Hé lộ nguồn gốc tết Trung thu khiến nhiều người… giật mình
Hé lộ nguồn gốc tết Trung thu khiến nhiều người… giật mình
Hiện nay, có những quan điểm khác nhau về nguồn gốc của tết Trung thu. Nhiều người cho rằng tết Trung thu của Việt Nam không xuất phát từ tết Trung thu của… Trung Quốc. Sau đây, những tiết lộ có thể khiến nhiều người… giật mình.
Vài quan điểm cho rằng theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Tết Trung thu là dịp mà vua đời nhà Lý chọn làm ngày tạ ơn thần Rồng vì thần Rồng đã giúp mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, cuộc sống của người dân được ấm no và hạnh phúc
Rất tiếc là quan điểm này không cho biết là tham khảo từ nguồn tài liệu nào, do đó thiếu tính thuyết phục.
Bức tranh vẽ về tục tết Trung thu ở Việt Nam T.L |
Chúng ta biết rằng lễ hội vào mùa thu của các nền văn hóa thì khá nhiều. Riêng về tết Trung thu thì một số nhà nghiên cứu cho biết là có nguồn gốc từ Trung Quốc, ví dụ như trong quyển Những lễ hội truyền thống: Bách khoa toàn thư đa văn hóa, Christian Roy từng viết rằng tết Trung thu là một lễ hội truyền thống của Trung Quốc được nhiều quốc gia và khu vực Đông Á, Đông Nam Á tổ chức (Traditional Festivals: A Multicultural Encyclopedia, Volume 1).
Dĩ nhiên, lễ hội của nước này du nhập vào nước khác sẽ có sự biến đổi khá nhiều do tập tục, tín ngưỡng và văn hóa bản địa của từng khu vực. Nếu ở Trung Quốc đại lục, tết Trung thu là tết đoàn tụ gia đình; cúng trăng, cúng thần đất, ông bà, tổ tiên; ngắm trăng; ăn những món liên quan đến lễ hội này thì ở những vùng khác, ngoài những điểm chung, còn có những tục riêng.
Ví dụ như ở Hạ Môn là trò ném 6 viên xúc xắc trúng thưởng; ở Hồ Nam và Quý Châu có tục “trộm thức ăn”, còn ở Tứ Xuyên thì có tục “tráng bánh”…
Tết Trung Thu ở Việt Nam ORIENTALTOURS.VN |
Riêng ở Việt Nam, tết Trung thu được xem là tết dành cho trẻ em, điều này đã được công nhận ít nhất là từ đầu thế kỷ 20 trong quyển Việt Nam phong tục (1915) của Phan Kế Bính. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất đối với tết Trung thu ở Trung Quốc, tuy nhiên ngày xưa, lại có nhiều điểm tương đồng giữa hai nước.
Phan Kế Bính cho biết vào dịp tết Trung thu “ban ngày làm cỗ cúng gia-tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt; con gái thì làm bánh trái, trẻ con chơi những loại đồ chơi làm bằng giấy bồi; chơi kéo co; rước đèn, rước sư tử; hát trống quan, trống quít; đánh trống, thanh la vang dội…; tục treo đèn bày cỗ, chắc do ở điển vua Đường Minh-Hoàng; tục rước đèn thì do tự đời nhà Tống”… (trích Việt Nam phong tục, thiên thứ nhất, phần XII (Tứ thời tiết lạp), mục tết Trung thu, tr.50 – 51).
Từ nguyên của thuật ngữ tết Trung thu
Tết Trung thu là thuật ngữ dùng để chỉ lễ hội vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) giải thích: “trung thu” là rằm tháng tám, còn “bánh trung thu” là bánh ăn rằm tháng tám (tr.413). Trong hệ thống chữ Nôm đã từng ghi nhận cụm từ 節中秋 (tết Trung thu), một khái niệm mà Trần Tế Xương (1870 – 1907 đã từng viết trong quyển Vị thành giai cú tập biên: “Một năm một tết Trung Thu đến. Tôi vẫn quen ông, chẳng muốn chào” (tr.20a).
Như vậy đã rõ, xét về từ nguyên thì cụm từ 節中秋 (tết Trung thu) trong chữ Nôm là do người Việt xưa mượn nguyên xi từ Hán ngữ: 中秋節 (Trung thu tiết). Khái niệm Trung thu (中秋) xuất hiện lần đầu tiên trong sách Chu Lễ và Lễ Ký (thiên Nguyệt Lệnh) của Khổng Tử thời Chiến Quốc; còn Trung thu tiết (中秋節) là thuật ngữ xuất hiện vào thời nhà Đường để rồi trở thành khái niệm tết Trung thu trong chữ Nôm và chữ Quốc ngữ của người Việt.
Bánh và trà thường được dùng trong tết Trung thu ở Việt Nam VIETRAVEL.COM |
Nhìn chung, ngày nay tết Trung thu ở Việt Nam có những điểm khác biệt so với Trung Quốc, song căn cứ vào văn hóa, lịch sử và từ nguyên thì nhận định tết Trung thu xuất phát từ Trung Quốc là có cơ sở. Ngoài những dẫn chứng kể trên, điều này còn được khẳng định trong quyển Đất Việt trời nam (1960) của Thái Văn Kiểm (Nguồn-Sống, tr.211) và trong 2 quyển khảo cứu của Toan Ánh: Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, NXB TP.HCM, 1991, tập 2, tr.418-421) và Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ, tết, hội hè (Đại Nam, 1998, tr.145).
VƯƠNG TRUNG HIẾU
TNO