10/01/2025

Tự chủ đại học: Đừng đẩy gánh nặng tài chính về người học

Tự chủ đại học: Đừng đẩy gánh nặng tài chính về người học

Theo thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016 – 2021 của Bộ GD-ĐT, một trong những thành tựu đáng kể của quá trình tự chủ đại học là giúp nâng cao năng lực tài chính của trường và cải thiện đội ngũ.

 

 

 

Tuy nhiên, báo cáo tổng kết của Bộ cũng cho thấy nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi.

Tự chủ đại học: Đừng đẩy gánh nặng tài chính về người học - ảnh 1
Nhiều trường đại học đang đẩy mạnh hoạt động từ đặt hàng nghiên cứu để tăng nguồn thu ngoài học phí  NHẬT THỊNH

Đáng nói, dù số bài báo khoa học và công bố quốc tế tăng mạnh, nhưng đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí (HP).

Trước thực trạng trên, tăng nguồn thu ngoài HP để không đẩy gánh nặng tài chính lên người học là bài toán “đau đầu” của các trường ĐH khi thực hiện tự chủ. Chính vì thế, nhiều trường đang tìm kiếm thêm các nguồn thu khác để giảm gánh nặng tài chính cho người học.

Theo PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khi thực hiện tự chủ hoàn toàn không có sự hỗ trợ từ ngân sách cho các hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư, việc tăng nguồn thu khác ngoài HP đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng tài chính cho người học. Theo ông Phúc, từ những năm 1990, trường đã bắt đầu các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ nhưng đặc biệt được đẩy mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây. Mặc dù nguồn thu chủ yếu của trường vẫn là HP, nhưng đã có một phần từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2021 trong số tổng doanh thu khoảng 700 tỉ đồng của trường này, có khoảng 80 tỉ đồng từ các đề tài nghiên cứu. Hoạt động chuyển giao công nghệ doanh thu trung bình khoảng 100 – 150 tỉ đồng tùy năm.

“Nhiều trường ĐH nước ngoài nguồn thu từ HP chỉ chiếm khoảng 1/3 và trong số các nguồn thu khác thì chiếm nhiều nhất từ hoạt động đặt hàng nghiên cứu từ Chính phủ. Tuy nhiên, ở VN nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu này chưa bền vững, nhưng sẽ là hướng các trường đẩy mạnh thời gian tới”, ông Phúc nói.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nguồn thu từ HP của trường chiếm 73,6% tổng thu. Ngoài học phí, cơ cấu nguồn thu của trường này còn bao gồm 22,5% từ các hoạt động tư vấn, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, các hoạt động khác như phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên và giảng viên… cũng tạo ra khoảng 3,9% doanh thu.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng thuộc danh sách 1 trong số 23 trường được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động từ giai đoạn đầu. PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường đã triển khai hơn 1.000 đề tài nghiên cứu các cấp và nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao là một trong số các nhiệm vụ trọng tâm của trường giai đoạn tới để tăng nguồn lực, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người học. Đồng thời với đó là tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn.

 

 HÀ ÁNH

TNO