Có trường trung bình 200 học sinh/nhà vệ sinh
Có trường trung bình 200 học sinh/nhà vệ sinh
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 280.000 nhà vệ sinh trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trung bình mỗi trường học có khoảng 6,6 nhà vệ sinh.
Nỗi lo nhất của phụ huynh có con gái là chuyện đi vệ sinh trong thời gian ở trường. Nhà vệ sinh trường học bẩn, luôn trơn ướt, khiến trẻ sinh tâm lý sợ đi vệ sinh. Con tôi thường cố nhịn đi tiểu chờ về nhà mới đi. Chỗ đi tiểu còn đỡ, các bệ xí thì hay tắc, bẩn nên trẻ càng không dám vào.
Một phụ huynh nói
Có gần 70% nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn, khoảng 30% chưa đạt chuẩn, xuống cấp. Nhiều địa phương ở vùng núi phía Bắc hiện nay vẫn thiếu hàng ngàn nhà vệ sinh. Có những điểm trường chưa có công trình vệ sinh. Việc lấp đầy khoảng trống này ở một số địa phương trong thời gian qua lại trông chờ vào các dự án từ thiện, kinh phí xã hội hóa.
1.500 – 2.000 học sinh nhưng chỉ có 6-7 nhà vệ sinh
Tính tới năm học 2022 – 2023, Hà Nội có trên 2.800 trường học phổ thông với trên 2,2 triệu học sinh các cấp.
Theo số liệu của Hà Nội, số trường học có nhà vệ sinh cơ bản đạt tiêu chuẩn chiếm trên 80%. Từ trước thời điểm COVID-19, Hà Nội cũng bổ sung hàng chục ngàn nhà vệ sinh được xây mới hoặc cải tạo. Nhiều nhà trường có kinh phí duy trì sửa chữa và thuê người dọn vệ sinh.
Tuy nhiên, ở nhiều trường cho dù có nhà vệ sinh đạt chuẩn nhưng số học sinh đông, ý thức sử dụng, giữ gìn không tốt, không có kinh phí sửa chữa, vệ sinh thường xuyên cũng dẫn tới việc quá tải, hỏng hóc…
Theo thông tư ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì cứ một chỗ tiểu nam, một xí và một chậu rửa được thiết kế cho tối đa 30 học sinh nam hoặc 20 học sinh nữ. Nhưng trên thực tế, nhiều trường học tại Hà Nội hiện nay thường chỉ thiết kế mỗi dãy phòng học một nhà vệ sinh nam, một nhà vệ sinh nữ với quy mô mỗi phòng khoảng 4-5 xí, 4-5 chỗ tiểu, 1-2 bồn rửa.
Có những trường có 1.500 – 2.000 học sinh nhưng chỉ có 6-7 nhà vệ sinh. Trung bình mỗi ca học có khoảng 200 học sinh/nhà vệ sinh. Ở một số trường học thuộc điểm nóng quá tải chỗ học tại Hà Nội như quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, năm học này vẫn còn tồn tại sĩ số học sinh tiểu học, THCS ở mức 50 đến trên 55 học sinh/lớp. Sĩ số đông, nhiều trường học phải tận dụng tối đa diện tích phòng để sử dụng làm lớp học, nhưng số phòng vệ sinh cho học sinh không tăng. Nhà vệ sinh vì thế càng quá tải.
Hỏng bồn rửa hoặc không được cấp nước
Trong hai năm COVID-19, do tính cấp bách phòng dịch, nhiều trường lắp thêm các bồn rửa ở ngoài sân trường, hành lang để rửa tay. Nhờ vậy học sinh có thêm nơi vệ sinh. Nhưng chưa qua hai mùa dịch, ở nhiều trường đã bị hỏng bồn rửa hoặc không được cấp nước.
Còn bồn rửa trong nhiều nhà vệ sinh của trường thì không sử dụng từ lâu do tắc, do thiếu nước. Có những nhà vệ sinh có bốn bệ xí thì hai cái tắc, hỏng. Một số nơi xây thêm các bệ có rãnh thoát nước để tăng số học sinh sử dụng đi tiểu cùng lúc. Phần lớn học sinh cả nam và nữ đều đi tiểu ở những nơi thiết kế như thế này, hoặc đi ra sàn. Các phòng lắp đặt bồn cầu trở thành nơi vứt rác, nước dềnh lên mất vệ sinh nhưng không được sửa chữa.
Theo chân một phụ huynh vào Trường tiểu học B thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) thì thấy trường chỉ có khoảng sáu nhà vệ sinh cho cả nam và nữ. Đây là trường có trên 1.200 học sinh tổ chức học bán trú 100%. Các khu vệ sinh đều cũ, xuống cấp. Một phụ huynh khác ở khu Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết trường quá ít nhà vệ sinh. Mỗi tầng gồm hai dãy nhà liền kề có đến chục lớp học, mỗi lớp trên 50 học sinh nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, gồm một phòng cho nữ, một phòng cho nam. “Giờ giải lao có 5 phút, nhiều khi không kịp đi vệ sinh vì đông quá” – phụ huynh này cho biết.
Không để học sinh sợ đi vệ sinh
Tại TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – cho biết trong 5 năm trở lại đây ngành giáo dục TP.HCM đã coi nhà vệ sinh là yếu tố đầu tiên để đánh giá cơ sở vật chất trường học có đáp ứng yêu cầu chăm lo sức khỏe, sinh hoạt của học sinh hay không. Theo đó, sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác nhà vệ sinh tại các trường học với nội dung: “Nhà trường phải đảm bảo việc nhà vệ sinh sạch sẽ – đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Để học sinh không vì nhà vệ sinh cũ, xuống cấp mà học sinh ngại, sợ đi vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe các em”.
Cũng theo ông Minh, hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học, sinh hoạt của học sinh ở trường, trong đó bao gồm cả việc kiểm tra các khu vệ sinh trường học đáp ứng tiêu chí đảm bảo vệ sinh, yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã rà soát và kiểm tra hiện các nhà vệ sinh tại trường học đều đảm bảo yêu cầu, không có nhà vệ sinh của trường nào nằm trong danh sách học sinh sợ vào nhà vệ sinh.
Ghi nhận thực tế lúc 9h ngày 7-9 cho thấy hơn 700 học sinh Trường tiểu học Lê Đình Chinh (quận 10) ùa ra chơi ở sân trường. Một số em ghé vào nhà vệ sinh ngay tầng trệt để rửa tay, đi vệ sinh.
Tại trường này, học sinh thoải mái vào ra khu nhà vệ sinh mà không ngần ngại gì. Trường tiểu học Lê Đình Chinh được xây dựng đã 15 năm, các khu vệ sinh ở đây bố trí cho học sinh và giáo viên khá hợp lý và sạch sẽ. Tại tầng trệt, khu vệ sinh của học sinh được bố trí góc trái gần cầu thang với hai bên riêng cho nam và nữ. Bên ngoài dựng một bức tranh lớn có hình chú thỏ rửa tay và chú heo con đang di chuyển chậu cây trồng… Góc phải gắn bảng “Quy định sử dụng nhà vệ sinh”. Tương tự, trên các tầng còn lại của tòa nhà ba tầng, mỗi tầng đều có một khu vệ sinh nam, nữ riêng với mười phòng vệ sinh và mười bồn rửa tay.
Thiết bị ở các khu vệ sinh tại trường không còn mới nhưng khô ráo, không có mùi và sạch sẽ. “Từ hồi em vào trường học đến nay, chưa khi nào em ngần ngại khi đi vào nhà vệ sinh. Chúng em vẫn đi vào nhà vệ sinh để rửa tay trước và sau khi ra chơi, trước và sau khi ăn trưa tại trường… Các bạn em cũng không bạn nào ngại đi vệ sinh cả” – em Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Lê Đình Chinh, nói.
Cô Huỳnh Thị Thảo – hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Trường và phụ huynh luôn coi trọng việc phải giữ vệ sinh toàn trường, nhất là khu vệ sinh của học sinh phải sạch sẽ, học sinh không ngại đến. Vì thế, mỗi năm trường đều tu bổ lại khu vệ sinh theo điều kiện cho phép và thường là tu bổ theo phương pháp cuốn chiếu. Do điều kiện kinh phí còn khó khăn, hạn hẹp, mỗi năm trường sẽ xem xét các vật dụng cần thiết phải tu bổ, sửa chữa, lát lại gạch. Đến nay nhà trường lát gạch, thay bồn cầu ở nhiều phòng vệ sinh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của học sinh”.
Nhưng theo cô Thảo, một việc quan trọng hơn đó là công tác làm vệ sinh hằng ngày ở khu vực này và dạy cho học sinh ý thức giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ…
Thuê dịch vụ riêng quản lý nhà vệ sinh
Trong hai năm qua, một số quận của Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy đã sử dụng nguồn kinh phí của quận để thuê dịch vụ riêng quản lý việc sử dụng nhà vệ sinh. Việc này giúp cho việc duy trì, sửa chữa nhỏ và đảm bảo vệ sinh, nhưng không giải quyết được tình trạng quá tải.
Nhà vệ sinh kinh nguyệt dành cho nữ
Giáo viên hướng dẫn học sinh nữ vào khu nhà vệ sinh kinh nguyệt tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh – Ảnh: MỸ DUNG
Ngoài khu vệ sinh chung của học sinh, từ mấy năm trở lại đây, Trường tiểu học Lê Đình Chinh còn xây dựng một nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh nữ đến kỳ kinh nguyệt. Nhà vệ sinh kinh nguyệt này được xây dựng trên cơ sở sửa sang hai phòng vệ sinh của giáo viên thành một phòng vệ sinh có hai phòng gồm phòng thay đồ và phòng vệ sinh. Ở đó trang bị đầy đủ băng vệ sinh dùng cho nữ vào ngày “đèn đỏ” và giấy vệ sinh, có ánh sáng tự nhiên, thoáng mát với khu thay đồ riêng và khu vệ sinh riêng.