09/01/2025

Dạy – học môn tích hợp: Lo chất lượng không đảm bảo

Dạy – học môn tích hợp: Lo chất lượng không đảm bảo

Qua một năm thực hiện việc dạy – học những môn tích hợp, chất lượng dạy học như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn gì?

 

 

 

Từ năm học 2021 – 2022, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS với lớp 6, xuất hiện môn lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; nội dung giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Năm nay chương trình được triển khai thực hiện ở lớp 7.

Dạy - học môn tích hợp: Lo chất lượng không đảm bảo - ảnh 1
Học sinh lớp 6, 7 đang học chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với các môn tích hợp  NHẬT THỊNH

Thiếu giáo viên được đào tạo chính quy

Nhiều trường học hiện nay trên cả nước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp không ít khó khăn khi dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý (sử – địa); khoa học tự nhiên (lý – hóa – sinh); nội dung giáo dục địa phương. Cụ thể đó là việc bố trí phân công giảng dạy, do đa số ở các trường chưa có thầy cô được đào tạo chính quy bài bản để dạy được môn tích hợp nên chất lượng không được đảm bảo là thực tế. Phần đông các trường đều phân công thầy cô phụ trách dạy từng phân môn riêng rẽ như: sử, địa, lý, hóa, sinh, điều này là trái với tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Thiếu tài liệu nội dung giáo dục địa phương

Riêng nội dung giáo dục địa phương gồm các phân môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngữ văn, sinh học, âm nhạc – mỹ thuật với tổng thời lượng là 35 tiết/năm nhưng lại có đến 7 thầy cô phụ trách. Nên việc bố trí thầy cô giảng dạy cũng như phân công việc kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh (HS) như thế nào cho hợp lý là một bài toán khó cho ban giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, phân chia thời khóa biểu giảng dạy. Năm học đã bước vào tuần giảng dạy thứ ba nhưng nhiều địa phương hiện nay chưa có tài liệu giảng dạy môn nội dung giáo dục địa phương như TP.HCM…

 

Chưa tập huấn về kiến thức giảng dạy

Trước khi triển khai thực hiện chương trình dạy theo sách giáo khoa mới ở lớp 6 và 7, thầy cô được tập huấn. Tuy nhiên qua thực tế tập huấn, thầy cô chỉ được chuyên gia của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về chương trình 2018, cấu trúc sách giáo khoa mới, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy (giáo án) chứ chưa được tập huấn, huấn luyện về kiến thức chuyên môn để dạy tích hợp. Do vậy, việc phân công dạy môn tích hợp sẽ không đem lại hiệu quả. Ví dụ, giáo viên được đào tạo chuyên môn lịch sử nay nếu phải dạy tích hợp lịch sử và địa lý thì không thể đáp ứng được phần kiến thức địa lý.

Dạy theo mẫu giáo án mới, học sinh có bị quá tải?

Những ngày đầu năm học 2022 – 2023, vấn đề mà giáo viên (GV) các trường phổ thông quan tâm nhiều nhất là việc soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu mới và đưa vào ứng dụng giảng dạy.

Theo khung của cách soạn giáo án này, mỗi bài học đều chia làm 4 hoạt động, gồm: hoạt động mở đầu/xác định vấn đề/giao nhiệm vụ học tập; Hình thành kiến thức/giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ; Luyện tập; Vận dụng.

Trong mỗi hoạt động này gồm có 4 bước trọng tâm: mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện. Chính vì thế mà hầu hết GV đều than giáo án quá dài. Chẳng hạn với môn ngữ văn 10, tìm hiểu giáo án của nhiều nhóm biên soạn, có bài học dài đến mấy chục trang giấy A4, cả chương trình học kỳ 1 dài hơn 300 trang, gấp 3, 4 lần cách soạn giáo án cũ.

Khi giáo án soạn dài với nhiều bước như thế, liệu GV lên lớp có đạt được hiệu quả? Một GV dạy môn toán lớp 10 cho biết tuy các bước khá dài nhưng quy trình dạy học này hiệu quả, phát huy được sự chủ động của HS. GV nhiều môn khác (như tiếng Anh, hóa) cũng đồng ý như thế. Riêng với môn ngữ văn, nhiều GV cảm thấy chưa hiệu quả, dễ có nguy cơ biến thành “thợ dạy”, triệt tiêu đặc trưng môn văn, triệt tiêu sự sáng tạo của học trò trong việc học văn…

Trong lần sinh hoạt với tổ chuyên môn ngữ văn các trường phổ thông mới đây, tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam (thành viên biên soạn ngữ văn 10, bộ Chân trời sáng tạo), bày tỏ quan điểm: “Không phải tiết học nào cũng phải thực hiện đầy đủ 4 bước hoạt động. Tùy theo tiết học đặc trưng để GV linh hoạt, nhấn mạnh đến trọng tâm của bài học. Trong 4 hoạt động, GV cần chú trọng đến hoạt động 3 và 4”.

Về cách ghi bài của HS, với mẫu giáo án này, sẽ không còn khái niệm “vở sạch chữ đẹp” nữa. Mà HS cần lưu bài học vào hồ sơ học tập riêng của mình, gồm: tập ghi, phiếu học tập, sơ đồ hóa, bảng biểu… Tuy nhiên, nếu GV môn nào cũng “giao nhiệm vụ học tập” về cho HS, dẫn đến hệ lụy là HS sẽ quá tải. Chính vì vậy, tiến sĩ Hồng Nam khuyên GV nên giao nhiệm vụ theo nhóm, để các nhóm tự phân công. Nên phát huy tác dụng các liên kết nhóm, các lớp học ảo.

Ngọc Tuấn

Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ về lực lượng giảng dạy (thầy cô dạy môn tích hợp), nhân tố quyết định thành công của đổi mới, sẽ là trở ngại lớn nhất cần sớm khắc phục.

Với những khó khăn nêu trên, rất cần được sự quan tâm kịp thời của Bộ GD-ĐT. Lẽ ra Bộ cần đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên để thực hiện giảng dạy trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Được biết Bộ hiện đang có chỉ đạo gấp rút việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy môn tích hợp nhanh nhất sớm nhất có thể để đáp ứng việc giảng dạy trong năm học 2022 – 2023.

 

Nguyễn Văn Lực

(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO