10/01/2025

Người không tiêm được vắc xin còn biện pháp nào chống lại COVID-19?

Người không tiêm được vắc xin còn biện pháp nào chống lại COVID-19?

Theo các bác sĩ, có khoảng 2% dân số toàn cầu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin COVID-19, vậy có phương pháp nào hiệu quả cho những đối tượng này để chống chọi với COVID-19?

Người không tiêm được vắc xin còn biện pháp nào chống lại COVID-19? - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng kháng thể gắn vào tế bào vi rút COVID-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022, số ca mắc, ca nặng, nguy kịch giảm nhiều, tuy nhiên từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1), trung bình khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày. Cùng với đó số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do COVID-19.

Hiện nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã áp dụng tiêm kháng thể đơn dòng để bảo vệ nhóm người không tiêm được vắc xin.

 

Kháng thể đơn dòng là gì?

Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn – cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – cho biết kháng thể đơn dòng là các phân tử được sản xuất trong ống nghiệm, có tác dụng như các kháng thể có thể khôi phục, tăng cường hoặc bắt chước cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch đối với các tế bào ung thư hay các loại vi rút gây bệnh truyền nhiễm.

Theo thống kê, có khoảng 2% dân số toàn cầu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao không thể tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin COVID-19, đó là nhóm: Có tiền sử dị ứng nặng với các vắc xin COVID-19, những người có suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải như nhiễm HIV, những người đang được điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị, những người bị bệnh lý khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch.

Người không tiêm được vắc xin còn biện pháp nào chống lại COVID-19? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế quận 5, TP.HCM tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhà cho người yếu thế, người suy giảm miễn dịch – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Hoàn cho biết tính đến năm 2019, FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã cấp phép cho hơn 80 kháng thể đơn dòng, mới nhất vào năm 2021 đơn vị này đã cấp phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng hỗ trợ điều trị COVID-19. Để đối phó với đại dịch COVID-19, cuối năm 2021 đầu năm 2022 nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cho phép sử dụng kháng thể đơn dòng khẩn cấp để hỗ trợ điều trị dự phòng COVID-19.

“Kháng thể đơn dòng là công cụ quan trọng trong “kho vũ khí” chống lại COVID-19, bên cạnh sự bảo vệ của vắc xin, góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thuốc được kỳ vọng sẽ nhanh chóng vô hiệu hóa và trị COVID-19 cho nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là người yếu thế, mang lại tác dụng bảo vệ kéo dài các loại kháng thể đơn dòng này đã được tối ưu hóa để có tác dụng bảo vệ ít nhất 6 tháng chỉ sau một lần tiêm bắp”, bác sĩ Hoàn nhấn mạnh.

 

Kháng thể đơn dòng bảo vệ trước nhiều biến chủng

PGS Lê Thượng Vũ – Bộ môn Nội tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết khi tiêm vắc xin COVID-19, cơ thể sẽ làm việc khiến hệ miễn dịch sản sinh ra kháng thể, tạo thành lá chắn ngăn chặn sự tấn công của vi rút SARS-CoV-2, được gọi là miễn dịch chủ động. Cơ chế này cần phải có thời gian để kháng thể được hình thành. Còn đối với kháng thể đơn dòng, cơ thể tiếp nhận trực tiếp kháng thể chống COVID-19, gọi là kháng thể thụ động.

Cụ thể, ưu điểm của kháng thể đơn dòng là dành cho những người chống chỉ định tiêm vắc xin như: bệnh nhân ghép tạng, suy giảm miễn dịch, xài thuốc trị ung thư, bệnh nhân ung thư có hóa trị… dù cơ thể có yếu không thể tạo kháng thể, cũng đã có sẵn kháng thể, đặc biệt là có hiệu quả tức thì đối với COVID-19.

Người không tiêm được vắc xin còn biện pháp nào chống lại COVID-19? - Ảnh 3.

Khoảng 2% dân số toàn cầu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Vũ cho biết thêm, hiện nay về mặt nghiên cứu kháng thể đơn dòng có hiệu quả tương tự như vắc xin trong vòng 6 tháng, do đó có thể tiêm 6 tháng/lần. Đồng thời, các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh kháng thể đơn dòng có tác dụng hiệu quả với các biến chủng của Omicron như: BA.2, BA.4, BA.5, BA.1…

“Thường khi nói đến hiệu quả của các loại vắc xin hay kháng thể đơn dòng… chúng ta sẽ nói đến hiệu quả của điều trị và mức độ an toàn. Các báo cáo hiện nay không có trường hợp nào bị tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm kháng thể đơn dòng. Về mặt hiệu quả, đa số bệnh nhân được bảo vệ tốt khi dùng chúng. Có vẻ như tỉ lệ dị ứng cho đến hiện tại được báo cáo thấp hơn so với vắc xin”, bác sĩ Vũ nói.

Bác sĩ Vũ cho biết, trong tương lai đối với những người chống chỉ định với vắc xin, ví dụ như bị phản vệ vắc xin, kháng thể đơn dòng rất quan trọng và rất hữu ích. Chúng sẽ bảo vệ những người chống chỉ định với vắc xin, giảm gánh nặng nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.

THU HIẾN
TTO