Thứ Ba 13.09.2022
Giọt Nước Mắt Nào
Cần tập khóc vì trong thế giới công nghệ phát triển, con người và đặc biệt là người trẻ dễ vô cảm, không biết cảm thương, không nhìn thấy nỗi đau của người khác.
Thứ Ba Tuần XXIV – Mùa Thường Niên
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh – Lễ nhớ
1 Cr 12,12-14.27-31a • Tv 99,1-2.3.4.5 (Đ. c.3c) • Lc 7,11-17
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca
11 Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Giọt Nước Mắt Nào
Người mẹ khóc con, Chúa bảo đừng khóc không có nghĩa: Khóc là xấu. Tại mồ Chúa, Mađalêna khóc. Chúa bảo tại sao khóc? Trên chặng đường Thánh giá, Chúa nói hãy khóc thương con cái các ngươi!
Đức giáo hoàng Phanxicô khuyên: hãy tập khóc và hãy biết khóc.
Cần tập khóc vì trong thế giới công nghệ phát triển, con người và đặc biệt là người trẻ dễ vô cảm, không biết cảm thương, không nhìn thấy nỗi đau của người khác. Khóc không có nghĩa là ủy mị mà là cách hiệp thông với nhau, là nhận ra trách nhiệm để sẵn sàng sẻ chia. Khi nhận ra trách nhiệm trước cảnh đau lòng, người trẻ sẽ ra khỏi thế giới ảo để phát huy tiềm năng mà cống hiến, dấn thân để xoa dịu nỗi đau.
Trong tông huấn Chúa Kitô Đang Sống số 76, Đức Phanxicô viết: “chúng ta đang có một cuộc sống không thiếu thốn gì nhiều, nên chúng ta không biết khóc. Có những thực tế trong cuộc đời chỉ có thể nhìn thấy bằng đôi mắt đẫm lệ. Cha muốn mỗi người trong các con hãy tự hỏi mình: Tôi có biết khóc không? Khóc cũng là cách diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn”.
Lạy Chúa, xin cho con biết khóc để có thể làm điều gì đó cho người khác với cả tấm lòng.
Lm. Gioan Lê Quang Việt – MVGT
Sống Lời Chúa: Nhạy bén trước những khó khăn của người bên cạnh để đồng hành và sẻ chia.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam