23/01/2025

Nam kỳ ngao du: Đời sống phố thị tấp nập của người Hoa

Nam kỳ ngao du: Đời sống phố thị tấp nập của người Hoa

Chợ Lớn, với những người đàn ông ở trần, những người đàn ông phục phịch và những người đàn ông nhanh nhẹn với đôi mắt sáng ngời, với những bà già khắc khổ và những con búp bê vô cùng kiểu cách…

 

 

 

Nghệ sĩ tung hứng đang làm trò trên phố. Anh ta vận bộ đồ liền màu xanh dương may theo kiểu Trung Hoa. Đầu anh ta cạo trọc phía trước. Bím tóc cuộn lại thành búi. Anh ta xoay một cây gậy lớn, đầu gậy gắn một chiếc chong chóng sắt tạo thành âm thanh kim loại chói tai. Anh ta mở lời chiêu hàng nghe có vẻ hài hước và dữ dằn khiến khán giả bật cười. Đây cũng là giọng điệu của những anh chàng lực sĩ biểu diễn trên phố kiếm sống ở xứ ta [Pháp]. Trẻ con ngồi ở hàng đầu. Dưới một mái hiên nhô ra là đám đàn ông ở trần. Lái buôn, phu xe làm thành vòng tròn.

Trên bến tàu, ở lối lên boong, có một chiếc xe đẩy bằng gỗ không thể khởi hành. Hai người đàn ông vừa kéo vừa đẩy nhưng xe không nhúc nhích. Có những chuyện mà một người Âu không nên làm. Người Âu phải giữ uy danh: y cố vấn, chỉ đạo, ra lệnh. Tôi không nên là người Âu. Tôi dốc sức đẩy chiếc xe, Chúa ơi! Và nó đã lăn bánh. Tôi nhận được lời cảm ơn từ cái gật đầu và đôi mắt, lời cảm ơn mà bạn có thể thấy ở khắp mọi nơi, từ Chợ Lớn hay Belleville [Paris].

Trong chợ, những nải chuối còn xanh hoặc đã ngả vàng treo lủng lẳng. Ở đây có cả thuốc lào chát An Nam và thuốc lào Tàu hảo hạng màu gỗ gụ và thoảng hương hoa hồng dưới mùi thừng chão.

Nam kỳ ngao du: Đời sống phố thị tấp nập của người Hoa - ảnh 1
Người bán súp năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin  THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Một cô bán hàng trẻ măng người Hoa trả lời tôi bằng thứ tiếng Pháp trôi chảy. Và vì tôi hỏi cô học ở đâu mà nói được như thế, cô liền trả lời, thực rành rọt: “Tôi sinh ở đảo Réunion [thuộc Pháp]”.

Trẻ em lóc cóc mang theo hương đèn, cờ phướn phấp phới, trôi trong không gian đầy màu sắc trộn lẫn ánh vàng… Trong ánh sáng chói lòa đó, trong âm thanh chát chúa, đinh tai, nhức óc đó, trong rực rỡ và mịt mù khói bụi đó, trong lộng lẫy và bẩn thỉu đó, diễn ra một mai táng người Hoa.

Tôi thấy trong một trường học có hai thanh niên người Hoa múa đao và biểu diễn những cú phi thân hay xoay người vốn được quy định từ hàng thế kỷ trong một màn đấu tay đôi với thương và đao bán nguyệt. Trước mắt tôi là những nhân vật trong truyền thuyết đang múa may và chiến đấu. Thân pháp của họ thật quá lanh lẹ.

Tôi đi vào chùa. Đây là ngôi chùa đầu tiên tôi đến. Trong một tiền sảnh bày nhiều hình nhân khổng lồ bằng gỗ và những con ngựa kích thước như thật. Trong các hốc, tượng Phật có râu ria và những vị anh hùng lịch sử hoặc nhân vật tôn giáo, được chạm khắc bằng gỗ. Trong số ấy có nhiều tượng tầm thường. Nhưng một tượng đàn ông và một tượng đàn bà có vẻ đẹp không thua kém tượng gothic. Trên bàn thờ, trong số những vật dụng hàng chợ, lại có những lọ hoa bằng đồng với kiểu dáng lạ thường chạm tới giới hạn của hình học.

Ngôi chùa vừa là đền vừa là chợ. Trên những tấm đá lát kề bức tường là những quầy hàng nhỏ xếp kề nhau: đồ chơi hàng chợ Âu châu, đồ mỹ nghệ, vòng ngọc bích hoặc giả ngọc. Tít phía sau là vài giá đỡ, quầy hàng đỡ thô kệch hơn để bày bán giấy vàng mã.

Trước bàn thờ là một đám phụ nữ. Những bà già và những con búp bê quý giá, họ như bị phong kín trong một tuổi thơ vĩnh viễn, họ đi qua đi lại, chạm vào nhau, hòa quyện nhau, tất cả đều mặc quần dài và áo dài lụa đen. Mỗi người đốt một gói tiền vàng bằng những ngọn nến bé xíu trên bàn thờ, họ băng qua một không gian rộng và mang theo những ngọn đuốc cháy rực (những người trẻ hơn cầm đuốc duyên dáng như thể cầm một bông hoa lửa) và ném vào một thùng sắt lớn, phía trên có tàn kim loại che phủ. Trước đó mỗi người tới quỳ trên phiến đá gần bàn thờ và cúi lạy sát đất đến nỗi trán chạm vào đá.

Họ đi qua, để lại phía sau một đám hơi bỏng rát cả má. Xung quanh thùng sắt, nơi đốt giấy vàng, giấy bạc, không khí nóng ẩm của Nam kỳ biến thành hơi nóng khủng khiếp, hơi nóng của địa ngục.

Buổi tối, tôi vào một ngôi chùa chỉ có các nhà sư canh gác. Người bạn tôi nói: “Những ông sư này không ra khỏi đây nữa, kể từ khi một người trong số họ đã làm chuyện ngu ngốc”.

Trên hai nhánh kinh, một doi đất nhô lên, phủ đầy những cây phượng ra hoa đỏ rực mà những cành nhánh vươn lên như loài thông. Nước thối đọng, cây đỏ rực và bầu trời trĩu nặng, tất thảy như bị bỏ rơi trong không gian.

(…) Khi đó là buổi chiều tối. Trong một gian nhà ở một hẻm nhỏ, bà cụ già người Hoa và đứa con đang nghe những giai điệu quê hương trên máy hát. Tôi đứng trên phố lắng tai. Bà cụ đeo vòng ngọc mời tôi vào nhà. Gương mặt già nua của cụ ẩn chứa cả một kho tàng. Bà cụ khẽ phác một cử chỉ. Tôi không thể quên nụ cười kín đáo rất đỗi tự nhiên và trang nghiêm của bà.

Tầm mười giờ đêm, một xưởng cơ khí còn mở cửa. Những bánh răng bắt vào nhau, những dây cu-roa quay tròn. Trên hè phố, đàn ông, phụ nữ, trẻ em say ngủ. Trong một cửa tiệm khang trang, hai người đàn ông đang đứng xem, mỗi người chiếm một góc của khung gỗ lớn chạm trổ chia đôi cửa tiệm. Họ đứng đó như những nhân vật xuất hiện ở góc hình. Như lính canh của cung điện cổ xưa, bất động, đối xứng nhau, như những con người của truyền thuyết cũ chìm trong bóng tối của gian hàng. Và phía trước tiệm, người bán súp đã ở đó, gõ thanh tre mà ông cầm trong lòng bàn tay. Và những cô đào đi về phía chiếc đàn tranh của họ. (còn tiếp)

Léon Werth

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth – Thư Nguyễn chuyển ngữ)

TNO