22/12/2024

Thử thách niềm tin với du lịch vũ trụ

Thử thách niềm tin với du lịch vũ trụ

Sáng 12-9 giờ Mỹ, tàu vũ trụ New Shepard thuộc Công ty vũ trụ Blue Origin của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos đã gặp sự cố bất thường khi tên lửa đẩy bất ngờ phát nổ trong lúc phóng.

 

 

Thử thách niềm tin với du lịch vũ trụ - Ảnh 1.

Nguồn: BBC, Blue Origin – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Biến cố này có thể sẽ là một thách thức với Công ty Blue Origin cũng như ngành du lịch vũ trụ. “Có vẻ như chúng tôi đã gặp một sự cố bất thường trong chuyến bay hôm nay (12-9).

Điều này không được lên kế hoạch và vẫn chưa có thông tin chi tiết về sự cố”, bà Erika Wagner, giám đốc cấp cao phụ trách thị trường vũ trụ mới nổi của Blue Origin, thông báo.

 

Chưa bao giờ dễ dàng

Tàu vũ trụ New Shepard bao gồm một tên lửa đẩy và một khoang tàu, cả hai đều có thể tái sử dụng. Trong sứ mệnh NS-23 (lần thứ 23 trong chương trình tên lửa New Shepard) ngày 12-9, khoảng 1 phút sau khi cất cánh từ bãi phóng của Blue Origin ở bang Texas, tên lửa đẩy của New Shepard bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Sau đó, khoang tàu (không chở theo người) mang các thiết bị và vật liệu thí nghiệm đã kích hoạt động cơ đẩy khẩn cấp để tách khỏi tên lửa và trở lại mặt đất an toàn.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đang điều tra vụ việc và tạm thời yêu cầu dừng việc phóng New Shepard của Blue Origin. Các chuyên gia độc lập nghi ngờ lỗi ở hệ thống đẩy đã gây ra sự cố.

Trang tin về vũ trụ và thiên văn học space.com nhận định sự cố của New Shepard một lần nữa nhắc nhở rằng việc thực hiện các chuyến bay vũ trụ chưa bao giờ là dễ dàng.

Trong những tuần qua, kế hoạch trở lại mặt trăng sau 50 năm của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cũng liên tục gặp sự cố. Hôm 3-9, lần thứ hai chỉ trong năm ngày, NASA hoãn phóng tên lửa khổng lồ thế hệ mới do các trục trặc kỹ thuật.

 

Tham vọng của Blue Origin

Với sự cố của New Shepard, hoạt động của Blue Origin bị chậm lại trong lúc các kỹ sư tìm hiểu nguyên nhân. Đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên với New Shepard kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 4-2015.

Vẫn còn quá sớm để bàn về việc sự cố bất thường của New Shepard sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai của Blue Origin và du lịch vũ trụ nói chung.

Cần đợi Blue Origin tìm ra lỗi và cách khắc phục. Một điều cần lưu ý là Blue Origin đang sử dụng hai tổ hợp phương tiện New Shepard khác nhau, một cho du lịch vũ trụ và một cho các chuyến bay chở hàng không người lái.

Đến nay Blue Origin đã đưa 32 người lên không gian trong các chuyến bay “du lịch” kéo dài từ 10 – 15 phút/chuyến.

Trong số đó có tỉ phú Jeff Bezos trong chuyến bay vào tháng 7-2021 và nam diễn viên 90 tuổi người Canada William Shatner (cũng là người cao tuổi nhất bay vào vũ trụ) vào tháng 10-2021. Chuyến bay chở khách vào vũ trụ gần đây nhất của Blue Origin chỉ mới diễn ra tháng trước và giá vé vẫn chưa được công bố.

Blue Origin đang cạnh tranh với Công ty Virgin Galactic của tỉ phú người Anh Richard Branson về du lịch vũ trụ.

Blue Origin còn có nhiều kế hoạch tham vọng hơn, trong đó có dự án New Glenn thực hiện các chuyến bay quỹ đạo (dự kiến có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2023) và hợp tác với NASA phát triển tàu đổ bộ mặt trăng.

 

Cuộc đua vào vũ trụ

Ngoài Blue Origin, Hãng Virgin Galactic cũng nhắm đến mục tiêu đưa du khách đến thám hiểm rìa vũ trụ. Trong khi đó, Công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk đã đưa nhiều phi hành gia của NASA lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), cũng như thực hiện các sứ mệnh tư nhân.

Hãng Boeing cũng có kế hoạch bắt đầu chuyến bay chở người đầu tiên lên ISS vào đầu năm 2023.

Theo báo Washington Post, những người ủng hộ các công ty vũ trụ mới nổi nói rằng các công ty này nên được phép cải tiến và phát triển trước khi Chính phủ Mỹ áp đặt các quy định nghiêm ngặt để quản lý họ.

BẢO ANH
TTO