Trung thực trong giáo dục: Bắt đầu từ đâu?

Trung thực trong giáo dục: Bắt đầu từ đâu?

“Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử, kiểm tra, học thêm dạy thêm? Bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục…”.

 

 

Trung thực trong giáo dục: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

Áp lực thành tích, thi cử nên nhiều học sinh tìm đến những lớp học thêm ngoài giờ – Ảnh: ANH KHÔI

Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử, kiểm tra, học thêm dạy thêm? Bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong chuyện tuyển sinh đại học nhiều năm nay, đến nay đã nhẹ đi rất nhiều; tại sao mãi không được như các nước phát triển, phần lớn học sinh vào học tự do? Bởi bên đó họ rất trung thực, khách quan. Nếu học sinh vào ĐH học không được, sau đánh giá sẽ bị “loại”. Bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Đó là những chia sẻ thẳng thắn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12-8. Trung thực trong giáo dục hiện ra sao và bắt đầu từ đâu để ngăn chặn “căn bệnh” này?

– PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM):

Đừng để thi đua thành áp lực

Muốn có học thật, thi thật dứt khoát phải khắc phục triệt để bệnh thành tích, đổi mới hoạt động thi đua. Đừng để thi đua trở thành áp lực đối với nhà trường và giáo viên.

Ngay cả cách đánh giá học sinh cũng phải thay đổi. Muốn có học thật, thi thật thì cách đánh giá, cho điểm cũng phải thay đổi, phải thật.

Hãy làm trước hết với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong các kỳ thi này, giả sử như con số gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp hằng năm là thực – tức phản ánh chuyện học thực, thi thực – thì tại sao phải tổ chức kỳ thi với quy mô cả nước tốn kém như vậy?

Có người sẽ nói nếu không thi các em sẽ không học. Thật ra để giúp các em học có nhiều cách chứ không phải chỉ dùng áp lực của thi cử.

Thêm nữa, việc đánh giá sau mỗi năm học đã là cách phân loại nhằm kích thích học sinh học tập, phấn đấu. Theo tôi, bất công của kỳ thi tốt nghiệp THPT còn ở chỗ phủ nhận công sức 12 năm học tập của học sinh, chỉ coi trọng kết quả của kỳ thi cuối cấp.

Điều này trái ngược với mục tiêu của giáo dục phổ thông là bậc học không phải nhằm tuyển chọn người tài. Đây là bậc học cung cấp cho tất cả các em trong độ tuổi cùng một vốn kiến thức như nhau để từ đó bắt đầu bước vào đời hoặc học lên cao.

Vì vậy, không phải là không có lý khi nhiều nhà giáo dục và cả dư luận xã hội tán thành bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thay thế bằng một hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhẹ nhàng, đơn giản, ít tốn kém hơn.

Đó sẽ là cách chữa tận gốc những tiêu cực xung quanh chuyện thi cử liên quan đến cả học sinh và giáo viên. Đó cũng xóa bỏ một cách hiệu quả căn bệnh thành tích trong giáo dục. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là loại bớt một cơ hội cho bệnh thành tích, cho những hành vi gian dối, không trung thực trong giáo dục.

– Ông Cao Huy Thảo (nguyên hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc – SIC):

 

Xem lại bản chất của kiểm tra, đánh giá

Bất cứ một hoạt động dạy học nào, ở bất cứ đâu, đều sẽ có kiểm tra. Đã có dạy là có kiểm tra. Từ trường công hay quốc tế, từ Việt Nam đến các nước, không có chuyện dạy học mà không có kiểm tra.

Kiểm tra ở đây cần được hiểu đúng bản chất là đánh giá lại một quá trình học tập của các em, cái gì các em đạt được và cái gì chưa đạt được. Đó là bình thường.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận xã hội hiện nay rất nặng nề chuyện kiểm tra. Điều này xuất phát từ các cách tổ chức. Hệ thống giáo dục thường chạy theo những câu chuyện thi đua, chỉ tiêu.

Khi thấy mọi người đua theo chỉ tiêu, chính phụ huynh cũng sẽ đặt nặng chuyện kiểm tra, gây thêm những áp lực và thường không muốn con mình điểm thấp. Cũng chính lúc ấy, người ta bắt đầu tiêu cực.

Một điểm nữa là cách ra đề kiểm tra của giáo viên hiện nay. Dường như giáo viên ra đề không theo một chuẩn kiến thức chung mà ra đề theo trình độ học sinh của lớp.

Nghĩa là nếu lớp ấy đa số học sinh trung bình, đề kiểm tra sẽ ở mức trung bình, lớp giỏi sẽ được cho đề khó hơn.

Điều này dẫn tới tình trạng không phản ánh được trình độ giỏi dở thực chất của một học sinh, làm cho một lớp có thể có quá nhiều học sinh giỏi hơn thực tế và điểm học bạ của các em có thể cao “chót vót”, chênh lệch với thực lực.

Vì vậy chỉ khi nào phụ huynh, xã hội không còn áp lực bởi chỉ tiêu, không còn áp lực học lực giỏi để tham dự kỳ kiểm tra đúng nghĩa; khi mà người thầy ra đề theo một chuẩn chung thay vì theo trình độ của học sinh, chúng ta mới biết được chất lượng giáo dục đang ở đâu.

Trung thực trong giáo dục: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 3.

Sau giờ học thêm tại một trung tâm ngoài giờ tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

– Cô Lâm Thị Hồng Thái (giáo viên Trường THPT Xuân Lộc, Đồng Nai):

Thay đổi góc nhìn của xã hội về thành tích

Vấn đề trung thực trong giáo dục vẫn luôn là điều vướng phải nhiều tranh luận, nhất là trong một xã hội “trọng thành tích” thì trung thực càng khó đảm bảo.

Việc kiểm tra đánh giá trong nhà trường vốn được sinh ra với mục đích kiểm tra chất lượng giáo dục; đánh giá lượng kiến thức và kỹ năng học sinh đã tiếp thu và việc truyền tải kiến thức của giáo viên. Kết quả được dùng để thay đổi, cải thiện phương pháp dạy và học.

Tuy nhiên, kết quả của thi cử hiện lại trở thành một công cụ để cạnh tranh. Sự cạnh tranh này không chỉ giữa học sinh với nhau mà còn là giữa giáo viên với nhau hay rộng hơn là giữa các trường. Vô tình, điều này dẫn đến áp lực trong học tập, từ đó xảy ra vấn đề tiêu cực là gian lận trong thi cử.

Để khắc phục vấn đề này, tôi cho rằng trước hết vẫn là từ lương tâm của mỗi cá nhân. Không gian lận, càng không dung túng cho hành vi gian lận mới có thể từng bước khắc phục. Từ đó, thay đổi dần góc nhìn của xã hội về vấn đề thành tích trong giáo dục như giảm đặt nặng kết quả, thay vào đó là nhìn vào quá trình học tập.

Lượng kiến thức mà một học sinh tiếp thu được bao giờ cũng hơn những con điểm vô tri trên bảng điểm của học sinh đó.

– TS Nguyễn Huy Phúc (trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM):

Thay đổi để thực chất hơn

Với nhiều môn được dạy tại trường đại học, sinh viên chỉ cần tham dự một hoặc hai kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ là hoàn thành môn học ấy. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều em đợi đến gần ngày thi mới bắt đầu học. Bên cạnh đó, nhiều giảng viên dạy theo kiểu không có một chuẩn chung, lên lớp muốn dạy gì thì dạy.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã nhận ra điều này và chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy bằng cách “siết” chặt lại đầu ra. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra những yêu cầu ở những lao động mới ra trường.

Từ đó, trường đại học sẽ xây dựng lại nội dung và phương pháp giảng dạy, từ cấp trường đến khoa, bộ môn rồi giáo viên sao cho việc giảng dạy đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Đó là một trong nhiều yếu tố giúp thay đổi chất lượng đào tạo ở các trường đại học trở nên thực chất hơn.

– Bà Trần Thị Thương Thương (phụ huynh học sinh):

Tôi luôn mong con mình thoải mái phát triển

Là phụ huynh của một học sinh THCS, tôi không muốn đặt nặng thành tích lên con mình. Tôi luôn mong con mình có thể thoải mái phát triển thế mạnh bản thân, dám đứng lên trình bày những ý kiến về các vấn đề xung quanh cuộc sống, học những gì con thích.

Tuy nhiên, trong thực tế, thành tích lại là một yếu tố quan trọng để đánh giá một cá nhân. Một cá nhân có thành tích cao sẽ có nhiều lựa chọn cũng như cơ hội. Cụ thể, cơ hội tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, cuộc thi hùng biện trong nhà trường phần lớn được trao cho những em có thành tích cao.

Không những vậy, thành tích cao còn mở ra cho các em cơ hội học tập tại các trường chuyên, trường đại học trọng điểm. Chính vì lẽ đó mà dù không muốn đặt nặng thành tích, tôi vẫn không thể không quan tâm đến nó.

Tôi nghĩ rằng vấn đề thành tích không thể khắc phục trong một sớm một chiều bởi đây là một vấn đề đã ăn sâu vào trong xã hội. Cá nhân tôi chỉ có thể giảm bớt áp lực cho con mình bằng việc sát cánh, cổ vũ con làm những điều mà con yêu thích, cũng không quên nhắc nhở con hoàn thành việc học tại lớp, tại trường.

TRỌNG NHÂN – PHƯƠNG ANH ghi
TTO