Nhà vệ sinh trường học sạch đẹp, thơm tho có khó làm?
Nhà vệ sinh trường học sạch đẹp, thơm tho có khó làm?
‘Sạch, đẹp, thơm là những tiêu chí chúng tôi đặt ra khi xây dựng nhà vệ sinh dành cho học sinh để từ đó các em không còn phải ái ngại như khi phải đi vào một khu vệ sinh xập xệ, nhớp nháp’.
Cô Vũ Thị Thu Huyền – hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh – chia sẻ như vậy về câu chuyện nhà vệ sinh trường học.
Xã hội hóa
Trường THPT Hoàng Quốc Việt là một trong những ngôi trường “tiên phong” trong việc cải tạo, xây dựng khu vực nhà vệ sinh dành cho học sinh đảm bảo tiêu chí khang trang, sạch đẹp. Ở phía trước khu nhà vệ sinh của trường được trang trí một giàn hoa xinh xắn giúp tạo không gian thoáng mát.
Ngoài hệ thống thiết bị vệ sinh hiện đại thì nhà vệ sinh của trường còn được trang bị hệ thống điện thông minh để mỗi khi học sinh đi vào thì ánh sáng và những bản nhạc tươi trẻ tự động bật lên.
Cô Huyền cho biết dù nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng nhận thức được tầm quan trọng của nhà vệ sinh trường học nên trường đã xây dựng đề án xã hội hóa, cải tạo nhà vệ sinh ngay từ đầu năm học 2017-2018.
Sau khi được Sở GD-ĐT phê duyệt, nhà trường đã vận động kinh phí đóng góp từ cha mẹ học sinh, doanh nghiệp và thầy cô giáo. Vì thế, nhà vệ sinh dành cho học sinh đã được sửa chữa, nâng cấp đảm bảo sạch, đẹp.
Không riêng Trường Hoàng Quốc Việt mà tại Quảng Ninh trong những năm qua còn có rất nhiều trường học cũng chú trọng đến việc xây mới, cải tạo, sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh.
Dạo quanh một số trường học ở Hạ Long như Trường tiểu học Hạ Long, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Trường THPT Hòn Gai, Trường Đoàn Thị Điểm Hạ Long…, có thể thấy hầu hết nhà vệ sinh đều đảm bảo tiêu chí thoáng mát, sạch sẽ. Các khu nhà vệ sinh đều được bố trí hợp lý, khu vệ sinh nam và nữ riêng với bồn, vòi nước rửa tay, xà phòng trang bị đầy đủ.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT Quảng Ninh, hiện nay 100% số trường học trên địa bàn đều đã xây dựng công trình vệ sinh đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định.
Cũ vẫn sạch
Sau khoảng 15 năm xây dựng, các nhà vệ sinh ở Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận 10, TP.HCM) nay đã cũ. Nhưng khi trò chuyện với Tuổi Trẻ, học sinh nhiều khối lớp của trường đều cho biết các em không ngại ngần khi đi vào nhà vệ sinh.
Cô Huỳnh Thị Thảo – hiệu trưởng – lý giải: “Trường bố trí hai nhân viên dọn dẹp các khu vệ sinh của học sinh. Các nhân viên sẽ làm vệ sinh trước khi học sinh đến trường, sau khi học sinh ra chơi, sau khi học sinh ăn trưa… Các nhân viên phụ trách khu vệ sinh làm việc liên tục để đảm bảo nơi đây luôn đầy đủ xà bông rửa tay, giấy vệ sinh cũng như khu vực luôn khô ráo, sạch sẽ, không có mùi.
Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng của các tiết học kỹ năng, học sinh được học kỹ năng giữ vệ sinh thân thể, cá nhân và giữ vệ sinh khu vực vệ sinh nữa”.
Tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh, học sinh được học kỹ về những nội dung rửa tay, làm sạch các khu vực công cộng, giữ gìn vệ sinh công cộng. Đồng thời, phụ huynh cũng được góp ý, đóng góp để công tác vệ sinh trong nhà trường tốt hơn. Điều này tạo ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh.
Tương tự, được xây dựng cùng với trường nên các phòng vệ sinh trong các lớp học ở Trường mầm non 10 (quận 11, TP.HCM) hiện nay thiết bị đã cũ, trong đó có hai nhà vệ sinh được sửa chữa thay mới vào năm học trước. Tại trường này có 16 phòng học, 16 phòng vệ sinh và mỗi phòng như vậy là một khu riêng với hệ thống bồn cầu, bồn rửa tay dành cho các bé lứa tuổi mầm non.
Các phòng vệ sinh ở Trường mầm non 10 tuy không còn mới, gạch lót cũng đã cũ nhưng vẫn được giữ gìn sạch sẽ do các giáo viên liên tục dọn dẹp.
“Không giống như lứa tuổi tiểu học, các khu vệ sinh ở trường mầm non đều phải tự tay giáo viên mỗi lớp dọn rửa, lau chùi sạch sẽ sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ. Tuy vất vả nhưng giáo viên trường chúng tôi không nề hà công việc này vì các cô đều hiểu được rằng khu vệ sinh phải sạch thì mới đảm bảo những yêu cầu vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đảm bảo yêu cầu giáo dục” – cô Nguyễn Ngọc Phượng, hiệu trưởng, nói.
Nhà vệ sinh chung cho giáo viên và học sinh
Cô Phan Thị Bích Mười – hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) – cho biết tuy trường mới đầu tư xây dựng nhà vệ sinh nhưng để được sạch sẽ thì việc giáo dục ý thức cho 1.300 học sinh tại trường là điều bắt buộc. Bên cạnh đó, trường tổ chức các buổi thảo luận để học sinh nói lên quan điểm, ý kiến…
“Nhà vệ sinh tại trường học chúng tôi không chia riêng biệt giữa giáo viên và học sinh mà là một khu chung để không có tình trạng phân biệt. Học sinh sử dụng được thì giáo viên sử dụng được, bởi chính giáo viên là người kiểm tra chất lượng từ đó nhắc nhở các em tự giác giữ gìn vệ sinh chung tốt hơn” – cô Mười chia sẻ.
THẾ THẾ
Ba điều nhức nhối từ chuyện nhà vệ sinh bẩn
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch Liên chi hội Bệnh truyền nhiễm TP.HCM
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch Liên chi hội Bệnh truyền nhiễm TP.HCM – cho biết câu chuyện nhà vệ sinh trường học là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, đặt ra ba vấn đề cần được quan tâm.
Thứ nhất, một nhà vệ sinh quá dơ sẽ để lại nhiều nguy cơ đến sức khỏe của các bạn nhỏ, ở đây trước hết là sức khỏe thể chất. Toilet nếu không được thường xuyên làm sạch có thể là ổ cho nhiều mầm bệnh.
Trẻ có thể mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh tiêu hóa và nhiều loại bệnh khác có thể lây lan trong không gian bẩn như nhà vệ sinh. Nếu “sống chung” với môi trường này nhiều năm, cơ thể học sinh sẽ chịu những tác động tiêu cực mang tính lâu dài.
Thứ hai là ảnh hưởng đến tâm lý hay sức khỏe tinh thần ở học sinh. Các em sẽ sợ toilet nhà trường, tức là đi học trong một sự lo lắng. Thông thường, nỗi sợ sẽ càng lớn với những em nhỏ tuổi. Ám ảnh này lại tác động ngược trở lại đến sức khỏe thể chất bởi các em sẽ cố gắng nhịn tiểu, dù có mắc cũng ráng không đặt chân vào nhà vệ sinh trường. Lúc này, học sinh rất dễ mắc phải những chứng như bí tiểu, nhiễm trùng đường tiểu…
Cuối cùng, theo bác sĩ Khanh, một điều vô cùng quan trọng sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ là trường học khó có thể hình thành cho trẻ những thói quen tốt. Bác sĩ Khanh đặt vấn đề: Làm sao trẻ em, trong hơn 12 năm, có thể ý thức giữ gìn một nhà vệ sinh sạch sẽ trong khi nhà vệ sinh trường lúc nào cũng dơ bẩn đến nỗi các em không muốn đặt chân đến?
Nhìn rộng ra đó còn là văn hóa giữ gìn vệ sinh chung, coi trọng các tài sản công cộng. “Tôi nghĩ đây là một bài học thiết thực mà trước nay nhiều trường học chưa để ý đến. Không có một toilet đàng hoàng thì làm sao dạy trẻ khi đi đến nơi công cộng thì phải giữ vệ sinh? Chưa kể, nhà trường là nơi trẻ đi học, là nơi lẽ ra trẻ phải được xây dựng những văn hóa đẹp từ các thói quen nhỏ nhất như thế” – bác sĩ Khanh nói.
Ông Khanh nhận thấy không chỉ nhiều trường ở nông thôn hay vùng sâu mới có cảnh những nhà vệ sinh dơ bẩn, một số trường ở thành phố cũng chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Trong quá trình xây dựng trường học, nhiều nơi chỉ quan tâm đến chuyện phòng ốc, hay xa hơn là chuyện bàn ghế cao thấp, ánh sáng nhiều hay ít, chứ chưa xem trọng cái toilet.
TRỌNG NHÂN