‘Ma trận’ sản phẩm tự huỷ sinh học: Khó phân biệt vì chưa dán nhãn
‘Ma trận’ sản phẩm tự huỷ sinh học: Khó phân biệt vì chưa dán nhãn
Với xu hướng tiêu dùng xanh, ngày càng có nhiều người dân lựa chọn sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy vậy, trên thị trường có đa dạng mẫu mã, mặt hàng gắn nhãn “tự huỷ sinh học”, người tiêu dùng lạc vào ma trận không biết đâu mới đúng.
Việc thiếu quy định về gắn nhãn xanh để phân biệt các phẩm tự hủy sinh học với sản phẩm khác, đang khiến cho người tiêu dùng nhầm tưởng và vô tình lựa chọn mặt hàng trôi nổi trên thị trường nhưng không có khả năng phân hủy thực sự.
Tự huỷ sinh học chưa chắc thân thiện môi trường
Có lượng túi ni lông được sử dụng hàng ngày khá lớn, nhiều tháng nay chị Hương (Hà Đông, Hà Nội) chuyển sang sử dụng các sản phẩm túi tự hủy sinh học.
Tìm hiểu thị trường, chị Hương như lạc vào ma trận với nhiều chủng loại, mẫu mã, được ghi trên bao bì “túi tự hủy”, “túi tự hủy sinh học”, hay “găng tay sinh học phân hủy”… Yên tâm vì lời quảng cáo, nên sản phẩm nào giới thiệu “tự hủy”, chị đều lựa chọn để trải nghiệm.
Tuy vậy, trong một lần vô tình đọc được thông tin phân biệt các sản phẩm sinh học phân hủy và sản phẩm nhựa phân hủy một phần (nhựa tự hủy OXO), chị Hương giật mình nhận thấy mình đang lầm tưởng tất cả sản phẩm gán nhãn “tự hủy” hay “tự phân hủy” là đều có tính năng là những sản phẩm bảo vệ môi trường.
“Tôi rất ngạc nhiên khi nhiều sản phẩm gắn nhãn tự hủy về bản chất vẫn là sử dụng nguyên liệu nhựa, được phân rã thành những hạt nhựa nhỏ và tồn tại trong môi trường.
Nếu như vậy thì không khác nào tôi vẫn dùng túi ni lông, chi trả nhiều tiền hơn mà vẫn không bảo vệ môi trường. Với sản phẩm sinh học phân hủy thực sự, tôi không biết cách phân biệt vì không có thông tin hay hướng dẫn để nhận biết trên bao bì” – chị Hương nói.
Là quản lý giám sát cho một công ty nước ngoài, chị Linh (Quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay doanh nghiệp chị sản xuất các sản phẩm dán nhãn năng lượng xanh, nên công ty khuyến khích trong tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần hay túi ni lông.
Do vậy, hầu hết các đồ dùng trong văn phòng được chuyển đổi sang đồ sử dụng nhiều lần và các loại bao bì, vật dụng thân thiện môi trường.
Với yêu cầu khắt khe nên chị tìm hiểu rất kỹ về các sản phẩm trên thị trường để lựa chọn đúng. Nhờ vậy, chị hiểu rõ các sản phẩm ghi nhãn bảo bì tự hủy trên thị trường, không phải sản phẩm nào cũng là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.
“Cùng là một sản phẩm, nhưng nhựa sinh học phân hủy (bio-degradable) là loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học. Tức là dưới sự tác động của vi sinh vật, các sản phẩm này sẽ phân hủy thành CO2, H2O, sinh khối… thân thiện với môi trường thực sự và có thể tái tạo” – chị Linh cho biết.
Khó nhận biết vì quảng cáo mập mờ, thiếu dán nhãn
Đứng trước bài toán nan giải về môi trường, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhựa sinh học phân hủy với mục đích khắc phục khả năng phân hủy của nhựa truyền thống, khi các sản phẩm nhựa để phân hủy mất đến hàng trăm, ngàn năm.
Trong khi đó nhựa sinh học phân hủy làm từ nguyên liệu tái tạo chỉ mất từ vài tháng – vài năm để biến thành CO2, H2O, phân mùn… giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải CO2 khi đốt từ 25-30%…
Tuy vậy, GS.TS. Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng các sản phẩm nhựa tự hủy OXO và nhựa sinh học phân hủy đang chưa được phân biệt rõ ràng.
Thị trường có nhiều sản phẩm mang danh “sinh học phân hủy” khiến người tiêu dùng nhầm tưởng rằng, nhựa tự hủy OXO cũng là sản phẩm xanh thân thiện với môi trường. Trong khi về bản chất đây vẫn là nhựa, được phân rã và tồn tại trong môi trường, thậm chí có thể dễ dàng đi vào chuỗi tuần hoàn thực phẩm, gây tác động xấu tới sức khỏe con người.
Vì vậy, bà Chi cho rằng các cơ sở sản xuất tự phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm được gọi là sinh học phân hủy để thông tin chính xác cho người dùng. Đồng thời cần có cơ chế, quy định rõ ràng hơn để phân biệt, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết với các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, có chức năng phân hủy thực sự.
Về tiềm năng phát triển của nhựa sinh học phân hủy, TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho rằng các sản phẩm sinh học phân hủy thay thế cho các sản phẩm từ nhựa truyền thống, sử dụng nguồn nguyên vật liệu đầu vào tái sinh nên sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu không thể thay thế.
Đồng thời, đây sẽ là giải pháp phù hợp với Việt Nam trong điều kiện các cơ sở hạ tầng về thu gom, phân loại nhựa còn chưa được hoàn thiện.
Tuy nhiên, sản phẩm này cũng có nhược điểm là thời gian phân hủy ngắn (6-12 tháng) nên hạn sử dụng của sản phẩm sẽ không dài như các sản phẩm thông thường. Nếu quá hạn sử dụng, sản phẩm có thể dễ rách, giòn vỡ…
Trong khi đó, giá thành sản xuất cao, thường gấp từ 2-3 lần so với các sản phẩm gắn nhãn phân hủy khác, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất, nên chưa phổ biến và phù hợp với với đại đa số người tiêu dùng.
Lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings – doanh nghiệp có tiếng về sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy chia sẻ khi người dân ngày càng quan tâm tới xu hướng tiêu dùng xanh, thì việc có những quy chế, quy định rõ ràng sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Được biết, hiện tại, An Phát Holdings là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được sản phẩm nhựa sinh học phân hủy đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sản phẩm AnEco của công ty này đang được bán rộng rãi tại Việt Nam và 20 nước trên thế giới, đặc biệt đang gây tiếng vang lớn tại sàn thương mại điện tử Amazon (Hoa Kỳ).