27/12/2024

Giải ‘bài toán’ cho ngành y: Mô hình nào cho Việt Nam?

Giải ‘bài toán’ cho ngành y: Mô hình nào cho Việt Nam?

Khi trả bệnh viện công về “công đích thực”; đồng thời cần tạo môi trường phát triển y tế tư nhân, bao gồm tư vì lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận, hình thành hệ thống “3 chủ thể” như các nền y tế phát triển thế giới.

 

 

 

Khi trả bệnh viện công về “công đích thực”; đồng thời cần tạo môi trường phát triển y tế tư nhân, bao gồm tư vì lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận, hình thành hệ thống “3 chủ thể” như các nền y tế phát triển thế giới.

Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Quang Đồng (chuyên gia chính sách công) cho hay cùng với trả bệnh viện (BV) công về đúng bản chất “công” – chỉ cung cấp dịch vụ y tế công cho những nhóm người dân nhất định, ở mức độ chất lượng cơ bản; cần khuyến khích xã hội hóa đúng bản chất bằng cách khuyến khích và tạo môi trường cho BV tư phát triển. Theo ông Đồng, “đây là 2 giải pháp song song ở cấp độ nền tảng” cho bài toán hệ thống ngành y.

Giải 'bài toán' cho ngành y: Mô hình nào cho Việt Nam? - ảnh 1
Bệnh nhân bức xúc vì thời gian qua BV thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế  DUY TÍNH

Thu hẹp “công” để tập trung nguồn lực

Cùng với chấm dứt liên doanh, liên kết, bỏ yêu cầu tự chủ, ông Đồng cho rằng cần tổ chức lại hệ thống y tế công lập theo hướng thu hẹp phạm vi bao phủ của các BV công để tập trung nguồn lực đầu tư, giúp khu vực y tế công trở thành trụ đỡ cho hệ thống.

“Nguồn lực nhà nước dù có tăng thêm cũng không thể ôm hết toàn bộ”, ông Đồng nói và đề xuất giải pháp khả thi nhất là tư nhân hóa một số BV ngành; giải tán BV cấp huyện hoặc lựa chọn nâng cấp thành BV cấp vùng để giảm tải cho các BV tuyến cuối ở T.Ư. Ông Đồng cũng lưu ý, việc đầu tư BV cấp vùng phải tính toán đầu tư ở những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội nếu không sẽ không thể huy động, thu hút được bác sĩ. “Đây là bài toán mang tính tổng thể”, ông Đồng nói.

Ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), nhìn nhận thế giới không có nước nào nhiều BV công như VN. “Theo tìm hiểu của tôi, Nhật Bản hiện 20% BV là công, còn 80% là tư nhân. Trung Quốc hiện tỷ lệ này là 60% tư, 40% công. Còn VN hiện chỉ có trên 300 viện tư, đáp ứng trên 5,16% giường bệnh”, ông Học cho hay.

Cùng quan điểm, TS Trần Tuấn (chuyên gia chính sách y tế) nhấn mạnh đã là công thì phải được nhà nước đảm bảo vận hành, song ông Tuấn cho rằng không thể cứ “ôm” hết vào rồi “chia mỗi ông một tí” trong miếng bánh ngân sách y tế hạn hẹp như cách làm hiện nay. “Cứ lập thêm BV công để bao phủ thì sẽ còn đắp chiếu. Lại mở Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 lại càng chết”, ông Tuấn nói và dẫn chứng việc 2 BV nói trên xây xong cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam, song không thể hoạt động do không có tiền mua máy móc, thiết bị.

Giải 'bài toán' cho ngành y: Mô hình nào cho Việt Nam? - ảnh 2
Bệnh nhân tranh nhau nộp giấy chỉ định siêu âm ở BV công  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Khuyến khích tư, cạnh tranh công bằng

Cũng trên quan điểm trả BV công “về vị trí cũ”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng khu vực y tế công chỉ nên đóng vai trò trụ đỡ, dẫn dắt, “giải quyết những cái mà tư nhân không làm được”.

“Còn những cái tư nhân làm được người ta cho phép. Và quan trọng là không tạo rào cản để mở ra. Vậy thì người dân mới thụ hưởng được nhiều cái dịch vụ y tế tốt. Chứ không phải bao phủ để rồi thành ngành dịch vụ y tế giá rẻ”, ông Phong nêu.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cũng nhấn mạnh quan điểm, “cái nào tư nhân làm được thì để tư nhân làm”. “Tư nhân làm thì phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Ngoài ra phải trích phần trăm từ lợi nhuận cho quỹ phúc lợi xã hội, cho người nghèo”, ông Quang đề nghị.

TS Nguyễn Quang Đồng phân tích khác với thời điểm 20 – 30 năm trước, khi khu vực tư còn yếu, hiện, những BV tư – gồm nhiều phân khúc từ cao cấp đến cơ bản, đã có thể đáp ứng các nhu cầu chữa bệnh của người dân. Kể cả những thiết bị y khoa đắt tiền nhất, như robot phẫu thuật, tư nhân đủ sức mua sắm. “Một chính sách hợp lý, chú trọng vào tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, sẽ giúp y tế tư nhân nhanh chóng mở rộng mạng lưới đến tận vùng nông thôn, miền núi”, ông Đồng lưu ý và nêu ví dụ sự minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn chi trả BHXH VN hiện gây nhiều rào cản cho các phòng khám tư.

Để khu vực tư nhân về với vùng sâu, vùng xa, nơi lợi nhuận không nhiều, ông Đồng đề xuất, có thể sử dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích và thu hút. “Chẳng hạn tư nhân đầu tư BV ở vùng khó khăn như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên thì miễn tiền thuê đất 50 năm rồi thuế thu nhập doanh nghiệp 100%. Còn anh đầu tư ở khu vực đô thị, thành phố lớn thì ưu đãi sẽ ít hơn”, ông Đồng nêu.

Theo ông Đồng, khi hệ thống y tế tư nhân phát triển, người dân muốn dùng robot phẫu thuật, công nghệ cao sẽ vào viện tư. Ngoài phần phí dịch vụ cơ bản do Quỹ BHYT chi trả không phân biệt BV công hay tư, phí dịch vụ tăng thêm sẽ phải chi trả từ tiền túi của người bệnh. Với những bệnh nhân nghèo không đủ tiền chi trả, các nguồn từ thiện nguyện sẽ hỗ trợ để giải quyết một phần cho vấn đề đó. “Tiến trình này sẽ mất thời gian, nhưng chắc chắn khả thi”, ông Đồng nói.

 

Chủ thể thứ 3 cung cấp dịch vụ y tế

Tuy nhiên, TS Trần Tuấn cho rằng bản chất của tư nhân là đặt nặng yếu tố lợi nhuận, nên rất khó để các doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia vào những phần “xương xẩu” vốn đang là gánh nặng của y tế công, kể cả khi có chính sách ưu đãi về thuế. Ông Tuấn đề xuất cùng với cơ chế để khu vực y tế tư nhân phát triển cần phải khuyến khích các mô hình phi lợi nhuận tham gia cung cấp dịch vụ y tế. “BV không vì lợi nhuận chính là chủ thể thứ 3 cung cấp dịch vụ y tế”, ông Tuấn phân tích.

Cần một phác đồ chung về chuyên môn

Sẽ cần một phác đồ chung về chuyên môn trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế không phân biệt công hay tư. Trên cơ sở đó, tính toán các gói chi trả BHXH từ cơ bản tới nâng cao và cũng không phân biệt công, tư hay phi lợi nhuận”, TS Trần Tuấn (chuyên gia chính sách y tế) đề xuất và cho rằng để mô hình vận hành, cũng sẽ cần thêm một hệ thống giám sát chất lượng độc lập không thuộc nhà nước cùng với nâng cao hệ thống giám sát chất lượng nội bộ của từng cơ sở khám chữa bệnh. Nhà nước sẽ chỉ quản lý và đánh giá qua hệ thống thanh, kiểm tra.

Ông Tuấn dẫn chứng ở các nước như Mỹ, Nhật, 70 – 80% hệ thống y tế là tư nhân, nhưng tới 3/4 khu vực tư là các cơ sở tư phi lợi nhuận. Ở Nhật Bản 70 – 80% khu vực tư là các cơ sở nhân đạo và phi lợi nhuận. Tương tự, ở Đức, cơ sở phi lợi nhuận chiếm tới 40% toàn hệ thống y tế. “Bản chất nó là tư nhân vì không sử dụng ngân sách nhà nước”, ông Tuấn nói và cho rằng, những BV không vì mục đích lợi nhuận này sẽ hỗ trợ khu vực y tế công ở những nơi mà doanh nghiệp tư nhân vì lợi nhuận không muốn tới.

Ông Tuấn phân tích: Điểm yếu của khu vực công nói chung là cồng kềnh và nặng tính quan liêu, trong khi đó, đây chính là điểm mạnh của mô hình doanh nghiệp không vì lợi nhuận – nhỏ, gọn, xoay trở nhanh nên có thể đáp ứng với các tình huống khẩn cấp. Nhờ đó, các doanh nghiệp y tế không vì lợi nhuận sẽ là sự bổ khuyết tuyệt vời cho y tế công.

“Vì mục tiêu xã hội chứ không vì lợi nhuận – và điều này đồng nhất với mục tiêu của khu vực y tế công, họ sẽ tới được vùng sâu, vùng xa nơi những doanh nghiệp tư nhân đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu không muốn làm. Và cũng vì lợi nhuận nếu có sẽ dùng tái đầu tư vào mục tiêu khám chữa bệnh chứ không phải chia nhau, mức giá của các doanh nghiệp y tế không vì lợi nhuận sẽ luôn là mức giá “tính đúng, tính đủ” và là cơ sở để khu vực công tham chiếu”, ông Tuấn nhìn nhận và cho biết, đây là cách mà các nước phát triển đều đang làm.

TS Tuấn cũng đề xuất 3 loại hình gồm công, tư và phi lợi nhuận sẽ được phân biệt bằng giấy phép khi đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động của cả 3 loại hình sẽ phải tuân thủ trên một “mặt bằng” pháp luật chung, đặc biệt là về chuyên môn.

“Vấn đề là tạo thị trường đúng nghĩa, có sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ y tế nói trên”, ông Tuấn nhấn mạnh.

(còn tiếp)

THANH NIÊN

TNO