26/11/2024

Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc?

Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc?

Tình trạng thiếu thuốc giải độc liên tục xảy ra gần đây trên cả nước như huyết thanh kháng độc rắn, giải độc tố botulinum… Mới đây nhất là Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc trong danh mục thuốc giải độc.

 

Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc? - Ảnh 1.

Nhiều bệnh viện tại TP.HCM hết huyết thanh kháng nọc rắn – Ảnh: DUYÊN PHAN

Mặc dù đến nay khi thiếu thuốc giải độc việc điều trị cho bệnh nhân vẫn được hướng dẫn theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng theo đánh giá của các bác sĩ hiệu quả điều trị không cao, tác dụng phụ nhiều, thậm chí nhiều bệnh nhân đã tử vong.

Trong thời gian tới, để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.

Đại diện Cục Quản lý dược

 

Tử vong vì thiếu thuốc

Mới đây Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện đang xảy ra tình trạng thiếu một số thuốc giải độc, gây ảnh hưởng điều trị người bệnh. Bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn.

Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ hai tuần đến một tháng. Trong khi nếu có thuốc chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Trung tâm cũng điều trị cho hai trẻ được chẩn đoán là ngộ độc asen – một loại chất rất độc. Hai bệnh nhi đã được sử dụng hai loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và gây dị ứng, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể.

Tháng 5-2022, bé N.N. (4 tuổi, tỉnh Phú Yên) bị rắn cạp nia cắn dẫn đến nguy kịch phải nhập viện tại Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên.

Các bác sĩ bệnh viện này đã liên hệ với nhiều nơi của cả nước để tìm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia chữa trị cho bé như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2… nhưng đều không có. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên bé N. đã qua đời.

Ông Đào Xuân Cơ – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho biết bệnh viện đang thiếu nhiều thuốc trong danh mục thuốc giải độc. Đây đều là các thuốc hiếm, như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum (tương tự vụ ngộ độc patê chay nhiều người bị liệt và có người tử vong năm 2021), giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân…

Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị khá dài.

 

Đề xuất thành lập kho dự trữ thuốc hiếm

Ngày 15-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết hiện tại bệnh viện vẫn không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia.

Là đơn vị chống độc hàng đầu tại phía Nam nhưng bác sĩ Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cũng cho biết hiện bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ lâu, khoảng hơn một năm nay. Ngoài ra, một số loại huyết thanh kháng nọc rắn khác cũng không có như: rắn chàm quạp, rắn hổ chúa.

Về nguyên nhân, bác sĩ Hùng cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều loại huyết thanh kháng nọc rắn chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được hàng, khó khăn về nguồn cung ứng do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Trường hợp bệnh nhân không may bị rắn cắn nhưng không có thuốc giải độc có thể sử dụng các phương pháp như: suy hô hấp hỗ trợ thở máy, lọc máu. Còn đối với các loại thuốc giải độc tố khác, thỉnh thoảng vẫn thiếu hụt nhưng sau đó bệnh viện có thể xoay xở được.

Không chỉ riêng nhiều loại thuốc giải độc, tình trạng thiếu các loại thuốc BHYT khác cũng đã xảy ra ở nhiều bệnh viện của TP.HCM: Bệnh viện TP Thủ Đức (nhiều loại thuốc BHYT), Bệnh viện Chợ Rẫy (thuốc chống thải ghép thận), Bệnh viện Ung bướu (thuốc phóng xạ chụp PET-CT)…

Để giải quyết bài toán thiếu thuốc giải độc, ông Đào Xuân Cơ cho biết bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm, bởi dù số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít ỏi nhưng khi có người bệnh cần mà không có thuốc giải độc, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

“Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc và điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng” – ông Cơ cho biết.

 

Chưa thấy có đề nghị

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết qua tìm hiểu, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

Cục đã có văn bản hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, cục luôn ưu tiên giải quyết.

Ngoài ra Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.

Đại diện cục cũng cho biết các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là các thuốc rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.

Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy tại nghị định số 54 ngày 8-5-2017 và thông tư số 26/2019 của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

“Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc.

Trường hợp các thuốc chống độc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh là do các nguyên nhân sau: khan hiếm nguồn cung tức thời, cơ sở khám chữa bệnh thiếu chủ động lập kế hoạch mua sắm, còn có tâm lý e ngại trong việc mua sắm thuốc nói chung, khó khăn trong việc thanh toán, chi trả tiền cho các thuốc này”, đại diện Cục Quản lý dược nói.

 

Thiếu vắc xin, dịch sởi “rình rập” trẻ

Những ngày gần đây tại TP.HCM, nhiều phụ huynh đã phản ảnh về tình trạng thiếu vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Điều đáng nói là những loại vắc xin này đã hết và kéo dài trong suốt 2-3 tháng, thành phố đã 3 lần gửi công văn đến Bộ Y tế để phân bổ vắc xin, nhưng vẫn chưa có nguồn vắc xin phân bổ. Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM nhận định nguy cơ bùng phát dịch sởi do thiếu vắc xin là rất lớn.

Tương tự, tại Hà Nội vắc xin sởi và DPT cũng thiếu. Trạm trưởng trạm y tế tại Hà Nội cho biết hai loại vắc xin này đã không có để sử dụng hơn một tháng nay và chờ được phân bổ.

Bộ Y tế cho biết năm 2022 đã có quyết định giao dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch đặt hàng vắc xin cho Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Theo báo cáo của viện này và một số địa phương, hiện đang thiếu một số loại vắc xin: DPT, sởi là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng.

DƯƠNG LIỄU – THU HIẾN
TTO