Học kiểu ‘bội thực’ chỉ làm học sinh kém đi
Học kiểu ‘bội thực’ chỉ làm học sinh kém đi
Việc giao cho tất cả học sinh một phiếu bài tập có nội dung giống nhau mà không có lưu ý gì cho riêng từng học sinh: bài nào bắt buộc làm, bài nào khuyến khích, sẽ gây ra thói quen “khá khủng khiếp”…
Một người em học dưới khóa ở trường cấp 2 với tôi, gặp tôi ở sân bay, việc đầu tiên cậu ấy hỏi: tại sao con em lại phải làm nhiều bài tập về nhà đến vậy? Bộ Giáo dục cần làm gì đó để các cô giáo không cho học sinh lớp 1 bài tập về nhà đi chứ!
Việc giao bài tập cho học sinh cần lưu ý bài nào là bắt buộc, bài nào là khuyến khích để không quá gây áp lực với học sinh ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Rồi sau đó, lúc ăn trưa với mấy người bạn, tất cả họ lại than phiền rằng, con họ (học lớp 3, 6,…) có nhiều bài tập khó quá.
Tối qua, một người bạn học đại học cùng tôi, gửi qua zalo ảnh chụp phiếu bài tập, kèm câu hỏi “sao lớp 7 lại có dạng bài tập này…!”.
Thật khó cho tôi quá. Tôi không thể tư vấn hết cho những câu hỏi, câu thắc mắc đó. Cũng khó cho tất cả, nên tôi chỉ có thể chia sẻ với các bạn, cả thực tiễn của tôi, cả quy định trong giáo dục.
Tôi thấy rằng, việc giao cho tất cả học sinh một phiếu bài tập có nội dung giống nhau mà không có lưu ý gì cho riêng từng học sinh: bài nào bắt buộc làm, bài nào khuyến khích, sẽ gây ra thói quen khá khủng khiếp: phụ huynh sẽ bắt, sẽ muốn con làm hết bài tập trong phiếu cô giao.
Và tất nhiên có những bài tập rất khó, vượt quá xa khả năng của học sinh, khiến các em mệt, sợ.
Thêm nữa, có bài dễ, bài tương tự quá nhiều, khiến học sinh chán, ghét.
Lớp 1 thì từ lâu đã có quy định “không giao bài về nhà”, còn các lớp khác cũng thế thôi, nếu giáo viên giao bài không phù hợp, quá sức, không có đủ điều kiện làm thì phụ huynh cũng nên phải hồi, thảo luận với giáo viên.
Sự thật là phụ huynh quên mất trách nhiệm phối hợp với giáo viên trong giáo dục, chỉ có thói quen thực hiện, mà việc làm thường xuyên là hỏi con “đã làm xong bài cô giao chưa?” Hoặc: “Sao còn bài này chưa làm…?”, chứ mấy ai “dám” phản biện với giáo viên rằng bài này quá khó, hoặc con nhà tôi không có đủ thời gian để làm!
Phụ huynh cũng thường lo lắng: nếu không làm hết bài tập, giáo viên phê bình và cho điểm thấp. Sao phụ huynh lại không lo thêm rằng: nếu học kiểu “bội thực” thì con sợ, chán,… và kiểu gì cũng kém đi?!
Tôi cũng đã từng trao đổi với giáo viên của con về chuyện làm bài tập. Lần đầu thấy khá khó với bản thân mình, nhất là “không biết có đúng không, nói như vậy có phải là do chiều con quá không”
Đó là lúc con tôi mới đi học, cháu học đọc không tốt, viết không được như yêu cầu,… và rồi từ lần sau, tôi có khả năng hiểu con hơn, thông tin tới giáo viên của con thường xuyên, có lý hơn.
Chuyện chẳng có gì to, chẳng có gì đáng lo, cho đến khi, ta thực sự là phụ huynh của con, đại diện được con trong hiểu và phối hợp với giáo viên. Việc này cũng cần dũng cảm đó!
PGS Chu Cẩm Thơ
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
TNO