24/12/2024

Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hoá cao cấp

Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hoá cao cấp

Những chiếc đèn trung thu mang nét truyền thống xưa đang trở lại, thành sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm văn hóa cao cấp được ưa chuộng.

 

 

Đắt hàng

Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu trân trọng đăng một thông báo lên Facebook của mình – một trang cá nhân được nhiều người yêu di sản văn hóa cổ theo dõi, ông viết: “Sau nhiều năm nghiên cứu và khôi phục sản phẩm của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã có thành quả tuyệt vời. Năm nay tò he Việt nhà cháu với vai trò hỗ trợ quảng bá để cho đèn trung thu cổ truyền về lại với cuộc sống, với trung thu hiện tại. Tuy nhiên, do kỹ thuật làm đèn này rất phức tạp nên số lượng có giới hạn, những ai muốn có cho mình chiếc đèn trung thu tuyệt vời này hãy liên lạc sớm để đặt hàng ngay từ bây giờ”.

Những chiếc đèn trung thu mà ông Hậu nhắc tới là các loại đèn cua, đèn cá với kích cỡ lớn, được làm hoàn toàn bằng tay. Cả hai loại đèn này đều nhiều chi tiết, phải vẽ tay, ghép tay và nhờ đó trở nên sống động. Với đèn cua, có thể thấy phần lưng với chiếc mai cua đổi màu dần dần, và phía bụng những nét vẽ cho thấy chiếc yếm cua, sự đổi màu của càng cua, chân cua. Đặc biệt, còn có thể phân biệt đâu là cua đực, đâu là cua cái. Với đèn cá, từng chiếc vảy cá chuyển màu thế nào cũng được mô tả chi tiết. Ông Hậu nhận xét không giấu nổi thán phục: “Những chiếc đèn được vẽ rất kỹ lưỡng”.

Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hóa cao cấp - ảnh 1
Đèn con cua, đèn con cá  TƯ LIỆU CỦA NGHỆ NHÂN ĐẶNG VĂN HẬU

Trước đó, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã mất nhiều năm để tìm lại bí quyết làm những chiếc đèn lồng theo lối xưa. Thoạt tiên, ông Bách tìm tới làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, H.Nam Trực, Nam Định) nhưng không có ai nhớ cách làm. Sau đó, ông đã tìm thấy những con cháu của người làng Báo Đáp di cư vào Nam. Họ uốn được khung đèn và vẫn nhớ loại giấy nhiễu dùng để phất đèn ra sao. “Đó là một thứ giấy pha sợi vải để khi vẽ lên nhiều lớp màu giấy không bị mủn”, ông Bách nhớ lại.

Theo ông Hậu, những chiếc đèn cua, cá này có giá khoảng 7 – 8 triệu đồng nhưng vẫn đắt khách, làm ra đến đâu hết đến đấy. Ông Hậu cho biết số đơn hàng khá nhiều. Mặc dù vậy, năm nay việc đáp ứng hết mọi đơn hàng là không thể, một phần là do việc vận chuyển mặt hàng đặc biệt này từ TP.HCM ra Hà Nội chưa thuận tiện. Hơn nữa, hiện tại đèn giá cao nhưng tiền thu về cho người sáng tạo cũng chưa cao.

Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hóa cao cấp - ảnh 2
Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hóa cao cấp - ảnh 3
Tò he và đèn trung thu có mặt trong set quà trung thu cao cấp  NHÀ HÀNG BỂ CÁ

“Chợ quà trung thu” cao cấp

Ông Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình làng Việt, bày tỏ mong muốn sau này có những mẫu đèn nhỏ hơn, hoặc có thể không tinh bằng nhưng giá cả thấp xuống để nhiều người được trải nghiệm thú chơi xưa của các cụ. “Tôi nghĩ, nếu giá thấp xuống thì sẽ có nhiều người được tiếp cận món đồ chơi truyền thống tinh tế này hơn. Tất nhiên, thấp xuống không phải là làm èo uột. Vẫn phải đẹp đẽ, chắc chắn”, ông Bình nói. Mong muốn này của ông Bình cũng là một nhu cầu của thị trường.

Nhiều món đồ chơi trung thu truyền thống khác cũng đang đi vào đời sống như thế. Thời điểm này, chị Nguyễn Thu Hương, chủ nhà hàng Bể Cá ở Hà Nội, đang chuẩn bị những đơn hàng cho vụ trung thu. Đó là những khay quà bánh nướng có hình chú hổ, kèm theo đồ chơi trung thu xưa như tò he, các loại đèn cỡ nhỏ.

Đồ chơi trung thu truyền thống thành sản phẩm văn hóa cao cấp - ảnh 4
Đèn trung thu xưa đang được phục dựng và ưa chuộng  TƯ LIỆU

“Nhà tôi đi theo cách thức mọi thứ đều làm thủ công nên sẽ kết hợp với những đồ truyền thống để tạo thành set quà. Nhiều đơn vị bây giờ làm trung thu lại bị giống Nhật, giống Trung Quốc thì không thích lắm”, chị Hương cho biết về set quà đậm chất Việt của mình.

TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, cho rằng thị trường đồ chơi trung thu trong khoảng 5 năm nay đã có sự tham gia nhiều hơn của các đồ chơi truyền thống chất lượng cao. Những món đồ chơi này đến từ các dự án phục dựng mà nhiều cá nhân đeo đuổi. Với đèn cua, đèn cá chép, đó là sự nỗ lực của nghệ nhân Trịnh Bách và những người biết nghề còn lại từ làng Báo Đáp.

Bà Hòa cũng dự báo: “Nếu bán tốt năm nay, nhiều khả năng sang năm những người làm đèn sẽ có thể làm ra các sản phẩm hạng 2 để bán với giá rẻ hơn. Càng nhiều người bán thì giá thành sẽ càng hạ, chứ không phải ai cũng chịu được giá 7 – 8 triệu một chiếc đèn. Khi thẩm mỹ người dân tốt lên thì họ sẽ chọn sản phẩm cao cấp hơn. Giống như chuyện cổ phục, ông Trịnh Bách là người phục dựng đầu tiên và sau đó rất nhiều nhóm cùng lan tỏa cổ phục. Đèn trung thu cũng thế”..

TRINH NGUYỄN

TNO