22/01/2025

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc?

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc?

Bộ GD-ĐT đề xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên nghỉ việc như đã phản ánh trong loạt bài trên Báo Thanh Niên. 

 

 

 

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh hiện tượng giáo viên nghỉ việc, những giải pháp mà Bộ GD-ĐT dự kiến nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc? - ảnh 1

3 nguyên nhân chính giáo viên nghỉ việc

Theo ông, có những nhóm nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của giáo viên (GV)?

Việc GV chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, có một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, phải kể đến là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao. Điều này khiến một số GV phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Thứ hai, một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế (khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy…) nên cảm thấy bị áp lực; một số thầy cô lớn tuổi, có sức khỏe không tốt nên cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn… Đối với GV mầm non, còn có lý do thời gian lao động trong ngày rất dài, áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn.

Thứ ba, một số GV được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn nhiều thiếu thốn, đường sá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc quan tâm, chăm sóc gia đình. Vì vậy, số GV này chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều tâm sự của GV khi nghỉ việc thì thu nhập không phải nguyên nhân chính mà môi trường làm việc thiếu dân chủ, cùng những áp lực không đáng có với GV là điều khiến họ không thể gắn bó với công việc?

Khảo sát của chúng tôi thì đúng là có nguyên nhân từ áp lực công việc, có những nơi môi trường làm việc còn thiếu dân chủ… Tuy nhiên, nguyên nhân ấy không chiếm tỷ lệ lớn và cũng không phải nguyên nhân chính. Về cơ bản, việc xây dựng văn hóa học đường, thực hiện dân chủ trong trường học đã được thực hiện khá tốt. Hiện tượng mất dân chủ trong trường học chỉ là hiện tượng cá biệt.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết liệt rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách đối với GV; tổng kết, đánh giá việc tổ chức các hội thi, hội giảng để điều chỉnh theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu và điều kiện tham gia của GV, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý nhằm giảm bớt áp lực của các công việc ngoài chuyên môn của GV.

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc? - ảnh 2
Loạt bài Vì sao giáo viên nghỉ việc? trên Báo Thanh Niên tạo được sự quan tâm của đông đảo giáo viên và những nhà quản lý giáo dục

Mong muốn đội ngũ quản lý phát huy vai trò tự chủ

Đội ngũ quản lý có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường làm việc tốt cho nhà giáo, giúp họ gắn bó với nghề. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng do tính tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông chưa cao nên hiệu trưởng dù muốn cũng chưa tạo được môi trường làm việc thực sự lý tưởng với GV? Vậy dân chủ và tự chủ cho nhà trường phổ thông thời gian tới, theo ông có cần thay đổi?

Đội ngũ quản lý các nhà trường đều trưởng thành từ GV và phần lớn họ đều rất tâm huyết, hiểu GV của mình cần gì, mong muốn gì để từ đó tạo môi trường làm việc tốt nhất trong điều kiện có thể.

Về mặt chính sách, Bộ đã tạo điều kiện tốt nhất để các cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm thông qua xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với thực tế dạy học thay vì thực hiện cứng nhắc theo một quy định chung.

Bên cạnh đó, Bộ và các địa phương cũng rất chú trọng chỉ đạo xây dựng môi trường sư phạm văn hóa, phát huy dân chủ trong trường học, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; đồng thời cũng có những cơ chế để giám sát, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tính nêu gương của cán bộ quản lý giáo dục.

Chúng tôi cũng rất mong muốn đội ngũ quản lý phát huy vai trò tự chủ, tăng cường kỹ năng quản trị trường học, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể sư phạm; xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa lãnh đạo và GV, giữa GV với nhau; giữa GV với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

 

Đề xuất chính sách tiền lương mới, giảm áp lực cho giáo viên

Hiện tượng thiếu GV khiến đội ngũ GV hiện có phải làm quá nhiều việc kiêm nhiệm, dạy thêm giờ. Bên cạnh đó, GV còn chịu áp lực không đáng có về hệ thống hồ sơ, sổ sách, về các tiêu chí thi đua; các cuộc thi, các phong trào… Bộ GD-ĐT sẽ có những thay đổi nào để giảm áp lực đó cho GV?

 

Khoảng 1% Giáo viên nghỉ việc trong năm học qua

Bộ GD-ĐT đang tiến hành cập nhật tình trạng GV nghỉ việc, chuyển việc trong năm học 2021 – 2022. Theo tổng hợp chưa đầy đủ, đến thời điểm này cho thấy số GV nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số GV mầm non và phổ thông trong cả nước. Tuy tỷ lệ này so với các ngành nghề khác không phải là con số quá bất thường nhưng lãnh đạo ngành hết sức trăn trở để xác định lý do GV nghỉ việc, từ đó có các chính sách phù hợp để GV yên tâm công tác, gắn bó với nghề, đảm bảo sự ổn định của đội ngũ GV.

Phân tích số liệu cho thấy số GV nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà NẵngBình Dương… Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Gia Lai, Sơn La… cũng có hiện tượng GV nghỉ việc đông hơn một chút so với các địa phương khác.

Bộ đã có những văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiệm vụ của GV, thời gian tới Bộ tiếp tục rà soát, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp GV giảm bớt các công việc không đúng với chuyên môn của mình, giảm bớt áp lực không đáng có cho GV. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức GV/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Bộ cũng tiếp tục rà soát các hội thao, hội thi, các hoạt động mang tính phong trào để tránh GV phải tham gia những hội thao, hội thi không mang lại lợi ích thiết thực cho nghề nghiệp của GV. Nhiều năm qua, Bộ đã có những chỉ đạo để chấn chỉnh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục và sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này để các cơ sở giáo dục, GV không quá áp lực phải đạt được các thành tích mà điều kiện dạy học còn chưa phù hợp. Với một số địa phương thực hiện chưa tốt, Bộ sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh.

Bộ GD-ĐT đề xuất gì trước tình trạng giáo viên nghỉ việc? - ảnh 3
Cô Hiền, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM, đã xin nghỉ việc, người chia sẻ với PV Thanh Niên  THÚY HẰNG

Dù số GV nghỉ việc như ông đã nói chưa đến mức báo động nhưng theo ông ngay từ bây giờ cần phải có các giải pháp mạnh để ngăn chặn trước khi nó trở thành một hiện tượng phổ biến?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói riêng và Bộ GD-ĐT rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống; giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hiện Bộ GD-ĐT đang tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới; trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Ngoài chính sách tiền lương chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc cho GV. Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, GV cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho GV, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.

TUỆ NGUYỄN

TNO