24/11/2024

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Cần biết về lộ trình thêm 4 loại vắc xin

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Cần biết về lộ trình thêm 4 loại vắc xin

Theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 – 2030 các loại vắc xin trên khi được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội phòng các bệnh dễ lây nhiễm.

 

 

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Cần biết về lộ trình thêm 4 loại vắc xin - Ảnh 1.

Chờ tiêm chủng dịch vụ tại một trung tâm tiêm chủng, Hà Nội – Ảnh: D.LIỄU

Lộ trình đưa 4 loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa vào chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030 đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân phòng bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật. Trong đó vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota sẽ được đưa luôn từ năm 2022.

Khi đưa một loại vắc xin nào vào chương trình tiêm chủng mở rộng phải xem xét nhiều tiêu chí, vì sao Việt Nam chọn 4 loại vắc xin này?

 

Còn khoảng trống tiếp cận vắc xin

Những năm trở lại đây, các bệnh ung thư cổ tử cung, phế cầu, cúm, tiêu chảy do virus Rota… đã gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe cho người dân, chi phí điều trị các bệnh này cũng rất cao. Tuy vậy, vắc xin phòng các bệnh trên vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, theo giá tiêm chủng dịch vụ, vắc xin Rota của Việt Nam (Rotavin-M1) có giá khoảng 490.000 đồng/liều; vắc xin phòng cúm dao động từ 190.000 – 350.000 đồng/liều; vắc xin phòng ung thư cổ tử cung HPV dịch vụ có giá 850.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/mũi tiêm; vắc xin phế cầu khoảng 1,1 triệu đồng/mũi. Giá này dao động tùy vào loại vắc xin, các dịch vụ kèm theo hoặc cơ sở y tế.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam ghi nhận có hơn 4.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới mỗi năm và hơn 2.000 ca tử vong. Hiện chi phí điều trị ung thư cổ tử cung khá cao, để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc của phụ nữ.

Trong khi đó cúm vẫn đang là mối đe dọa toàn cầu. Tháng 5 tới tháng 7 vừa qua, mặc dù là “trái mùa”, các bệnh viện khu vực phía Bắc tràn ngập bệnh nhân cúm. Còn tiêu chảy do virus Rota, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 5.300 – 6.800 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm 8 – 11% trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Những trẻ nhiễm bệnh phải trải qua quá trình điều trị dài ngày, gánh nặng chi phí điều trị lớn.

Theo Bộ Y tế, việc người dân tiếp cận với các loại vắc xin phòng bệnh trên còn là khoảng trống lớn, do giá thành của các loại vắc xin này còn tương đối cao so với thu nhập trung bình của nhiều người dân. Chưa kể tình trạng thiếu cục bộ vắc xin tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung.

Như vậy, theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 – 2030 các loại vắc xin trên khi được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội được phòng các bệnh dễ lây nhiễm.

 

Mục tiêu: giảm gánh nặng bệnh tật

Trong số các vắc xin vừa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin phòng ung thư cổ tử cung HPV có giá thành cao, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để tiêm phòng loại vắc xin này, trong khi tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam ở mức cao trên thế giới.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh – phó trưởng khoa khám chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để chống lây nhiễm HPV.

“Nữ giới từ 11 – 26 tuổi cần được tiêm vắc xin ngừa HPV. Ngoài ra, vắc xin cũng được đề nghị với nam giới dưới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém…”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-8, ông Nguyễn Vũ Trung – viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho biết khi đưa vắc xin phòng bệnh vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ liên quan rất nhiều tiêu chí: đánh giá số liệu về thực trạng mô hình bệnh tật, diễn biến bệnh tật, nhu cầu người dân, khả năng chi trả, nguồn vắc xin…

Ông Trung đánh giá việc đưa thêm 4 loại vắc xin vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ đem nhiều lợi ích, như hạn chế nguy cơ mắc bệnh, phòng dịch bệnh lây lan (đối với bệnh truyền nhiễm), giảm gánh nặng bệnh tật, áp lực cơ sở khám chữa bệnh…

“Vắc xin được Nhà nước chi trả để hỗ trợ thì rất tốt, giúp tỉ lệ người dân tiêm vắc xin cao hơn, góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật về sau”, ông Trung chia sẻ.

Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM Trương Hữu Khanh cũng cho rằng khi muốn đưa loại vắc xin phòng bệnh nào vào chương trình tiêm chủng mở rộng, cần đánh giá gánh nặng bệnh tật đó so với việc phòng ngừa như thế nào, kinh tế của quốc gia có đáp ứng đủ hay không, năng lực sản xuất vắc xin ra sao…

“Khi các loại vắc xin phòng bệnh nêu trên đều nhập từ nước ngoài về để tiêm miễn phí cho người dân thì con đường thực hiện lộ trình này không đơn giản, phải tính toán kỹ lưỡng”, ông Khanh nêu ý kiến, đồng thời cho rằng khi đã đưa một loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì thời gian phải kéo dài vô thời hạn, không chỉ 1 – 2 năm hoặc đứt quãng.

Theo các chuyên gia, việc được sử dụng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với vắc xin.

Ngoài ra, việc triển khai đề án có tác động tích cực trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Giảm chi phí cho doanh nghiệp nhờ có những chính sách ưu tiên.

 

2022 đưa vắc xin ngừa Rota virus vào tiêm chủng mở rộng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-8, lãnh đạo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết khi đưa các vắc xin vào chương trình sẽ tính toán từng bước, dựa trên khả năng ngân sách và hỗ trợ từ các tổ chức.

Hiện chương trình đang xây dựng dự án triển khai vắc xin ngừa Rota virus dự kiến từ quý 4-2022, với sự hỗ trợ của Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI).

Trong năm 2022, dự kiến sẽ triển khai vắc xin này ở 4 tỉnh (ưu tiên các tỉnh miền núi, điều kiện khó khăn), đến 2023 sẽ mở rộng dần. Đến 2025, chương trình sẽ bổ sung vắc xin ngừa phế cầu. 2028 – 2030 bổ sung vắc xin cúm và vắc xin ngừa HPV.

Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của Việt Nam có 11 loại vắc xin, vắc xin ngừa Rota virus là loại vắc xin thứ 12. Theo vị lãnh đạo kể trên, so với một số nước châu Á lân cận, số lượng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng của Việt Nam là ít hơn “chút ít”.

Lý do Việt Nam chọn triển khai tiêm ngừa Rota trước (thay vì chọn vắc xin phế cầu trước như một số nước) là do Việt Nam sản xuất được vắc xin này, đảm bảo nguồn vắc xin sử dụng và do gánh nặng bệnh tiêu chảy do virus Rota ở Việt Nam. (L.ANH)

 

Dự kiến chi hơn 8.400 tỉ đồng

Theo báo cáo đánh giá tác động về đề án đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng giai đoạn đến năm 2026 – 2030 của Bộ Y tế, kinh phí nhà nước dự kiến sẽ bỏ ra cho 10 loại vắc xin phòng bệnh đang triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 2 loại bệnh khác (bệnh tiêu chảy do virus rota và bệnh do phế cầu) đến năm 2025 là hơn 3.065 tỉ đồng.

Từ năm 2026-2030, ngoài nguồn kinh phí bỏ ra cho 10 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngân sách dự kiến sẽ chi hơn 5.335 tỉ đồng để bảo đảm cho 4 loại vắc xin (tiêu chảy do virus rota, bệnh do phế cầu, bệnh ung thư cổ tử cung do HPV và bệnh cúm mùa).

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO