26/12/2024

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông

Hôm nay 5.9, học sinh cả nước bước vào khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Đây là năm học đầu tiên việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được triển khai đồng loạt ở cả 3 cấp học thay vì chỉ ở những lớp đầu cấp tiểu học, THCS như năm trước.

 

 

 

Bộ GD-ĐT coi đây là năm học trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông.

Trao đổi với báo chí trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: Năm học 2022 – 2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với các lớp 3, 7, 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11; và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, 9 và 12.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - ảnh 1
Sau một năm gián đoạn vì đại dịch, năm nay học sinh được đến trường dự khai giảng trực tiếp trong niềm vui chào đón năm học mới NGỌC DƯƠNG

Học sinh được lựa chọn môn học ở lớp 10

Năm học này là năm đầu tiên việc đổi mới chương trình GDPT được thực hiện ở cấp THPT với thay đổi lớn nhất, được kỳ vọng nhiều nhất, đó là tăng cường dạy học lựa chọn, giảm số môn học bắt buộc. Tuy nhiên, gần đến thời điểm năm học mới, thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT chuyển môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc ở cấp THPT. Cùng với thay đổi này, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh (HS) bắt buộc phải chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - ảnh 2
Năm học 2022 – 2023, chương trình giáo dục phổ thông được triển khai đồng loạt ở cả 3 cấp học  ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài 4 môn học còn có các chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của mỗi môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp HS tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng…

Năm học này, về lý thuyết, lần đầu tiên HS lớp 10 được lựa chọn môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để học tập. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các địa phương, nhà trường THPT đều chưa có giáo viên (GV) chuyên trách để giảng dạy môn học này. Do vậy về cơ bản, rất hiếm trường đưa môn nghệ thuật vào các môn HS được phép lựa chọn.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - ảnh 3
Học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn môn học  ĐÀO NGỌC THẠCH

100% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh, tin học

Dù ở cấp tiểu học đã trải qua 2 năm đổi mới với lớp 1 và lớp 2 nhưng năm nay mới thực sự là năm thử thách khi 100% trường học trên cả nước, dù thuận lợi hay khó khăn, thành thị hay miền núi… đều phải đưa môn tiếng Anh và tin học vào dạy học bắt buộc với thời lượng quy định 4 tiết/tuần/môn. Đồng loạt các địa phương đều kêu khó khăn về GV và trang thiết bị dạy học cho 2 môn học này.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018 cho lớp 3 năm học 2022 – 2023 cần thêm 5.322 GV, cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 GV. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 GV. Với môn tin học, để đủ GV (tính tối thiểu 1 GV/trường) cần bổ sung 3.684 GV.

Trên toàn quốc, số trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học chưa có phòng học tin học chiếm tới 27,8%; số phòng máy tính hiện có phần lớn đã cũ, lạc hậu và không đồng bộ. Để đủ phòng máy dạy môn tin học theo chương trình GDPT 2018 (tính tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung 5.560 phòng.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - ảnh 4
Năm nay, đưa tiếng Anh và tin học vào môn học bắt buộc từ lớp 3 ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Nắm được thực tế khó khăn về GV, Bộ đã đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển dụng GV, thực hiện rà soát, bố trí, sử dụng GV bảo đảm đủ GV dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng GV không phù hợp với chuyên ngành đào tạo với cấp tiểu học; thực hiện phương án điều chuyển, biệt phái GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; thực hiện các giải pháp để bảo đảm có đủ GV dạy các môn tiếng Anh, môn tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng GV tại địa phương thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Ở cấp tiểu học, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu: Đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số HS học tối thiểu theo quy định; đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp và cơ cấu GV để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn tự chọn theo quy định của chương trình GDPT 2018. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là thời lượng bắt buộc theo chương trình GDPT mới.

 

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Khó khăn lớn nhất mà ngành GD-ĐT phải khắc phục trong năm học này là tình trạng thiếu GV ở tất cả các cấp học, nhất là những môn học mới trong chương trình GDPT 2018.

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông - ảnh 5

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Để giải quyết bài toán thiếu GV, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế GV cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có HS thì phải có GV đứng lớp. Ngày 18.7.2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập. Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế GV mầm non, phổ thông.

Về lâu dài, người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo GV trên cơ sở nhu cầu GV và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.

 

Rất cần sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức. Phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.

 

Đã trình Chính phủ phương án mua sách giáo khoa cho HS mượn

Bộ GD-ĐT cho biết: Bên cạnh chính sách học phí, Bộ cũng đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho HS mượn để triển khai từ năm học 2022 – 2023.

TUỆ NGUYỄN

TNO