28/12/2024

Tự chủ đại học và học phí – Kỳ 1: Tân sinh viên và nỗi lo học phí

Tự chủ đại học và học phí – Kỳ 1: Tân sinh viên và nỗi lo học phí

Học phí là nỗi đắn đo của không ít thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trong mùa tuyển sinh năm nay.

Tự chủ đại học và học phí - Kỳ 1: Tân sinh viên và nỗi lo học phí - Ảnh 1.

Học phí luôn là nỗi băn khoăn của nhiều thí sinh. Trong ảnh: Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học 2022 ở TP.HCM – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

LTS:  Tự chủ là xu thế tất yếu để đại học phát triển nhưng kèm theo đó là nỗi lo của thí sinh,phụ huynh khi học phí tăng lên. Làm thế nào để khi đại học tự chủ, học phí không đè nặng người học?

Báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Ông Lê Văn Khoa vừa cho con gái nhập học vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại. Học phí học kỳ I tạm đóng tại trường này khoảng 9 triệu đồng.

Gác lại giấc mơ đại học

Thắm – con gái ông Khoa – đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vì chị gái Thắm đang học năm 2 tại trường. Tuy nhiên sau khi cân nhắc tài chính cũng như khả năng trúng tuyển, Thắm quyết định chọn học cao đẳng.

Ông Khoa cho biết học phí đại học của con gái lớn năm rồi gần 30 triệu đồng/năm. Học kỳ đầu tiên chỉ 12 triệu đồng nhưng các học kỳ sau số lượng môn học nhiều hơn, số tiền phải đóng tăng đáng kể.

Nếu Thắm theo học đại học, mỗi năm vợ chồng ông phải lo học phí khoảng 60 triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí khác. Học phí của trường năm nay lại tăng khoảng 3 – 4 triệu đồng/năm. Vợ chồng ông Khoa làm công nhân cho một xưởng hạt giống. Hai đứa con khác của ông cũng đang học phổ thông.

Sau khi tham khảo ý kiến của con và xem xét khả năng tài chính gia đình, ông Khoa và con thống nhất học cao đẳng để giảm gánh nặng tài chính.

Không chỉ ông Khoa, học phí là nỗi lo của nhiều gia đình trong bối cảnh học phí khóa 2022 của các trường đều tăng so với năm học trước, nhất là các trường tự chủ tài chính.

 

Có trường tăng hơn 20 triệu đồng

Các ĐH tự chủ tài chính như Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Mở TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Bách khoa Hà Nội… học phí có tăng nhưng không nhiều.

Ở một số trường khác như ĐH Luật TP.HCM, học phí khóa tuyển năm 2022 dao động từ 31,25 đến 39 triệu đồng/năm. Như vậy so với khóa tuyển 2021, ngành có mức tăng cao nhất là 13,2 triệu đồng. Riêng hệ chất lượng cao, ngành quản trị luật có học phí tăng hơn 24,6 triệu đồng so với năm trước.

Nhiều trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế – luật sẽ chính thức áp dụng học phí trường tự chủ từ khóa tuyển sinh 2022. Do đó học phí các trường này cũng tăng so với năm trước. Học phí Trường ĐH Kinh tế và khoa Y dược thuộc ĐH Đà Nẵng cũng tăng so với năm trước.

Ở khu vực phía Bắc, theo thông báo của Trường ĐH Luật Hà Nội, từ năm học 2022 – 2023, học phí hệ đại trà là 572.000 đồng/tín chỉ, gấp đôi so với mức 280.000 đồng/tín chỉ của năm học trước. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến tăng học phí với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với 35 triệu đồng/năm của năm trước.

Nếu tính theo số học phí thực đóng, các trường khối sức khỏe có mức học phí tăng mạnh nhất. Trong đó, đáng chú ý là Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Học phí khóa tuyển 2022 của trường cao nhất 44,1 triệu đồng/năm, thấp nhất 29,4 triệu đồng/năm tùy ngành.

Như vậy so với khóa tuyển 2021, học phí các ngành y, dược và răng hàm mặt năm nay tăng gần 20 triệu đồng. Năm học tới, học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 – 13 triệu đồng/năm tùy ngành.

Trong khi đó học phí năm học tới của Trường ĐH Y dược TP.HCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước…

Tự chủ đại học và học phí - Kỳ 1: Tân sinh viên và nỗi lo học phí - Ảnh 2.

Thí sinh đặt câu hỏi với chuyên gia tư vấn tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Hà Nội – Ảnh: Chí Tuệ

Hỗ trợ người học

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 – 2023.

Đối với giáo dục đại học công lập, lùi khung học phí quy định tại nghị định 81 thêm một năm (năm nay các trường tự chủ tăng học phí theo nghị định 81). Năm học 2022 – 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 – 2022.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại nghị định 81).

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại nghị định 81).

Ông Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM – cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.

“Năm rồi trường không tăng học phí theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Nếu năm nay bộ tiếp tục có văn bản chỉ đạo không tăng học phí, trường cũng sẽ thực hiện. Tuy nhiên năm 2023, học phí sẽ được tính theo lộ trình tăng học phí năm 2023 chứ không phải lấy học phí năm 2022 (nếu giữ nguyên) cộng thêm 10%” – ông Hiển cho biết thêm.

Để hỗ trợ người học, ông Trần Nam – trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết trong năm học 2022 – 2023, sinh viên thuộc sáu ngành nhóm khoa học xã hội và nhân văn (triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin – thư viện, lưu trữ học) được ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí.

Học phí nhóm ngành ngôn ngữ như ngôn ngữ Ý, Tây Ban Nha và Nga cũng được hỗ trợ 35%. Ngoài ra còn có 45 suất học bổng toàn phần học phí năm thứ nhất.

Theo hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Trần Ái Cầm, trong năm học 2022, trường lên nhiều phương án nhằm lựa chọn những chính sách học bổng phù hợp để đồng hành, tiếp sức cho sinh viên. Khi trúng tuyển và nhập học, tất cả thí sinh đều nhận học bổng trị giá 12 triệu đồng.

Trường cũng giảm 20% học phí năm học đầu tiên cho nữ sinh học các ngành: kỹ thuật hệ thống công nghiệp, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ – điện tử, kỹ thuật xây dựng, thiết kế nội thất, kiến trúc; học bổng 6 triệu đồng cho sinh viên khi theo học ngành piano, thanh nhạc, kỹ thuật y sinh, vật lý y khoa, công nghệ sinh học.

Tương tự, Trường ĐH Văn Hiến thực hiện chính sách hỗ trợ 50% học phí học kỳ I, học kỳ II khoảng 15 triệu đồng cho sinh viên; tặng thêm 1,5 triệu đồng tương ứng năm môn kỹ năng mềm.

Ngoài ra, trường còn áp dụng chính sách hỗ trợ vay học phí lãi suất 0% dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc bảo lãnh vay ngân hàng tài trợ học phí đến 100% khi thí sinh trúng tuyển và nhập học vào trường theo quy chế của Bộ GD-ĐT…

 

Hàng chục tỉ đồng học bổng cho sinh viên

Nhiều trường đại học dành hàng chục tỉ đồng mỗi năm để cấp học bổng, hỗ trợ cho sinh viên như Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM…

 

Tọa đàm “Để học phí không đè nặng người học”

Làm sao để các trường đảm bảo tài chính trong khi học phí không đè nặng người học? Giải pháp nào để hạn chế bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học vì học phí? Làm sao để học sinh, sinh viên nghèo vẫn có thể tới trường?…

Tìm lời giải cho những câu hỏi này, ngày 18-8, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Để học phí không đè nặng người học”.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT, chuyên gia giáo dục, đại diện các trường đại học. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính từ trường dành cho sinh viên.

Còn tiếp

MINH GIẢNG
TTO