23/01/2025

Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch ‘diệt chủng văn hoá’ chấn động thế kỷ 20

Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch ‘diệt chủng văn hoá’ chấn động thế kỷ 20

Theo Wikipedia, những vụ đốt sách “diệt chủng văn hoá” của Đức Quốc xã là do Liên minh Sinh viên Đức thực hiện, nhằm tiêu huỷ những quyển sách bị coi là lật đổ hoặc đại diện cho các hệ tư tưởng chống lại chủ nghĩa Quốc xã.

 

 

 

Chiến dịch “diệt chủng văn hóa” của Đức Quốc xã chấn động thế kỷ 20, bao gồm việc đốt sách của những tác giả Do Thái, cộng sản, khối xã hội chủ nghĩa, vô chính phủ, kể cả các nhóm đòi tự do, hòa bình, sách của các nhà tình dục học và những tác giả khác, kể cả bất kỳ quyển nào không ủng hộ chủ nghĩa Quốc xã. Ở các vùng lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng, sách cũng bị đốt hàng loạt trong chiến dịch “diệt chủng văn hóa”.

Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch 'diệt chủng văn hóa' chấn động thế kỷ 20 - ảnh 1
Năm 1933 Đức Quốc xã đốt tác phẩm của các tác giả Do Thái và những tác giả khác “phi Đức” trong Thư viện Nghiên cứu tình dục tại Berlin

WIKIPEDIA

Ngày 6.5.1933, Liên minh Sinh viên Đức đã thực hiện một cuộc tấn công có tổ chức vào Viện Nghiên cứu Tình dục của Magnus Hirschfeld, đem khoảng 20.000 quyển sách, tạp chí trong thư viện và kho lưu trữ ra đốt công khai trên đường phố, nghe đồn đã có người chết trong vụ tấn công này.

Đến ngày 10.5.1933, các sinh viên đã đốt đến 25.000 tập sách “không phải tiếng Đức” tại quảng trường Opernplatz, Berlin, khởi đầu một kỷ nguyên kiểm duyệt gắt gao của nhà nước. Tại nhiều làng đại học, các sinh viên theo chủ nghĩa dân tộc đã thắp đuốc diễu hành chống lại tinh thần “phi Đức”. Họ ném những quyển sách bị cấm vào đống lửa trong lúc tạo ra một buổi lễ lớn, vui nhộn, có nhạc sống và ca hát, bên cạnh đó là những “lời thề lửa” cùng các câu thần chú.

Cũng theo Wikipedia, tại Berlin, khoảng 40.000 người đã nghe Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, đọc một bài diễn văn sôi nổi trên đài phát thanh: “Không để suy đồi và băng hoại đạo đức!” rồi “gửi gắm vào ngọn lửa các tác phẩm của Heinrich Mann, Ernst Glaeser và Erich Kästner”. Bộ trưởng Goebbels gọi các tác giả có sách bị đốt cháy là “trí tuệ rác rưởi”.

Nhìn chung, 34 làng đại học trên khắp nước Đức đã diễn ra “hành động chống lại tinh thần phi Đức”, thu hút báo chí đưa tin rầm rộ. Và ở một số nơi, đặc biệt là Berlin, các chương trình phát thanh đã đưa những bài phát biểu, bài hát và câu thần chú nghi lễ đến với vô số thính giả Đức.

 

Đức Quốc xã cấm những loại sách gì?

Đó là các tác phẩm của những kẻ phản bội, người di cư và các tác giả nước ngoài mà Đức Quốc xã tin rằng có thể tấn công và phỉ báng nước Đức mới, đặc biệt là sách về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Bôn-sê-vích (Bolshevism); những tác phẩm về chủ nghĩa hòa bình hay có khuynh hướng và thái độ tự do, dân chủ; các tác phẩm lịch sử nhằm bôi nhọ nguồn gốc, tinh thần và văn hóa của người Đức (German Volk); những quyển sách ủng hộ “nghệ thuật” suy đồi, không đổ máu, hoặc thuần túy kiến ​​tạo; các bài viết về tình dục phục vụ cho niềm vui ích kỷ cá nhân…

Đối với tác phẩm của các tác giả Do Thái thì không phân biệt lĩnh vực, đốt cho bằng hết; kể cả sách giải trí đại chúng miêu tả cuộc sống và mục đích sống hời hợt, phi thực tế, ngọt ngào một cách bệnh hoạn, dựa trên quan điểm của tư sản hoặc tầng lớp thượng lưu.

Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch 'diệt chủng văn hóa' chấn động thế kỷ 20 - ảnh 2
Hàng ngàn quyển sách cháy âm ỉ trong một đống lửa lớn khi người Đức chào Đức Quốc xã trong làn sóng đốt sách lan rộng khắp nước Đức
Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch 'diệt chủng văn hóa' chấn động thế kỷ 20 - ảnh 3
Chuẩn bị đốt sách và tài liệu trên quảng trường Opernplatz ở Mitte, quận trung tâm của Berlin  WIKIPEDIA

Sách khiêu dâm, làm suy giảm sự trong sạch của người Đức dĩ nhiên là bị tiêu hủy. Các thư viện phải cung cấp danh mục phù hợp với tiêu chuẩn của Hitler, bất cứ thứ gì không đạt tiêu chuẩn của Quốc trưởng thì đốt bỏ.

 

Diệt chủng văn hoá và hồi sinh văn hoá

Đối với đất nước Ba Lan, Đức Quốc xã đã đốt hàng triệu quyển sách, phá hủy khoảng 80% thư viện trường học và 3/4 thư viện khoa học ở nước này.

Nhiều nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học đã bị cấm làm việc và xuất bản. Các tác phẩm của họ không còn lưu trữ trong thư viện hoặc trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Một số người bị buộc lưu vong; những người khác bị tước quyền công dân hoặc bị phải sống cách ly khỏi xã hội. Các cuộc đàn áp của Đức Quốc xã đã giết chết một số nhà văn, những người khác thì chết trong các trại tập trung, do hậu quả của các điều kiện bị giam cầm, hoặc bị hành quyết. Nhiều tác giả lưu vong đến mức tuyệt vọng, buộc phải tự sát.

Vén bức màn bí ẩn những chiến dịch 'diệt chủng văn hóa' chấn động thế kỷ 20 - ảnh 4
Sinh viên Đức và các thành viên SA của Đức Quốc xã cướp phá thư viện của Tiến sĩ Magnus Hirschfeld, Giám đốc Viện Nghiên cứu tình dục ở Berlin

WIKIPEDIA

Tuy nhiên, Đức Quốc xã không thể diệt chủng văn hóa được. Ngày 10.5.1934, một năm sau vụ đốt sách hàng loạt, Thư viện Tự do Đức do Alfred Kantorowicz thành lập đã được mở cửa để tập hợp các bản sao của những cuốn sách đã bị tiêu hủy. Thư viện Mỹ cũng làm điều tương tự. Ngày 15.11.1934, thư viện này thành lập tại Trung tâm Do Thái Brooklyn ở New York, tập hợp những cuốn sách bị cấm, về sau chuyển giao cho Chủng viện Thần học Do Thái của Mỹ ở thành phố New York. (Còn tiếp)

VƯƠNG TRUNG HIẾU

TNO