09/01/2025

Ngành giáo dục có chịu ‘đau’ để tìm lại sự trung thực?

Ngành giáo dục có chịu ‘đau’ để tìm lại sự trung thực?

Đầu năm học này, vấn đề ‘trung thực trong giáo dục’ một lần nữa lại nóng trên các diễn đàn sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng ‘có đau cũng phải nói: chúng ta chưa trung thực’.

 

 

Tham dự lễ tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng nhấn mạnh: “Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra xã hội thực chất” và đề nghị trong năm học mới các thầy cô giáo nghĩ cách tiếp cận để dạy học sinh (HS) có môi trường sống trung thực. Môi trường này bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu ở từng cấp, của người lớn.

Ông Nên cũng yêu cầu ngành giáo dục TP.HCM không chạy theo thành tích ảo, có thành tích bao nhiêu thì báo bấy nhiêu và yêu cầu phải nói thật, làm thật, chấm điểm thật, có tiêu chí thật, có thước đo thành tích cho từng cấp, từng lớp, từng môn… để hạn chế giả dối. Chọn trung thực xứng đáng, đúng nghĩa theo sự cống hiến, nỗ lực, sáng tạo của thầy và trò.

 

Không có “xạ” nhưng “tự vẽ nên hương”

Tại hội nghị bàn về văn hóa học đường do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư, cho rằng những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận là văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”… tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên (GV), giảng viên…

Là người trong cuộc, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội), chỉ ra rằng thành tích đã thành “bệnh” khi ngành giáo dục phải phát động phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”! Đó là bệnh nói dối trong các báo cáo thành tích. “Không có xạ nhưng vẽ nên hương, bé bằng trứng chim cút nhưng phóng đại lên bằng trứng đà điểu”, ông Khang ví von.

Ngành giáo dục có chịu 'đau' để tìm lại sự trung thực? - ảnh 1
Trong năm học mới, các thầy cô giáo cần nghĩ cách tiếp cận để dạy học sinh có môi trường sống trung thực   NHẬT THỊNH

GV phải làm rất nhiều loại sổ sách, ngốn không ít thời gian và sức lực. Những cuốn sổ cần thiết thì đã đành, nhưng để đối phó với cấp trên những lúc kiểm tra, họ có những quyển giáo án đẹp, tự mình làm ra hoặc “học hỏi, sao chép” từ đồng nghiệp trên toàn quốc. Cái đáng nói là ở chỗ chỉ để đối phó cấp trên, không vì HS thân yêu. “Đối phó” là hiện tượng khá phổ biến ở các trường học bấy lâu nay. “Đối phó là sự giả dối bất đắc dĩ! Ai cho chúng tôi được sống chân thật? Không phải viết báo cáo thành tích, không phải đối phó với cấp trên?”, ông Nguyễn Xuân Khang đặt câu hỏi.

 

Làm mất niềm tin của xã hội với giáo dục

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục VN về bệnh thành tích trong giáo dục thực hiện năm 2017 cũng đã từng chỉ ra rằng hơn 40% đánh giá của đối tượng tham gia khảo sát đã chỉ ra tác hại của bệnh thành tích tạo ra chất lượng giáo dục ảo, có ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đến hình thành nhân cách của HS, sinh viên, đội ngũ tham gia giảng dạy… Trong đó 48% GV, giảng viên và hơn 44,4% HS – sinh viên cho rằng chất lượng giáo dục ảo đã ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đến động cơ học tập và giảng dạy của họ.

Còn trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu trên, Viện Khoa học giáo dục tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia và GV thì nhiều ý kiến chỉ ra rằng: bệnh thành tích hình thành thói quen xấu trong nhà trường, tạo ra phản ứng dây chuyền, tâm lý xã hội không tốt trong việc giáo dục HS.

Ví dụ, bình xét thi đua nặng hình thức, khen thưởng chạy theo số lượng, thậm chí ấn định trước, thiếu khách quan, trung thực. Tổ chức thi GV dạy giỏi hằng năm chủ yếu theo hướng “nuôi gà nòi” chứ không chú ý đến việc nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV.

Cũng theo kết quả nghiên cứu: việc hạ thấp yêu cầu đánh giá, nâng các loại kết quả giáo dục để đạt và vượt chỉ tiêu được giao gây nên thành tích ảo, dẫn đến hiện tượng: HS ngồi nhầm lớp, 100% HS được lên lớp, tỷ lệ HS khá, giỏi cao… Mục đích không vì thúc đẩy sự tiến bộ của người học mà chủ yếu vì thành tích của GV và cơ sở giáo dục. Bệnh thành tích đã làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục, ảnh hưởng từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng đến niềm tin của xã hội với giáo dục như: nghi ngờ các thành tựu của giáo dục, mất tin tưởng vào đội ngũ cán bộ quản lý, GV; vào chủ trương đổi mới của giáo dục…

Ngành giáo dục có chịu 'đau' để tìm lại sự trung thực? - ảnh 2
Bệnh thành tích đã làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục  DAD

Kéo gần sự chênh lệch của người học thay vì tìm giải thưởng

PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho rằng: “Chất lượng không phải là thành tích. Thế nên không thể khoe chất lượng dựa vào những “điểm cao”. Chất lượng ít nhất là tổng hòa các yếu tố tham gia vào việc học: GV, chương trình nhà trường, thực học của HS, mối quan hệ giữa các bên tham gia vào giáo dục. Chúng ta sẽ nói gì khi trong cuộc phỏng vấn, không ít HS nói: em đến trường chủ yếu để gặp các bạn, còn học để thi ở chỗ khác. Hoặc, một kết quả thi lại được lấy làm minh chứng cho vô số lớp học thêm, và cả nhà trường?”.

PGS Chu Cẩm Thơ cũng chia sẻ: “Tại một số trường học mà tôi được làm việc trực tiếp, tôi đã cố gắng chỉ ra cho họ thấy sự chênh lệch trong 1 trường học, 1 lớp học thật đáng lo hơn là “không có giải thưởng nào”. Thay vì đầu tư rất nhiều cho những giải thưởng, ta có thể làm gì để kéo gần sự chênh lệch của những người học. Cần có sự hành động mạnh mẽ, thay đổi chính sách, phương thức khi mà khoảng cách giữa các nhà trường còn rất xa, mà điều đó cứ diễn ra trong nhiều năm”.

 

Đẩy mạnh quyền tự chủ trong các nhà trường

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục VN, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng để lấy lại niềm tin, sự trung thực, điều đầu tiên ngành giáo dục phải thay đổi cách thức tổ chức quản lý, đẩy mạnh quyền tự chủ trong các nhà trường và cuối năm đánh giá chất lượng. Do không tự chủ, không được quyền quyết định, các trường phổ thông phải loay hoay “bơi” trong tình trạng bị “trói tay” nên nhiều chủ trương, chính sách đến trường học không thực hiện được. Chỉ khi nào, trường học được giao quyền chủ động giảng dạy, tuyển chọn GV… khi đó mới đảm bảo chất lượng.

Điều quan trọng thứ hai là bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo thật tốt vì chỉ khi “có bột mới gột nên hồ”. Việc này phải được làm đồng bộ từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và thanh lọc GV nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ. GV luôn là yếu tố quyết định thành bại của chương trình giáo dục.

Ngoài ra, TS Lâm đề nghị kiên quyết giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho từng địa phương để họ chịu trách nhiệm. Hiện nay, địa phương tập trung rất nhiều về kinh tế nhưng không lo đến việc “trồng người” như thế nào để có nguồn nhân lực tốt hay có chính sách thu hút người tài về các trường phổ thông dạy học. Bộ GD-ĐT nghiên cứu cùng các ngành đưa ra chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục từng tỉnh, thành phố để họ chịu trách nhiệm về chất lượng tại chỗ. (còn tiếp)

 

Bộ GD-ĐT sẽ quyết liệt hơn ?

Nói về việc chấn chỉnh bệnh thành tích để giảm áp lực không đáng có cho GV, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Bộ cũng tiếp tục rà soát các hội thao, hội thi, các hoạt động mang tính phong trào để tránh GV phải tham gia những hội thao, hội thi không mang lại lợi ích thiết thực cho nghề nghiệp của GV. Nhiều năm qua Bộ đã có những chỉ đạo để chấn chỉnh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục và sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này để các cơ sở giáo dục, GV không quá áp lực phải đạt được các thành tích mà điều kiện dạy học còn chưa phù hợp. Với một số địa phương thực hiện chưa tốt, Bộ sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh”.

 

 TUỆ NGUYỄN

TNO