24/11/2024

Để thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH hướng đến một nền giáo dục trung thực

Để thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH hướng đến một nền giáo dục trung thực

Sau gần 10 năm cải tiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập cần cải tiến, nếu không, nguy cơ dẫn đến một nền giáo dục không trung thực.

 

 

Nhà nước có chính sách là người dân có đối sách

Một vấn đề nổi lên, cứ lặp đi lặp lại, đó là, hễ nhà nước đưa ra chính sách mới là người dân có đối sách ngay, dẫn đến nhà nước phải thay đổi hoặc dừng thực hiện.

Từ năm 2015, việc xét tốt nghiệp THPT có sự tham gia 50% điểm học bạ lớp 12 đã nảy sinh hiện tượng cho điểm nới lỏng để học sinh (HS) có lợi, đến mức có địa phương điểm trung bình cả năm lớp 12 trên 8,0 điểm (điều chưa từng có trước đây).

Để thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH hướng đến một nền giáo dục trung thực - ảnh 1
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM  ĐỘC LẬP

Từ năm 2017, tuyển sinh ĐH cho phép sử dụng kết quả điểm học bạ cấp THPT nên việc cho điểm HS lại cao hơn, thậm chí có trường làm 2 học bạ, HS phải học thêm 2 thầy (một thầy lấy kiến thức, một thầy lấy điểm). Hậu quả là kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022, có ngành, có trường điểm chuẩn học bạ trên 30 điểm.

Cũng từ năm 2017, kỳ thi THPT chuyển cho địa phương chủ trì coi và chấm thi, các trường ĐH, CĐ phối hợp. Lợi dụng sự thay đổi này, một số người tham gia chấm thi nảy sinh tiêu cực, gian lận. Đỉnh điểm là năm 2018, xảy ra vụ gian lận thi cử nghiêm trọng ở 3 tỉnh Hà GiangHòa Bình và Sơn La, với hàng ngàn bài thi được sửa điểm, hàng trăm HS được nâng điểm, hậu quả có hàng chục cán bộ giáo dục, công an bị khởi tố và hàng trăm HS bị hủy kết quả thi. Điều đáng nói là, phần lớn những HS được nâng điểm là HS trường chuyên của các tỉnh nói trên.

 

Học chỉ để thi, nền giáo dục “ứng thí”

Việc giảng dạy và học tập hiện nay ở các trường phổ thông chủ yếu là học để thi. Một số trường đã phân loại HS theo từng tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) hay khoa học xã hội (KHXH), tập trung giảng dạy, luyện thi ngay từ lớp 10, trong khi các hoạt động giáo dục như rèn đạo đức, sức khỏekỹ năng sống… lại xem nhẹ. HS chỉ tập trung cho các môn học theo tổ hợp dự tuyển ĐH, các môn học khác học đối phó, thậm chí xin điểm, chạy điểm, thi tốt nghiệp chỉ cần vượt qua điểm liệt. HS không học vì đam mê, khám phá tri thức, hoàn thiện nhân cách mà cốt học để thi, đưa giáo dục nước ta thành nền giáo dục “ứng thí”.

HS các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển, tập trung học toán, văn và ngoại ngữ, còn các môn KHTN, KHXH không chú trọng. Bằng chứng là thứ hạng bình quân toán, văn, ngoại ngữ ở những thành phố này thuộc top đầu còn thứ hạng KHTN và KHXH lại ở top cuối. Điều này dẫn đến nguy cơ nguồn lao động nước ta không đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, vì KHTN là nền tảng của giáo dục STEM.

Khi triển khai chương trình lớp 10 năm học 2022 – 2023, nhà trường, địa phương yêu cầu Bộ GD-ĐT công bố cách thức thi tốt nghiệp năm 2025 để nhà trường dạy và học phù hợp với thi cử. Đúng ra, việc dạy và học làm sao đảm bảo mục tiêu của chương trình giáo dục thì bất kể thi như thế nào cũng đáp ứng tốt.

 

Đối sánh không khéo tác dụng ngược

Việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH như hiện nay đã hình thành ở nhà trường và giáo viên (GV) tư duy cho rằng: các trường khác kiểm tra, chấm điểm thoáng nên trường mình cần phải thoáng hơn, nếu không, học trò sẽ thiệt thòi.

Đối sánh nhằm hiểu rõ hiện trạng của chính mình, xác định khoảng cách giữa đơn vị mình với mục tiêu muốn đạt, học hỏi những phương pháp, giải pháp thành công tốt nhất của đơn vị khác để triển khai tại đơn vị mình. Tuy nhiên, nếu không áp dụng kiên trì, nhân rộng việc đánh giá trung thực, học hỏi những phương pháp, giải pháp tốt, thành công ở đơn vị khác áp dụng cho đơn vị mình mà chỉ lấy sự tiêu cực của đơn vị khác áp dụng cho đơn vị mình thì đối sánh nguy cơ có tác dụng ngược.

Đã có nhiều cải tiến trong thi cử

Trước năm 2013, HS lớp 12 phải trải qua nhiều kỳ thi căng thẳng, nặng nề và tốn kém. Để tránh HS học lệch, thi tốt nghiệp THPT có 6 môn thi, trong đó 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, 3 môn còn lại do Bộ GD-ĐT chọn. Điểm xét tốt nghiệp là trung bình điểm thi, không có sự tham gia của điểm học bạ; phân loại tốt nghiệp: giỏi, khá, trung bình và điểm liệt là 2,0 điểm. Sau thi tốt nghiệp là kỳ thi tuyển sinh ĐH, nếu HS muốn học CĐ phải dự kỳ thi tuyển sinh sau đó.

Thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, từ năm 2014 đến nay đã được cải tiến rất nhiều. Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích đánh giá người học theo mục tiêu giáo dục, sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp và có thể sử dụng cho tuyển sinh ĐH, CĐ; ngoài 3 môn bắt buộc, HS có quyền chọn tổ hợp KHXH (sử, địa, giáo dục công dân) hoặc KHTN (lý, hóa, sinh) để thi; Điểm xét tốt nghiệp có 30% điểm học bạ; điểm liệt chỉ là 1,0 điểm; không phân loại tốt nghiệp.

Chẳng hạn, lãnh đạo một trường chuyên khu vực Nam Trung bộ cho biết năm 2016, ở tỉnh ông có trường THPT đầu vào thấp nhưng điểm trung bình học bạ lại cao hơn trường chuyên, vì vậy ông đề nghị GV của trường “nên” thoáng hơn trong việc kiểm tra, đánh giá HS. Kết quả HS lớp 12 những năm sau đó có hơn 70% xếp loại HS giỏi và trên phạm vi toàn quốc có trường chuyên tỷ lệ HS giỏi là hơn 95%.

Hoặc một hiệu trưởng trường huyện một tỉnh miền Trung nêu vấn đề, trường chuyên của tỉnh này có chênh lệch điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp luôn cao, có năm cao nhất tỉnh, từ đó GV trường ông đánh giá, cho điểm HS thoáng hơn, nhưng để công bằng, ông đề nghị GV sau khi chấm bài xong, cộng đều 1, 2 điểm cho tất cả HS.

Ngay cả việc chấm thi tự luận môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số GV ở tỉnh có điểm thấp cho rằng: nguyên nhân điểm thấp là do giám khảo chấm nghiêm túc, vận dụng đáp án chặt, còn tỉnh khác vận dụng đáp án thoáng nên có nhiều điểm 8, điểm 9.

 

Trung thực là thước đo lòng tự trọng

Trước hết, điều cốt lõi là dạy, học, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ cần thực hiện tinh thần như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Học thật, thi thật và nhân tài thật”, không phải “xấu che, tốt khoe”, hay như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận “dù đau cũng phải nói ra, là nền giáo dục chúng ta chưa trung thực”. Từ đó, dạy, học, kiểm tra đánh giá phải trung thực, thực chất, hiệu quả. Trung thực phải là thước đo sự tự trọng của nhà trường, hiệu trưởng và GV.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đến năm 2024 theo Chương trình giáo dục 2006, với mục tiêu phát triển toàn diện, nhưng cần hướng tới phân hóa HS theo định hướng nghề nghiệp mạnh hơn, do đó ngoài 3 môn thi bắt buộc, HS có thể chọn 3 môn trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân để thi, không theo tổ hợp. Nâng điểm liệt lên 2 điểm để đảm bảo chất lượng HS sau THPT.

Xây dựng ngân hàng đề thi đánh giá năng lực theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bao gồm tất cả môn học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, ngoài 3 môn bắt buộc, HS có thể chọn thêm 4 môn thi trong số các môn: lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, tin học, âm nhạc và mỹ thuật. Để tiến tới thi trên máy tính, cần thí điểm ở một địa phương (như TP.HCM), sau đó rút kinh nghiệm cho đại trà, một năm có thể tổ chức nhiều đợt thi.

Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện đối sánh điểm học bạ và điểm thi để qua đó biết địa phương nào đánh giá HS thực chất hay chưa thực chất. Kết quả đối sánh cần được phổ biến rộng rãi trong ngành, để đối sánh đi đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao trong xây dựng một nền giáo dục trung thực.

Thực tiễn cho thấy một số địa phương đánh giá HS rất thực chất, chênh lệch điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi dưới 0,5 điểm, như: Bình Dương, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Ninh Bình…, cần phát huy, nhân rộng việc kiểm tra, đánh giá HS trung thực, đúng chất lượng. Với những địa phương chênh lệch học bạ và điểm thi còn cao, cần có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

HỒ SỸ ANH

TNO