26/12/2024

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành… con nợ

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành… con nợ

Học phí đại học đúng là một gánh nặng đối với các sinh viên người Úc, gần như ai đi học đại học cũng phải mắc nợ chính phủ và trả dần trong nhiều năm sau khi tốt nghiệp và có việc làm ổn định.

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành... con nợ - Ảnh 1.

Ở nhiều nước, các trường đại học có nguồn thu khá dồi dào từ các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trong ảnh: học viên sau đại học thực hiện các nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN

TS Lý Quí Trung – cố vấn cao cấp ĐH Western Sydney (Úc) – cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ đề tự chủ đại học và học phí.

Theo ông Trung, việc điều chỉnh học phí đại học là cần thiết nhưng vấn đề ở chỗ làm thế nào không ảnh hưởng tiêu cực đến con đường học tập của thế hệ trẻ.

Đi tìm giải pháp để hỗ trợ việc tăng học phí đại học theo tôi có lợi và có lý hơn so với việc đi tìm giải pháp để kiềm chế nó để rồi chất lượng đầu ra của đại học sẽ không bao giờ được cải thiện đáng kể.

TS Lý Quí Trung

Không phải muốn làm gì thì làm

* Trong khi vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ, thì tại Úc đây dường như là một chuyện “đã cũ”?

– Tất cả các trường đại học ở Úc đã tự chủ từ lâu, bao gồm tự chủ về nội dung giảng dạy (academic autonomy), cách tổ chức và quản trị (organizational autonomy), và đặc biệt là tự chủ trong việc định mức học phí và tích lũy thặng dư (financial autonomy). 

Ngay cả việc tuyển dụng hay bổ nhiệm các chức danh giáo sư hay một số vị trí lãnh đạo trường cũng hoàn toàn tự chủ.

Nói như vậy không có nghĩa là các trường đại học muốn làm gì thì làm, mà vẫn phải theo những quy định và hướng dẫn chung của Chính phủ. Ví dụ như vấn đề học phí, các trường có thể tự do đưa ra mức học phí phù hợp với chất lượng và uy tín của mình so với thị trường nhưng không được vượt qua mức trần được Chính phủ quy định hằng năm.

Tương tự như đối với số tiền “lãi” nếu có (các trường công ở Úc gọi là “thặng dư” – surplus) sẽ không được đi vào túi bất kỳ ai, mà được nhà trường chủ động sử dụng vào các mục đích khác nhau như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích các công trình nghiên cứu hay nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Thậm chí có đại học còn sử dụng một phần số tiền thặng dư này để đầu tư vào các dự án có thể đẻ ra tiền nhằm củng cố năng lực tài chính. Cho nên để điều hành một trường đại học thật sự hiệu quả thì người đứng đầu không chỉ là hiệu trưởng mà còn là một CEO đúng nghĩa.

 

* Theo quan sát của ông, học phí hiện đang đóng vai trò thế nào trong “nguồn thu” nuôi sống các trường đại học Úc?

– Ở Úc, nguồn thu chính của các trường đại học vẫn là từ học phí. Nhưng khác với Việt Nam, các trường ở Úc còn thu được thêm một nguồn học phí rất dồi dào từ các du học sinh đến từ các nước. Nguồn học phí này có khi còn cao hơn nguồn học phí từ người bản địa, nhất là đối với các trường đại học có danh tiếng.

Ngoài ra, các trường còn nhận được một khoản tiền đáng kể từ Chính phủ liên bang (federal government), cũng như những khoản tiền chi trả cho các cuộc nghiên cứu được cả Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương đặt hàng.

Thói quen sử dụng các trường đại học như một bộ não tư vấn là một thói quen rất tuyệt vời ở các nước phát triển, vì nó vừa trân trọng tri thức trước mỗi quyết định lớn, vừa cung cấp một nguồn kinh phí quan trọng để các trường duy trì và nâng cao năng lực nghiên cứu.

Ngoài ra, tôi thấy các trường đại học ở Úc hay ở Mỹ còn làm rất tốt công tác vận động tài trợ, ủng hộ, quyên góp từ các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm có quan tâm đến giáo dục. Và để khuyến khích một cách cụ thể sự góp sức của xã hội cho các trường đại học, Chính phủ Úc đưa ra chính sách cấn trừ thuế cho các khoản đóng góp đó.

Tự chủ đại học và học phí: Ai đi học cũng trở thành... con nợ - Ảnh 3.

TS Lý Quí Trung

Vai trò quan trọng của ngân hàng

* Trên bước đi tự chủ của những đại học Việt Nam, nhiều người cho rằng tăng học phí đại học là một trong những việc làm bắt buộc để tăng chất lượng. Số khác lại khá “choáng” với mức tăng so với mặt bằng chung. Ông nghĩ sao về xu hướng này?

– Theo tôi, nếu muốn các trường đại học cho ra các sản phẩm (sinh viên) có chất lượng cao thì không có cách gì khác hơn là phải có đầu tư bài bản từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng đội ngũ giảng dạy, chưa kể phải liên tục nâng cao khả năng nghiên cứu.

Suy cho cùng tất cả những thứ này đều cần tiền, dĩ nhiên bên cạnh những thứ quan trọng khác. Nhưng không có tiền thì khó có thể làm được gì nhiều. Cho nên việc tăng học phí hay nói đúng hơn là điều chỉnh học phí cho phù hợp với chất lượng xã hội mong muốn và có thể cạnh tranh với nền giáo dục của các nước khác trong khu vực và thế giới là điều cần thiết.

Vấn đề ở chỗ làm thế nào để các trường đại học có thể tăng học phí nhưng không gây xáo trộn hay ảnh hưởng tiêu cực đến con đường học tập của cả một thế hệ trẻ. Như ở Úc chẳng hạn, một mặt các trường đại học đưa ra mức học phí khá cao nhưng mặt khác Chính phủ lại đưa ra các chương trình hỗ trợ hợp lý.

* Giải pháp cụ thể là gì, thưa ông?

– Ví dụ như nếu các em và gia đình không có khả năng chi trả tiền học phí thì hoàn toàn có thể mượn tiền của Chính phủ Úc để đóng (chương trình HECS-HELP), với lãi suất bằng không. Số tiền vay mượn này sẽ được kết nối với sở thuế để khi các em ra trường có việc làm với thu nhập trên mức tối thiểu nào đó thì sẽ tự động khấu trừ dần.

Đó là chuyện xảy ra ở một nước có nền kinh tế khá giả như Úc, còn đối với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì cần phải có một giải pháp sáng tạo và vô cùng năng động. Vai trò hỗ trợ của các ngân hàng trở nên rất quan trọng khi ngân sách của Chính phủ bị hạn chế.

Đây là cả một bài toán của quốc gia chứ không riêng gì ngành giáo dục. Đi tìm giải pháp để hỗ trợ việc tăng học phí đại học theo tôi có lợi và có lý hơn so với việc đi tìm giải pháp để kiềm chế nó để rồi chất lượng đầu ra của đại học sẽ không bao giờ được cải thiện đáng kể.

Phải tinh tế, sáng tạo khi thực hiện tự chủ đại học

Tôi cũng mong muốn thấy những cải cách đáng kể trong lĩnh vực giáo dục từ nội dung đến cách thức các trường đại học vận hành, tổ chức, để sản sinh ra các thế hệ trẻ vừa có trình độ, vừa có thái độ và tư duy đúng đắn, có thể cạnh tranh với thế giới. Tự chủ đại học là một trong những bước đi cần thiết trên hành trình cải cách giáo dục, nhưng việc triển khai nó rõ ràng là phải hết sức tinh tế, sáng tạo.

“Để học phí không đè nặng người học”

HOC SINH

Một trong những yếu tố bạn trẻ cân nhắc khi chọn trường là học phí – Trong ảnh: học sinh tìm hiểu về các trường tại Ngày hội xét tuyển đại học 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đây là chủ đề của tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng nay, 18-8, với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục và đại diện các trường đại học. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.

Khách mời tham gia tọa đàm gồm:

1. TS Bùi Quang Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

2. PGS.TS Trần Thiên Phúc – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

3. TS Quách Thanh Hải – trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

4. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Y dược TP.HCM

5. TS Trần Đức Cảnh – thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.

6. ThS Bùi Quang Trung – trưởng phòng truyền thông và marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

7. PGS.TS Nguyễn Minh Đức – phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

Bạn đọc có thể theo dõi cuộc tọa đàm tại tuoitre.vn cũng như đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm, góc nhìn, giải pháp với các khách mời của tọa đàm.

TRỌNG NHÂN thực hiện
TTO