giữa 13 tỉnh thành ĐBSCL là rất cần thiết. Ban điều phối vùng ĐBSCL cần xây dựng các cơ chế liên kết cụ thể về nguồn nước, dự báo thị trường, dự án đầu tư… để cùng nhau thích ứng hiệu quả với BĐKH. Người dân hiện rất ngóng trông về một hệ thống cung cấp dữ liệu, thông tin dự báo tác động của BĐKH cho vùng ĐBSCL.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu, muốn thu hẹp quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dễ gây tác động tiêu cực về môi trường lẫn nhau, các địa phương cần có phương hướng liên kết phát triển theo nhóm ngành hàng chủ lực. Để đưa vào thực tế, ông Lê Văn Sử mong Bộ NN -PTNT hỗ trợ đầu tư cơ vật chất hạ tầng, đặc biệt là việc đẩy mạnh việc thiết lập các công trình điều tiết thủy lợi theo vùng nước ngọt, mặn, lợ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thực tế thời gian qua đã có những cánh đồng khô hạn, người dân tha phương cầu thực vì ảnh hưởng của BĐKH. Song, Bộ trưởng mong người dân không để mất năng lượng và cần có cái nhìn tích cực hơn về tác động của BĐKH. Nếu cách tiếp cận với BĐKH không bị động chống chịu mà người dân có tư duy thích ứng hiệu quả, ĐBSCL hoàn toàn có thể được xây dựng thành tiểu vùng sinh thái hình mẫu, một nơi đáng sống.

 

 THANH DUY

TNO