ĐTC gặp các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ “Nền Kinh tế Phanxicô” tại Assisi
ĐTC gặp các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ “Nền Kinh tế Phanxicô” tại Assisi
Cao điểm của những ngày gặp gỡ của các nhà kinh tế trẻ và các doanh nhân tại Assisi chính là cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, trong đó có phần ký kết Hiệp ước Assisi.
Những câu hỏi của các bạn trẻ
Đến nhà hát Lyrick vào lúc gần 10 giờ, Đức Thánh Cha được chào đón bởi tiếng reo vui của hàng ngàn bạn trẻ. Sau đó Đức Thánh Cha đã lắng nghe các câu hỏi của họ: Khi nào bóng đêm sẽ qua và ngày sẽ đến? Khi nào chiến tranh và nỗi đau của các dân tộc sống trong chiến tranh sẽ chấm dứt và khi nào chúng ta mới quên cách gây chiến tranh để học cách đón nhận mọi người? Khi nào quyền của phụ nữ, các thiếu nữ và các trẻ nữ tại Afghanistan và các nước mới được nhìn nhận? Khi nào quyền của người bản địa, các nền văn hoá cổ xưa được tôn trọng? Khi nào nền kinh tế giết chết được chuyển đổi thành nền kinh tế sự sống? Khi nào các nhà tù trở thành những nơi đầy tình người?…
Ơn gọi của người trẻ: nghệ nhân của ngôi nhà chung của chúng ta
Sau khi nghe chứng từ của một số bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với họ, cho biết ngài đã chờ đợi hơn 3 năm cho thời khắc này sau khi gửi thư kêu gọi họ và mang họ đến Assisi. Đức Thánh Cha nhận định rằng sự kiện “Nền Kinh tế Phanxicô” chỉ là đánh thức những điều các bạn trẻ đã mang trong lòng, và thư của ngài mang họ đến với nhau, cho họ một chân trời rộng lớn hơn và làm cho họ cảm thấy mình là thành phần của một cộng động quốc tế những người trẻ có cùng ơn gọi. Đức Thánh Cha nói: “Các bạn trẻ các con, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, biết điều cần làm, các con có thể làm điều đó.”
Nền kinh tế thân thiện với trái đất
Trong bối cảnh hiện tại với cuộc khủng hoảng khí hậu, đại dịch, rồi chiến tranh Ucraina và các cuộc chiến khác, Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Các con được kêu gọi trở thành các nghệ nhân và người xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”, ngôi nhà đang bị huỷ hoại. Do đó, “hôm nay, một nền kinh tế mới được gợi hứng bởi Thánh Phanxicô Assisi có thể và phải trở thành một nền kinh tế của tình bạn với trái đất và một nền kinh tế của hoà bình. Đó là vấn đề biến đổi nền kinh tế giết chết thành nền kinh tế của sự sống, dưới mọi khía cạnh”.
Theo Đức Thánh Cha, Thánh Phanxicô giúp chúng ta bằng tình huynh đệ đại đồng của ngài với mọi sinh vật. Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Bây giờ là lúc cho sự dũng cảm mới trong việc từ bỏ nhiên liệu hoá thạch để đẩy nhanh sự phát triển của các nguồn năng lượng không tác động hoặc có tác động tích cực.”
Bên cạnh sự bền vững về sinh thái, Đức Thánh Cha nói đến nguyên tắc đạo đức phổ quát, đó là các thiệt hại phải được sửa chữa. “Nếu chúng ta lớn lên lạm dụng hành tinh và bầu khí quyển, thì ngày nay chúng ta cũng phải học cách hy sinh trong lối sống không bền vững. Nếu không, con cháu chúng ta sẽ phải trả giá, một cái giá quá cao và quá bất công. Cần thay đổi nhanh chóng và dứt khoát.”
Sự bền vững xã hội, tương quan và tinh thần
Đức Thánh Cha cũng nói đến các chiều kích của sự bền vững: xã hội, tương quan và tinh thần. Do đó, khi chúng ta làm việc để biến đổi sinh thái, chúng ta phải ghi nhớ những tác động của một số lựa chọn môi trường đối với sự đói nghèo. Ở nhiều quốc gia, các mối quan hệ giữa mọi người đang trở nên nghèo nàn.
Nền kinh tế đặt người nghèo ở trung tâm
Phát triển một nền kinh tế được gợi hứng bởi Thánh Phanxicô, theo Đức Thánh Cha, có nghĩa là dấn thân đặt người nghèo ở trung tâm. “Bắt đầu với họ, chúng ta nhìn vào nền kinh tế; bắt đầu với họ, chúng ta nhìn ra thế giới. Không có ‘Nền Kinh tế Phanxicô’ mà không có sự tôn trọng, quan tâm và yêu thương đối với người nghèo, đối với mọi người nghèo, đối với mọi người yếu ớt và dễ bị tổn thương.”
Ba hướng dẫn cho người trẻ
Từ những suy tư trên, Đức Thánh Cha đưa ra cho các bạn trẻ 3 dấu chỉ đường. Trước hết là nhìn thế giới bằng đôi mắt của những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tuy nhiên, để có được cái nhìn của người nghèo và nạn nhân, cần phải biết họ, làm bạn với họ.
Điều thứ hai: đừng quên công việc, đừng quên các công nhân. Đôi khi, một người có thể tồn tại mà không có việc làm nhưng người đó không thể sống tốt. Vì vậy, trong khi tạo ra hàng hoá và dịch vụ, đừng quên tạo ra công việc, công việc tốt và công việc cho mọi người.
Chỉ dẫn thứ ba là biến ý tưởng thành hành động. Đức Thánh Cha nói: “Các con sẽ thay đổi thế giới kinh tế nếu sử dụng hai bàn tay cùng với trái tim và khối óc của mình. Ý tưởng là cần thiết, chúng lôi kéo chúng ta, đặc biệt là những người trẻ tuổi, nhưng chúng có thể biến thành cạm bẫy nếu chúng không trở thành ‘xác thịt’, hay nói cách khác là một điều gì đó cụ thể, một cam kết hằng ngày.
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện với một lời cầu nguyện, sau đó ngài và các bạn trẻ đọc và ký Hiệp ước Assisi.