Để nhà vệ sinh trường học không còn là ‘thảm họa’: cần cơ chế vận hành!
Để nhà vệ sinh trường học không còn là ‘thảm hoạ’: cần cơ chế vận hành!
Nhiều trường học không đủ nhân lực, không đủ tiền thuê nhân viên, nhà vệ sinh không có tiền bảo trì, không có tiền mua giấy… Vì vậy, nên tạo cơ chế để giải quyết vấn đề kinh phí vận hành nhà vệ sinh ở trường học.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 15.8, khi được mời phát biểu, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), chỉ phát biểu trong 3 phút nhưng làm “nóng” hội trường, dù ông đề cập đến vấn đề tưởng như rất nhỏ: cách thực vận hành nhà vệ sinh trường học.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang: “Tổ vệ sinh môi trường của chúng tôi có 20 nhân viên, được tập huấn nghiệp vụ, phân công khu vực rõ ràng, có giám sát hàng ngày, lương tương đối khá”
M.C
|
Cơ chế vận hành nhà trường lấy ví dụ từ vận hành nhà vệ sinh
Ông bắt đầu phần phát biểu của mình bằng câu chuyện tưởng như không liên quan khi nói về sự ra đời của Nghị định 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ về xã hội hoá 4 lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Nhờ có Nghị định này, các trường tư thục bắt đầu khởi sắc: được giao đất và xây dựng cơ sở vật chất.
Hai mươi năm gần đây, nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã có cơ sở vật chất khang trang, không thua kém các trường công lập.
Các trường tư thục có 2 cái khó cơ bản nhất đó là: cơ sở vật chất và tuyển sinh. Nếu không giải quyết được 2 vấn đề này thì không thể tồn tại. Nhưng, có được cơ sở vật chất khang trang mà không thu hút được học sinh thì rất khó phát triển. Bài toán tồn tại và phát triển luôn là bài toán nóng nhất của các trường tư thục!
Đến nay, các chính sách của Nhà nước khuyến khích xã hội hoá giáo dục cũng khá nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tư thục phát triển. Vì vậy, có tồn tại và phát triển hay không chủ yếu ở việc vận hành của các trường.
Cơ chế đặt ra cho trường tư thục nhiều thách thức. Phải có vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Phải có tiền để trả lương hàng tháng cho toàn thể bộ máy của trường, từ chị lao công đến ban lãnh đạo. Phải có tiền để tổ chức các hoạt động giáo dục của giáo viên và học sinh. Nói ngắn gọn như luật Giáo dục quy định: “bảo đảm điều kiện hoạt động”!
Cơ chế cũng tạo nên nhiều thuận lợi cho trường tư thục. Không phải lo thừa, thiếu giáo viên. Kinh phí được tự chủ: đầu vào thì thoả thuận với phụ huynh, đầu ra thì thoả thuận với người lao động. Vì thế lương của giáo viên và nhân viên ở trường tư khá hơn, hợp lý hơn, có thể trang trải cho cuộc sống.
Đưa ra thực tế về sự thay đổi trong cơ chế vận hành của trường tư suốt hơn 20 năm qua, rồi ông Nguyễn Xuân Khang nói: “Tôi xin đưa ra một ví dụ để chúng ta cùng suy ngẫm, cả trường tư và trường công. Nhà vệ sinh ở các trường học là một vấn đề khá bức xúc. Có những lúc lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Thành phố phải vào cuộc chỉ vì nhà vệ sinh ở trường học là “một thảm hoạ”.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nêu quan điểm: “Giải quyết việc này nói khó cũng đúng mà nói dễ cũng không sai. Việc đầu tiên là khi thiết kế xây trường, nhà vệ sinh phải ở vị trí thuận lợi, số lượng đủ nhiều, thiết bị hiện đại và chất lượng. Việc thứ hai là vận hành, nhà vệ sinh thường xuyên phải đảm bảo sáng, sạch, đẹp và thơm.
Tổ vệ sinh môi trường của chúng tôi có 20 nhân viên, được tập huấn nghiệp vụ, phân công khu vực rõ ràng, có giám sát hàng ngày, lương tương đối khá. Chỉ vậy thôi, nhà vệ sinh của trường chúng tôi là “điểm đến” thú vị của học sinh.
Tôi được biết, nhiều trường lúng túng ở khâu vận hành: không đủ nhân lực, không đủ tiền thuê nhân viên, nhà vệ sinh không có tiền bảo trì, không có tiền mua giấy vệ sinh… Vì vậy, nên tạo cơ chế để giải quyết vấn đề kinh phí vận hành nhà vệ sinh ở trường học”.
“Đó chỉ là một ví dụ, vận hành một nhà trường còn rất nhiều vấn đề. Cơ chế vận hành là điều vô cùng quan trọng“, ông Khang nói
Lãnh đạo TP. Hà Nội: “Nhiều trường phòng ốc rất đẹp nhưng vô cùng thiếu nhà vệ sinh”
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng thẳng thắn nhìn nhận điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường, tuy là Thủ đô, nhưng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn. Thực tế này được ông kiểm chứng trong khoảng thời gian tìm kiếm các địa điểm trường học có thể đảm bảo huy động làm nơi tổ chức cách ly tập trung ở các đợt Covid-19 vừa qua.
“Tôi có trực tiếp đi rất nhiều trường, từ mầm non, tiểu học đến THCS ở cả các quận lẫn các huyện để tìm chỗ có thể cách ly tập trung, nhưng có nhiều nơi cơ sở vật chất không thể dùng được, có nơi phòng ốc rất đẹp nhưng vô cùng thiếu nhà vệ sinh”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, trong giai đoạn trước mắt, TP.Hà Nội đã bố trí vốn khoảng 2.500 tỉ đồng để đầu tư cho giáo dục. Tổng mức đầu tư trong giai đoạn trung hạn sắp tới cho giáo dục là khoảng 21.000 tỉ đồng.
Ônng Phong đánh giá đây là “một con số khủng khiếp”, nhưng cũng nhấn mạnh: “Nó sẽ không là gì nếu chúng ta không có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phương thức quản lý tương thích, vận hành một cách hiệu quả. Có tiền thì xây trường cùng lắm chỉ khoảng 2 năm là xong, nhưng để có một bộ máy vận hành một cách hiệu quả thì có thể phải lâu hơn và phải đào tạo, bồi dưỡng”.
TUỆ NGUYỄN
TNO