10/01/2025

Suýt mất mạng vì bị vi khuẩn ‘ăn’ mặn tấn công

Suýt mất mạng vì bị vi khuẩn ‘ăn’ mặn tấn công

Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn nặng do nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus. Đây là loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ.

 

 

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Trung tâm), Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân là Lưu Công Ch. (nam, 62 tuổi, quê ở H.Giao Thủy, Nam Định) làm nghề nuôi tôm nước mặn.

Trước vào viện 2 ngày, tại nhà, bệnh nhân Ch. vệ sinh khu vực nuôi tôm của gia đình. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các nốt phỏng nước hoại tử đen ở cẳng chân phải, kèm sốt cao và mệt mỏi nhiều, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.

Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn với nhiều nốt phỏng nước hoại tử đen lan rộng cả cẳng chân. Do tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, kèm sốc nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chuyển điều trị tại Trung tâm.

Suýt mất mạng vì bị vi khuẩn 'ăn' mặn tấn công - ảnh 1
Nhiễm khuẩn “ưa” mặn Vibrio vulnificus, nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy gan, thận kèm theo mảng ban phỏng nước tím đen

MAI THANH

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Quang Huy, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ bệnh nhân Lưu Công Ch. được chuyển đến Trung tâm ngày 18.8 trong tình trạng sốc, nhiễm khuẩn huyết, phải duy trì vận mạch; chân phải nổi ban phỏng nước tím đen.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng có thể gây ra bởi các loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, trong đó có Aeromonas hydrophila và Vibrio vulnificus.

Kết quả xét nghiệm cấy dịch mủ chân của bệnh nhân xác định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus.

Sau đợt điều trị tích cực và chăm sóc tại Phòng Cấp cứu của Trung tâm, hiện tình trạng của bệnh nhân đã dần ổn định, chân đỡ sưng, không cần sử dụng vận mạch và qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân đã có thể tự ăn uống và nói chuyện.

“Tuy nhiên, các nốt phỏng tiếp tục chảy dịch và thoát huyết tương trên nền bệnh nhân đái tháo đường và xơ gan nên các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân”, bác sĩ Huy cho hay.

 

Tỷ lệ tử vong rất cao, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết những trường hợp nhiễm khuẩn do Vibrio vulnificus thường rất nặng. Trong những năm gần đây, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận 2 – 3 trường hợp là ngư dân đi biển mắc phải và những bệnh nhân này thường đi vào sốc nhiễm khuẩn, tổn thương tiến triển nhanh dẫn tới suy đa phủ tạng, nhiều trường hợp đã được lọc máu nhưng tỷ lệ tử vong rất cao.

Qua thực tế điều trị, PGS Cường lưu ý Vibrio vulnificus là loại vi khuẩn sống ở vùng nước mặn, nước lợ. Những người dân có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch rất dễ nhiễm loại vi khuẩn này. Đây là loại bệnh cảnh dễ nhầm với các bệnh cảnh nhiễm trùng huyết khác như vi khuẩn liên cầu lợn, nhiễm não mô cầu, tụ cầu, liên cầu,…

Do vậy, các bác sĩ và người dân cần cảnh giác với căn bệnh này, đặc biệt là ngư dân làm nghề nuôi trồng hải sản.

PGS Cường khuyến cáo người dân khi làm việc trong môi trường nước mặn nên mang/mặc đồ bảo hộ, sử dụng các phương tiện phòng hộ thích hợp. Khi có các triệu chứng: xuất hiện tổn thương bọng nước hoại tử ngoài da, sốt, mệt mỏi,… cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các nhân viên y tế cũng cần được tập huấn dấu hiệu nhận biết bệnh do vi khuẩn Vibrio vulnificus gây ra để chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp.

Chúng tôi thường xuyên nhận được các bệnh nhân đến từ các vùng bờ biển của Việt Nam, khi có biểu hiện sốt, tổn thương phỏng nước hoại tử ngoài da kèm suy đa phủ tạng, các ca bệnh đó cần được nghĩ đến một trong các căn nguyên là vi khuẩn Vibrio vulnificus, ngoài ra cần khai thác yếu tố nghề nghiệp, môi trường làm việc để tránh nhầm lẫn, bỏ sót.

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

TRƯƠNG THỊ LIÊN CHÂU

TNO