Nhiều người khủng hoảng ở tuổi ‘sung sướng’ nhất
Nhiều người khủng hoảng ở tuổi ‘sung sướng’ nhất
Ở giai đoạn mà lẽ ra người ta phải đang sống sung túc nhất: con cái khôn lớn, sự nghiệp vững vàng, kinh tế ổn định, trưởng thành về tư duy, thì nhiều người lại rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng.
Thuật ngữ “khủng hoảng tuổi trung niên” được đặt ra vào năm 1965 bởi nhà phân tâm học người Canada Elliot Jacques, mô tả những thách thức trong giai đoạn chuyển tiếp độ tuổi từ “trưởng thành” sang “tuổi già” mà nhiều người phải trải qua.
Trong những năm này, người ta có thể thường đặt câu hỏi rằng họ là ai trong thế giới này, mục đích là gì và họ đã sử dụng thời gian của mình như thế nào cho đến nay.
Những câu hỏi này có thể xuất hiện thường xuyên khi người ta bắt đầu nhận thức về thời gian đang trôi qua vô ích hoặc khi đang chịu những tác động về sức khỏe, khiến người ta khó chịu, căng thẳng và bối rối. Những câu hỏi và cảm xúc này có thể khiến một người cảm thấy mình đang rơi vào khủng hoảng, trầm cảm.
Cho đến nay, các chuyên gia tâm lý xã hội khẳng định rằng cái gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên” là hoàn toàn có thật nhưng lại là nghịch lý trong cuộc sống hiện đại.
Bởi lẽ, khi ta bước vào tuổi từ 40 đến 60 được coi là giai đoạn “viên mãn” của đời người. Cho dù là nam hay nữ, với hầu hết chúng ta thì đây là lúc cơ thể đã được nghỉ ngơi vì con cái khôn lớn, không còn cần quá nhiều thời gian chăm sóc và che chở chúng; sự nghiệp ở giai đoạn thăng chức và vững chắc; kinh tế vững sau nhiều năm tích lũy; sức khỏe cường tráng, cơ thể chưa bị lão hóa và mắc nhiều bệnh; độ tuổi trung niên cũng trưởng thành về mặt nhận thức và hành động.
Thế nhưng, ngày càng có nhiều người ở độ tuổi trung niên gặp các vấn đề về tâm lý và không thực sự thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Tình trạng căng thẳng trong công việc lên đến đỉnh điểm vào khoảng 45 tuổi, phần lớn mọi người cảm thấy quá mệt mỏi với công việc hiện có, nhưng lại không còn nhiều cơ hội để thay đổi môi trường. Điều này khiến họ chấp nhận ở lại công ty cũ, mỗi ngày làm việc trong sự bức bối, buồn chán, chờ thêm vài năm nữa đến khi nghỉ hưu.
Các báo cáo y tế toàn thế giới cũng cho thấy tỉ lệ mất ngủ, đau đầu, lo lắng, trầm cảm tăng đột biến khi mọi người đạt đến cột mốc tuổi trung niên.
Nó khiến các nhà khoa học cảnh báo “một cái gì đó bất thường dường như đang xảy ra ở giữa cuộc sống hiện đại ngày nay”.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này có thể được đổ lỗi một phần là do mọi người cảm thấy họ không đạt được các mục tiêu quan trọng trong cuộc sống.
Trong nghiên cứu do Cục Nghiên cứu kinh tế Vương quốc Anh công bố, các nhà khoa học đã đối chiếu dữ liệu về sức khỏe và hạnh phúc thu thập trong vài thập kỷ từ hàng nghìn người ở các quốc gia như Anh, Mỹ và Úc.
Họ phát hiện điểm chung là những người ở độ tuổi 40 và 50 có nhiều khả năng gặp những áp lực về sức khỏe tâm thần hơn so với những người trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn. Họ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người trên 60 tuổi và những người dưới 25 tuổi.
Số người nhập viện vì rối loạn giấc ngủ đã đạt đỉnh điểm vào những năm 50 tuổi.
“Tuổi trung niên là thời điểm mà mọi người tự nhận thấy cuộc sống của mình rất buồn chán, khó ngủ, trầm cảm, khó tập trung, quên mọi thứ, cảm thấy chán nản bế tắc ở nơi làm việc, đau đầu và nghiện rượu”, các tác giả cho biết.
Một nghiên cứu khác trên 18.000 người trưởng thành cho thấy các báo cáo về chứng đau đầu, các dấu hiệu của chứng trầm cảm và lo lắng, cũng đạt đỉnh điểm tương tự ở độ tuổi trung niên.
Các tác giả không đi sâu vào việc nói nguyên nhân hoặc gây ra cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, và cho rằng “vẫn còn nhiều điều phải tìm hiểu” về hiện tượng tâm lý này. Tuy nhiên, các nhà khoa học không loại trừ nguyên nhân sinh học.
Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tinh tinh và đười ươi cũng phải chịu một dạng “tâm lý tuổi trung sinh thấp”, điều này có thể chỉ ra rằng có một số nguyên nhân sinh học gây ra cuộc khủng hoảng tuổi trung niên ở các loài linh trưởng.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học đưa ra lời khuyên rằng chúng ta không nên lo ngại về khủng hoảng tuổi trung niên. Sau khi rơi vào trạng thái này, hạnh phúc sẽ tăng trở lại khi chúng ta cao tuổi hơn.
Thực tế nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở độ tuổi 70 con người cũng hạnh phúc như một người ở độ tuổi 20.