26/12/2024

Dụng cụ y tế khử khuẩn kém: Đã có những bệnh nhân chết vì chuyện này

Dụng cụ y tế khử khuẩn kém: Đã có những bệnh nhân chết vì chuyện này

Nhiều bằng chứng cho thấy bề mặt môi trường, vật dụng y tế, dụng cụ phòng mổ đã làm lan truyền vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó, ống nội soi mềm được xem là hiểm hoạ khiến nhiều người nhiễm khuẩn.

Dụng cụ y tế khử khuẩn kém: Đã có những bệnh nhân chết vì chuyện này - Ảnh 1.

Những dụng cụ y tế trong phòng mổ siêu sạch ở một bệnh viện TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Chiều 18-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật với chuyên đề “Tầm quan trọng của khử khuẩn, tiệt khuẩn trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh”.

Tại chương trình, bà Lê Thị Anh Thư – chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam – cho hay môi trường và vật dụng y tế là một trong những nguyên nhân chính làm lây truyền nhiễm khuẩn bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc.

Nhiều cơ sở y tế đã đối diện các đợt dịch lây truyền do vi khuẩn Acinetobacter, Norovirus, C. Difficile. Những loại vi khuẩn, virus này sống ở môi trường và các bề mặt của vật dụng trong bệnh viện như giường bệnh, màn cửa, dụng cụ hô hấp, máy tính, tay nắm cửa, đồ nội thất khác…

Ở những vị trí nêu trên, chúng có thể sống dài trong môi trường, phân lập được trong phòng bệnh nhân, thậm chí sống trên tay nhân viên y tế và sau đó lây truyền cho bệnh nhân khác.

Cũng tại buổi sinh hoạt, bà Anh Thư cho biết Sở Y tế TP.HCM đã và đang tổ chức các buổi kiểm tra ống nội soi theo chu kỳ tại các cơ sở y tế. Trong đợt gần nhất, kết quả cho thấy các cơ sở y tế xử lý vệ sinh ống nội soi mềm không đúng quy định, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách đây 5 năm.

Theo y văn thế giới, việc khử khuẩn ống nội soi mềm không đạt yêu cầu là một trong những thất bại, hiểm họa hàng đầu mà ngành y tế gây cho cộng đồng. Trong vòng khoảng 30 năm đã có đến 281 bài báo trên thế giới đề cập đến việc lây nhiễm khuẩn từ ống nội soi.

Có bài báo thông tin, sau khi soi nội soi có đến 216 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Pseudomonas, 48 bệnh nhân liên tiếp bị nhiễm vi khuẩn thương hàn sau khi soi đại tràng, 12 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn H. Pylori sau khi soi dạ dày…

Điển hình ở những bệnh nhân nội soi phế quản đều bị viêm phổi do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) sau nội soi phế quản, với nguyên nhân là do kênh trong của ống nội soi bị hỏng, kềm sinh thiết không được diệt khuẩn.

“Ở Việt Nam, nếu không biết được điều này thì không có báo cáo nào nhiễm khuẩn liên quan đến ống nội soi. Chính vì vậy chúng ta còn coi thường và nghĩ rằng xử lý ống nội soi như vậy là được rồi vì không có ai than phiền bị nhiễm. Không thấy có sự lây nhiễm thì không phải không có, nó vẫn đang xảy ra theo thời gian mà chúng ta không giám sát, không theo dõi và biết được”, bà Anh Thư chia sẻ thêm.

Dụng cụ trong phòng mổ cũng là một hiểm họa khiến nhiều người nhiễm khuẩn. Điển hình một đợt mổ tim trên thế giới cho 17 bệnh nhân, đồng loạt tất cả đều viêm trung thất, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng vết mổ, sau đó có 5 bệnh nhân tử vong. Qua điều tra nhận thấy đồ vải trong phòng mổ không được tiệt trùng thỏa đáng, không làm chỉ thị sinh học, kiểm tra độ ẩm thích hợp…

Không những thế, việc xử lý dụng cụ dùng trong phẫu thuật nội soi cũng từng gặp thất bại. Đã có 35 bệnh nhân liên tiếp bị nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium chelonae sau nội soi ổ bụng do dụng cụ khử khuẩn bằng hóa chất, nguồn nhiễm do nước tráng sau xử lý hóa chất. Sau khi thay đổi sang tiệt khuẩn nhiệt độ thấp thì không phát hiện nhiễm trùng sau đó.

Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, bà Anh Thư đề nghị các cơ sở y tế cần tăng cường làm sạch môi trường, thực hiện nghiêm công tác khử khuẩn và tiệt khuẩn, từ đó giúp giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn. “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn bề mặt không hiệu quả, khâu làm sạch cuối cùng không thỏa đáng thì làm những bệnh nhân tiếp theo có nguy cơ bị nhiễm”, bà Anh Thư nhấn mạnh.

XUÂN MAI
TTO