23/01/2025

Dịch văn học Việt, chúng ta đã bỏ lỡ những gì?

Dịch văn học Việt, chúng ta đã bỏ lỡ những gì?

Văn học Việt dường như đang bỏ lỡ nhiều cơ hội để giới thiệu ra thế giới, và qua đó cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội giới thiệu văn hoá, kinh tế, lịch sử, địa lý, nghệ thuật…

 

Dịch văn học Việt, chúng ta đã bỏ lỡ những gì? - Ảnh 1.

Hội thảo văn học quốc tế tại Quảng Châu có đơn vị xuất bản của Việt Nam tham gia

“Không ngờ sách Việt Nam nay không thua các nước. Sách dày nhưng in rất chắc chắn, trang nhã, phông chữ dễ đọc, giấy không nhức mắt” – một số nhà văn, dịch giả tham dự Hội thảo văn học quốc tế tháng 11-2018 tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã khen khi tôi tặng sách Việt.

Hội thảo này có hơn 200 nhà văn, dịch giả đến từ 30 quốc gia và khu vực. Những hội thảo như thế này được tổ chức khá thường xuyên ở nhiều nước, mang luồng sinh khí mới sôi động và tăng cường học hỏi cho người làm xuất bản các nước.

Việc không được trang bị đầy đủ các ấn bản dịch sách văn học Việt ra các thứ tiếng khi đi hội sách quốc tế khiến nỗ lực đưa sách Việt ra thế giới đạt được hiệu quả rất thấp.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi

Bỏ lỡ cơ hội

Tiếc rằng các hội thảo như vậy chưa được tổ chức ở nước ta. Hoặc chí ít 18 năm tôi hoạt động trong ngành xuất bản Việt cũng chưa từng được mời tham gia bất kỳ một hoạt động tương tự ở trong nước.

Đáng tiếc. Hãy nghĩ xem, chỉ cần 200 nhà văn và dịch giả dự hội thảo cầm về vài cuốn sách mà họ quan tâm và chỉ cần 1/10 trong số họ cảm thấy yêu thích, chịu khó dịch ra thứ tiếng của họ.

 

Vậy chúng ta đã bỏ lỡ những gì?

Là một người khá may mắn được đi tham dự nhiều hội thảo văn học/xuất bản quốc tế và từng đi tổ chức nhiều gian hàng hội sách quốc tế, tôi chạnh lòng khi thấy các nước bạn đều giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của nước họ bằng các thứ tiếng thịnh hành như tiếng Anh, tiếng Trung…

Tôi lại thấy buồn vì cá nhân mình không mang nổi một ấn bản tiếng Anh nào của sách văn học Việt ra giới thiệu cho bạn bè quốc tế.

Dẫu tôi có nỗ lực hết sức làm catalogue giới thiệu sách văn học Việt bằng tiếng Anh, tiếng Trung với những tóm tắt, giới thiệu tác giả Việt nhưng khi phía bạn quan tâm yêu cầu đưa bản dịch tiếng Anh để đọc tham khảo trước khi quyết định mua bản quyền dịch ra tiếng nước họ thì tôi lại đành xót xa buông tay để bỏ lỡ cơ hội.

Thế nên, việc giới thiệu được văn chương Việt ra thế giới luôn là ước mơ ấp ủ của tôi và tôi vẫn sẽ luôn nỗ lực hết sức trong phạm vi khả năng của mình một khi vẫn còn đeo đuổi nghề xuất bản.

 

Để thu hút dịch giả

Nhìn lại về văn học dịch Việt Nam, những người làm xuất bản như tôi cũng không khỏi chạnh buồn vì số lượng tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Lâu nay việc chuyển ngữ từ văn học Việt sang các ngôn ngữ khác (như Anh, Pháp, Trung Quốc…) hết sức khó khăn, số lượng các tác phẩm văn học Việt được giới thiệu ra nước ngoài vẫn còn rất ít và hầu hết do các tổ chức tư nhân, trường đại học và các nhà xuất bản nước ngoài thực hiện, hoặc thông qua những quan hệ riêng của một vài dịch giả tâm huyết nỗ lực giới thiệu ra bên ngoài.

Dẫu cũng có một số tác phẩm của các nhà văn Việt như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Tô Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư… đã được dịch và giới thiệu ở nước ngoài qua một số ngôn ngữ khác nhau, nhưng chưa đáng kể so với số tác phẩm văn học Việt mà chúng ta hiện có, cũng chưa được giới thiệu một cách hệ thống và chủ động từ chính những người làm xuất bản Việt.

Vậy làm thế nào để góp phần đưa văn học Việt ra thế giới mạnh mẽ và đa dạng hơn?

Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi, là phải có kinh phí đủ để tổ chức các hoạt động dịch thuật hữu hiệu, đảm bảo được cuộc sống cũng như xác lập được vị trí xã hội cho những người làm công tác dịch thuật.

Chỉ khi tâm huyết được với nghề, sống chết được với nghề, các dịch giả mới quyết tâm và kiên nhẫn dịch nghiêm túc và chỉn chu nhất.

Việc tăng cường tổ chức các buổi huấn luyện nâng cao tay nghề dịch thuật, tổ chức các giải thưởng dịch thuật sách văn học, tổ chức hội thảo văn học quốc tế, hội thảo dịch thuật quốc tế… sẽ giúp giới dịch giả nước ta thêm tự tin và chủ động hơn trong nghề nghiệp và trong quá trình lựa chọn sách dịch.

 

Tìm đường xuất khẩu sách Việt

Việc xuất khẩu văn chương Việt là một chặng đường dài, không thể đong đếm thành những con số cụ thể. Những kết quả, trái ngọt của nó có thể chỉ được nhận thấy sau 10, 20 năm. Tôi vẫn luôn mang sách văn học Việt đi trưng bày, quảng bá tại các hội sách quốc tế như Frankfurt (Đức), Bắc Kinh (Trung Quốc)…

Tại Hội thảo văn học quốc tế ở Quảng Châu năm 2018, tôi đã làm việc với Hội Nhà văn tỉnh Quảng Đông về một kế hoạch dài hơi nhằm giới thiệu văn chương Việt thông qua việc mời các nhà văn Việt sang giao lưu, tổ chức các dịp sáng tác thực tế, hội thảo văn học Việt – Trung, xuất bản sách văn học Việt bằng tiếng Hoa… với mục tiêu gắng hết sức để góp phần đưa văn học Việt ra thế giới.

Chúng ta cũng cần kinh phí để đào tạo nên một thế hệ dịch giả mới. Việc đào tạo này không chỉ giới hạn trong nước mà cần lựa chọn những người có khả năng nhất để đưa đi đào tạo ở nhiều nước trong vài năm.

Tôi tin rằng nếu có thể làm được như vậy thì chúng ta sẽ có được một đội ngũ dịch giả với nhiều ngôn ngữ giỏi và tự tin trong tương lai, sử dụng ngoại ngữ nhuần nhuyễn như tiếng mẹ đẻ.

Ông chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia từng chia sẻ với tôi rằng Chính phủ Indonesia đầu tư 1-2 triệu USD chỉ để dịch 200 đầu sách văn chương Indonesia ra tiếng Anh, phục vụ trưng bày tại Hội sách quốc tế Frankfurt.

Điều này không chỉ giới thiệu được sách và bán được bản quyền sách ra các nước mà còn giới thiệu về văn hóa, kinh tế, lịch sử, chính trị, địa lý, nghệ thuật… của đất nước mình với thế giới. Từ đó, nhiều cơ hội hợp tác đã mở ra.

Dịch giả NGUYỄN LỆ CHI
TTO