23/12/2024

Lập tuyến ‘phòng thủ’ bệnh đậu mùa khỉ

Lập tuyến ‘phòng thủ’ bệnh đậu mùa khỉ

Để ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước đã lập tuyến “phòng thủ” để ngăn dịch tấn công vào bệnh viện.

Lập tuyến phòng thủ bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM thiết lập khu vực cách ly, sàng lọc cho bệnh nhân có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ – Ảnh: THU HIẾN

Các khu vực cách ly và sàng lọc được bố trí ngay phía cổng bệnh viện, các đợt tập huấn dành cho nhân viên y tế liên tục diễn ra đặc biệt là tại các cơ sở da liễu để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

 

Giả định tình huống có ca nhiễm

Mới đây, Bệnh viện Da liễu trung ương tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế bệnh viện về quy trình phân luồng, khám, cách ly và điều trị cho trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc đậu mùa khỉ.

Một tình huống giả định: ông N.V.A. (60 tuổi) mới đi du lịch tới quốc gia ghi nhận nhiều ca đậu mùa khỉ, đến khám tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương với các biểu hiện nghi ngờ như sốt 3 ngày, nổi hạch, nổi mụn nước trên da khoảng 0,5cm.

Một bác sĩ khai thác tiền sử dịch tễ của bệnh nhân trong vòng 21 ngày qua, phát hiện ông có đi du lịch nhiều ngày tới một quốc gia châu Mỹ có số lượng lớn ca bệnh đậu mùa khỉ. Lập tức, ông A. được chuyển sang phòng khám cách ly thay vì phòng khám thường.

Tại phòng khám cách ly có bác sĩ và nhân viên y tế được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ. Mẫu bệnh phẩm được lấy và gửi đi chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả, bệnh nhân được chuyển tới buồng điều trị riêng. Ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ này cũng được báo cáo lên Bộ Y tế.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu (TP.HCM), để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế và thiết lập các quy trình xử lý khi có ca nhiễm. Để tiện cho việc xử lý ca nhiễm, bệnh viện đã bố trí một khu vực cách ly phân luồng ngay phía cổng vào để tránh lây nhiễm cho người bệnh.

Bà N.T.A. (61 tuổi, TP.HCM), đến bệnh viện thăm khám, cho biết: “Bệnh viện bố trí phân luồng bệnh đậu mùa khỉ ngay từ cổng thế này rất tốt. Những người lớn tuổi đi đến bệnh viện thăm khám cũng an tâm hơn, giảm thiểu khả năng lây nhiễm”.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu (TP.HCM) – cho biết mới đây bệnh viện đã tiếp nhận vài trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, ngay lập tức được chuyển đến khu vực cách ly. Tuy nhiên, khi khai thác những bệnh nhân này không có yếu tố dịch tễ, được chẩn đoán mắc thủy đậu. Bệnh nhân được thăm khám và yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà, hạn chế tiếp xúc…

“Bệnh viện đã có kế hoạch ứng phó với các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, để xử trí khi có trường hợp nghi ngờ. Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, phát ban, nổi hạch thì sẽ được chuyển qua khu vực khám sàng lọc riêng. Nếu có yếu tố dịch tễ, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và được chuyển đến Viện Pasteur cũng như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và báo cáo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Nếu kết quả âm tính, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về tại địa phương để tiếp tục theo dõi”, bác sĩ Thảo cho biết.

 

Sẵn sàng ứng phó với dịch

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu trung ương – cho biết mỗi ngày bệnh viện có từ 1.000 – 2.000 người tới khám các loại bệnh lý liên quan da liễu. Việc tập huấn cho cán bộ và nhân viên y tế, đặc biệt là nhận biết triệu chứng điển hình đậu mùa khỉ và khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh, rất quan trọng. “Ngay khi xác nhận có ca bệnh nghi ngờ hoặc nhiễm đậu mùa khỉ sẽ khởi động lại quy trình khám phân luồng, khám cách ly và điều trị cách ly tương tự quy trình với dịch COVID-19.

Về cơ sở hạ tầng phòng khám và buồng điều trị cách ly, phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cá nhân cũng được chuẩn bị sẵn sàng khi có ca bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân hay các bệnh nhân khác.

Ngoài ra, bệnh viện cũng liên hệ với các cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến nhằm chẩn đoán xác định và chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng.

Ông Nguyễn Trung Cấp – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết bệnh viện cũng đã sẵn sàng kích hoạt cách ly, điều trị khi ghi nhận bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

“Chúng tôi đánh giá bệnh đậu mùa khỉ sẽ không thể bùng phát như COVID-19, vì vậy việc tiếp nhận ban đầu và điều trị sẽ có hai kịch bản. Thứ nhất, nếu ghi nhận ca nhiễm ít thì sẽ cách ly và điều trị ca nhiễm ở buồng cách ly âm tại bệnh viện. Thứ hai, nếu ghi nhận ca nhiễm với số lượng lớn thì sẽ kích hoạt 1 tầng của bệnh viện để tiếp nhận cách ly điều trị. Việc phân luồng, phát hiện ca bệnh sẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay”, ông Cấp cho hay.

 

Phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh về da khác

Theo bác sĩ Hiền, đối với bệnh đậu mùa khỉ cần được chẩn đoán phân biệt với thủy đậu, đậu mùa, tay chân miệng hay nhiễm herpes lan tỏa do có một số điểm tương đồng trong triệu chứng như nổi ban, phỏng nước.

 

■ Đậu mùa khỉ: Ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt và lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng. Ban xuất hiện cùng lứa tuổi, cùng thời điểm; nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da.

■ Đậu mùa: Ban theo trình tự mặt – bàn tay, cẳng tay – thân mình. Ban xuất hiện sau 2-3 ngày đầu.

■ Thủy đậu: Ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan khắp ra cơ thể. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, thời gian khác nhau.

■ Tay chân miệng: Loét miệng, phát ban trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, một số phát ban không rõ ràng hoặc chỉ loét miệng.

■ Herpes lan tỏa: Thường xuất hiện vùng niêm mạc miệng và sinh dục, sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân. Các mụn nước tập trung thành chùm, đau rát, nhanh vỡ.

So với bốn bệnh còn lại, ban trong bệnh đậu mùa khỉ tiến triển chậm, đây là điểm khác biệt. Kích thước ban của đậu mùa khỉ hay thủy đậu giống nhau, từ 5 – 10mm, trong khi ban của tay chân miệng hay Herpes lan tỏa nhỏ hơn với chỉ 2-3mm.

Ban của bệnh đậu mùa khỉ cũng tồn tại lâu hơn, tới 2-4 tuần, trong khi ban thủy đậu sẽ biến mất sau 1-2 tuần, ban của tay chân miệng chỉ tồn tại dưới 7 ngày, còn ban Herpes lan tỏa nhanh chóng vỡ sau 3-4 ngày.

DƯƠNG LIỄU – THU HIẾN
TTO