10/01/2025

Bịt khe hở ‘học giả, bằng thật’

Bịt khe hở ‘học giả, bằng thật’

Vụ lùm xùm liên quan tới một số trường cao đẳng y dược “thả nổi” đào tạo cho những người có nhu cầu “không cần học nhưng vẫn có bằng” thu hút sự chú ý của dư luận.

Bịt khe hở học giả, bằng thật - Ảnh 1.

Trường CĐ Y tế Phú Thọ, một trong ba trường đang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thanh tra sau những lùm xùm về đào tạo – Ảnh: WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết hiện tại vụ việc vẫn đang được thanh tra toàn diện và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm nếu có.

 

Có trường bán bằng làm “nguồn sống”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội – cho biết tại khu vực phía Bắc hiện tồn tại việc “học giả, bằng thật” ở một số nơi, trong đó, một phần không nhỏ là ở các trường cao đẳng, trung cấp thuộc khối giáo dục nghề nghiệp.

Tình trạng này xuất phát từ nhu cầu nhiều người bận bịu công việc, muốn học ít hoặc không học nhưng vẫn có văn bằng, chứng chỉ, hợp lý hóa vị trí công việc, thăng tiến…

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo, cũng nhìn nhận không ít trường cao đẳng, trung cấp đã và đang tổ chức các chương trình học “nhẹ nhàng”, dễ lấy bằng như một “nguồn sống” chính của trường, đặc biệt với những cơ sở trước nay có tỉ lệ tuyển sinh hệ chính quy thấp.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nói riêng và cộng đồng nói chung thường quan tâm nhiều đến chuyện “mua” bằng ở các bậc học cao hơn như tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, ít chú ý hơn đến khối giáo dục nghề nghiệp.

Lãnh đạo sở lao động – thương binh và xã hội một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng theo một số quy định hiện hành, việc thành lập các trường cao đẳng, trung cấp có phần thuận lợi hơn nhiều so với trường đại học.

Một số quy định còn tương đối “lỏng” từ phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chẳng hạn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, khiến cho nhiều địa phương gặp lúng túng khi thanh tra, kiểm tra và “bắt lỗi” các trường có dấu hiệu vi phạm.

Vị này cho biết thậm chí khi có trường cao đẳng, trung cấp ở một số địa phương gần như không có gì trong tay, chỉ đi mượn địa điểm, thuê giảng viên nhưng vẫn đào tạo được hàng trăm học viên, phần lớn là những người học “cho có” nhưng vẫn lấy được bằng.

“Bằng một cách nào đó, các trường này vẫn có thể hoạt động dù không ít cơ quan quản lý biết đến những tai tiếng ấy” – phó giám đốc này nói.

 

Siết lại thế nào?

Ông Đặng Minh Sự – trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM – cho biết hiện tại TP đang siết lại việc kiểm tra việc giảng dạy của các trường nghề trên địa bàn. Từ đầu năm 2022 đến nay, phòng giáo dục nghề nghiệp đã kiểm tra 30 trường cao đẳng, trung cấp và sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra thêm 30 trường nữa.

Theo ông Sự, rắc rối nhất trong kiểm tra là với các trường nghề đăng ký ở các địa phương khác nhưng lại đặt cơ sở đào tạo tại TP.HCM. Khi phát hiện vi phạm, các cơ sở này thường không có tư cách pháp nhân tại TP để chịu trách nhiệm xử lý.

Ông Sự cho rằng những lùm xùm về “học giả, bằng thật” trong các trường nghề thường có nhiều ở những cơ sở đăng ký ở một tỉnh thành nhưng lại dạy ở một nơi khác. Vì thế cần những quy định để hạn chế tình trạng các trường nghề “nhảy” từ địa phương này sang địa phương kia đặt địa điểm đào tạo.

Thay vào đó, các trường có thể liên kết hoặc mở phân hiệu sẽ dễ quản lý cho những nơi trường này tổ chức hoạt động đào tạo trên thực tế.

“Hiện tại việc mở địa điểm đào tạo chưa có một quy định cụ thể. Các tỉnh thành cũng gần như chưa có quy hoạch riêng cho các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, nhiều nơi không có đủ cơ sở pháp lý để từ chối việc các trường nghề tỉnh khác đến mở địa điểm dạy ở địa phương mình” – ông Sự nói.

Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần chú ý đến mạng lưới các trường nghề ở từng nơi. Nếu địa phương cho mở trường một cách “vô tội vạ”, không phù hợp với nhu cầu thực tế sẽ tạo điều kiện cho một số trường mở ra có ý định làm chuyện “khuất tất”.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý không được “nhắm mắt làm ngơ”. Những chuyến kiểm tra tại các trường cần có sự phối hợp với những cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn, thanh tra, kiểm tra các trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo khối ngành sức khỏe thì buộc lòng phải có đại diện của Bộ Y tế phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mới dễ nhìn ra được chất lượng thực chất ở những trường này.

TS Lê Viết Khuyến – phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – nhấn mạnh giải pháp tái cấu trúc hệ thống giáo dục, sắp xếp theo trình độ học vấn. Cụ thể, người tham gia đào tạo nghề ngắn hạn từ 6 tháng – 2 năm chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn muốn có bằng cao đẳng thì phải tham gia học lý thuyết, thực hành ít nhất 3 năm.

Ông cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp làm sai theo quy định để răn đe, trong đó có trường hợp người học không có tư cách, đạo đức, học giả, mua bằng, kể cả người đã có vị trí chính trị – xã hội cao.

 

Lòng tự trọng của nhà trường

TS Đồng Văn Ngọc cho rằng bản thân các nhà trường có trách nhiệm trong hoạt động đào tạo, quản lý văn bằng chứng chỉ, đảm bảo chất lượng. Mỗi sinh viên là một “sản phẩm” của nhà trường đào tạo ra, vì vậy trường cần có lòng tự trọng và không “bán rẻ” thương hiệu của trường mình.

Ông Ngọc đề nghị cơ quan công an vào cuộc để xử lý hình sự, nhất là với những trường hợp người cấp chứng chỉ, văn bằng sai quy trình, quy định, để xảy ra tình trạng học giả bằng thật, kể cả đưa ra xử lý hình sự.

 

Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng sẽ tăng cường kiểm tra

Ông Võ Thiện Cang – trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – cho biết kể từ năm học này, phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ là đầu mối làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Dự kiến tháng 12-2022 và tháng 3-2023, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp, phát, lưu trữ thông tin về chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp tại các trường THCS, THPT.

Với các trường hợp mua bán, làm giả văn bằng, chứng chỉ, sở sẽ chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

HOÀNG HƯƠNG

TTO