Trung thực trong giáo dục: Trách nhiệm của ba ‘nhà sản xuất’

Trung thực trong giáo dục: Trách nhiệm của ba ‘nhà sản xuất’

Trung thực trong giáo dục bắt đầu từ đâu? Câu hỏi đặt ra có vẻ chờ đợi ngành giáo dục lên tiếng nhận trách nhiệm đi đầu. Thật ra, vấn đề không đơn giản như ta mong đợi.

 

 

 

Trung thực trong giáo dục: Trách nhiệm của ba nhà sản xuất - Ảnh 1.

Trung thực trong giáo dục cần được nuôi dưỡng cả trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trong ảnh: học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM đang làm bài kiểm tra – Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo dục trong nhà trường hôm nay được thực hiện bởi chính những người do nhà trường ta đào tạo mấy chục năm qua. Để xem xét sự trung thực của giáo dục, ta xem xét quá trình tác động đến sự hình thành tính trung thực của sản phẩm giáo dục là người học sinh. Quá trình này liên quan tới ba “nhà sản xuất” gồm nhà trường, gia đình và xã hội.

 

Bắt chước từ nhỏ

Từ 3 tuổi trở đi, đứa trẻ đã biết bắt chước ngày một giỏi hơn, bắt chước cả việc xấu lẫn việc tốt. Những năm còn học mầm non, đối tượng gần trẻ nhất là cha mẹ và cô giáo. Trẻ bắt chước những người này một cách hồn nhiên trong hai môi trường: gia đình và nhà trường.

Môi trường nào cũng đã bắt đầu xuất hiện tật không trung thực: ngày bé chứng kiến anh chị nói dối cha mẹ và có lúc bị trừng phạt, có lúc thoát; bé nghe cha mẹ nói dối nhau, nói dối khách hàng và láng giềng…

Và trẻ sống nhiều hơn trong môi trường nào thì càng bị ảnh hưởng nặng hơn từ môi trường đó, không nhất thiết cứ là nhà trường. Thường thì ở độ tuổi 3 đến 5, ảnh hưởng của gia đình là lớn hơn.

Đến 6 tuổi, bước vào trường tiểu học, ngoài người thân và thầy cô giáo, trẻ có thêm một đối tượng rất có ảnh hưởng để tương tác là bạn bè. Bạn bè từ nhiều hoàn cảnh gia đình và kinh tế khác nhau đem vào nhà trường cả một bầu không khí của xã hội. Nhà trường là một xã hội thu nhỏ nên đã, đang và sẽ không thể là một phòng thí nghiệm “vô trùng”.

Trẻ bị ảnh hưởng bởi cả cái tốt lẫn cái xấu của xã hội thu nhỏ này. Từng có một bé học lớp 3, làm lớp trưởng hẳn hoi (phải là bé ngoan, học giỏi, có uy tín với bạn mới được chọn) mà biết lợi dụng chức vụ của mình để thu tiền bất chính: bạn nào vi phạm nội quy mà “biết khôn” đưa 10.000 đồng cho bé thì bé sẽ cho qua, không ghi tên vô sổ bìa đen để báo cho cô giáo!

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ảnh hưởng từ xã hội từ điều mắt thấy tai nghe ngoài đường hoặc những câu chuyện kể trong nhà còn chưa mạnh bằng ảnh hưởng của nhà trường.

Chủ động tìm hiểu, tiếp nhận

Từ 11 tuổi, vào trung học, trẻ chủ động tìm hiểu các vấn đề xã hội qua chuyện kể từ bạn bè, từ phim ảnh, tivi, trò chơi và hiểu thêm nhiều khía cạnh tốt xấu trong đời sống xã hội. Yếu tố xã hội này sẽ tác động lên trẻ ngày mạnh mẽ hơn, nhiều chiều hơn tùy theo độ tuổi và theo độ “mở” trong nếp sống gia đình.

Từ 16 tuổi, trẻ bắt đầu tin vào các trải nghiệm của bản thân về tính trung thực trong cuộc sống hơn là lý thuyết được học trong nhà trường. Càng thêm tuổi, đứa trẻ càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của xã hội vì học sinh từ nay chủ yếu “hít thở” từ bầu không khí xã hội của địa phương, của quốc gia, thậm chí của hành tinh mà nó đang sống.

Trẻ đối chiếu những điều học và trải nghiệm với tính trung thực trong nhà trường, trong gia đình và trong xã hội để lựa chọn nên trung thực hay không nên, trong hoàn cảnh nào thì có thể hưởng lợi nhờ không trung thực.

Trẻ học qua theo dõi các nhân vật yêu thích trong phim, trong truyện, bắt đầu theo dõi báo chí về các vụ lừa đảo, các vụ án mà cả quan chức cao cấp cũng phải ra tòa và tự đặt câu hỏi “tại sao lại như vậy?”.

Hợp tác với gia đình và nhà trường, chính xã hội đã hoàn thiện nét vẽ về trung thực trong từng thanh niên 18 tuổi – sản phẩm chung của 3 “nhà sản xuất” này.

Nói như vậy để thấy trung thực trong giáo dục không chỉ đơn giản là bắt đầu từ nhà trường như có người vẫn nghĩ. Nó bắt đầu từ gia đình, hình thành qua nhà trường và được hoàn thiện bởi xã hội.

 

Không ai vô can

Không “nhà sản xuất” nào là “vô can” trong việc hình thành sự thiếu trung thực trong giáo dục. Trung thực trong giáo dục phải bắt đầu và hiện diện trong cả 3 “nhà sản xuất”: gia đình – nhà trường – xã hội. Đồng bộ và đồng thời, theo cùng một hướng.

HỒ THIỆU HÙNG
TTO