08/01/2025

Sông Mê Kông thiếu nước, lũ thấp

Sông Mê Kông thiếu nước, lũ thấp

Sông Mê Kông tiếp tục tình trạng thiếu nước trong mùa mưa khiến mực nước lũ tiếp tục thấp hơn trung bình nhiều năm và dưới mức báo động 1.

 

 

Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông), diện tích vùng ngập lũ lưu vực sông Mê Kông thời điểm giữa tháng 9 đã tăng hơn 2.000 km2 so với cuối tháng 8, nhưng mực nước dòng chính của sông vẫn thấp hơn bình thường do lượng mưa dưới mức trung bình tại Trung Quốc và Lào. Bên cạnh đó là sự tích nước của các đập thủy điện dẫn đến tổng dòng chảy từ sông Mê Kông vào Biển Hồ thậm chí còn thấp hơn các năm 2019, 2020 và 2021.

Sông Mê Kông thiếu nước, lũ thấp - ảnh 1
Người dân đầu nguồn sông Cửu Long mưu sinh mùa nước nổi  DUY TÂN

Trong tuần qua, 12 trong tổng số 45 đập được theo dõi đã tích trữ tổng cộng 1,13 tỉ m3 nước. Hệ quả là mực nước sông trên toàn lưu vực ở mức thấp hơn bình thường từ 0,5 – 1 m.

Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam dự báo, cuối tháng 9, mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong nửa cuối tháng 9 có khả năng sẽ dao động trong khoảng từ 2,6 – 2,9 m, thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,3 m và thấp hơn so với mức báo động 1 khoảng 0,7 m.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL lưu ý: Từ nay đến cuối năm, ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề thủy triều. Cụ thể tới cuối năm sẽ còn 3 đợt nước rong (triều cường) nữa là đợt nước rong 30.8 Âm lịch, rằm tháng 9 và 30.9 Âm lịch. Mỗi đợt kéo dài khoảng 3 ngày, mỗi ngày 2 lần nước lên vài giờ. TP.Cần Thơ ngày 30.9 Âm lịch tới có khả năng sẽ ngập nặng nhất trong năm nay vì lúc đó, thủy triều từ phía biển vào có thể đụng với nước lũ sông Mê Kông từ đầu nguồn về, gặp nhau ở đoạn giữa đồng bằng.

CHÍ NHÂN

TNO