22/01/2025

Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Ép trẻ viết tay phải nên không?

Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Ép trẻ viết tay phải nên không?

Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, nhiều cha mẹ âu lo khi con của mình viết thuận tay trái, chuyển qua tay phải thì chữ xấu hoặc không viết được. Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Có nên ép trẻ viết tay phải?

 

 

 

Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Ép trẻ viết tay phải nên không? - ảnh 1
Một số trẻ em quen viết tay trái  THÚY HẰNG

Phụ huynh Nguyễn Thu Hồng, trú P.4, Q.8, TP.HCM chia sẻ con của chị 5 tuổi, đang bắt đầu học đồ (tô) chữ, số và tập viết những nét thẳng, xiên, ngang để chuẩn bị cho học chữ. Tuy nhiên con chỉ viết tay trái. Con vẽ tranh, chơi đất nặn, cầm muỗng ăn cơm cũng bằng tay trái.

“Tôi tập cho cháu tay phải mà thấy không ăn thua. Tôi biết không có quy định học sinh phải viết tay phải nhưng sợ con của mình khi đi học bị cho là khác người, sợ có cô giáo vẫn bắt chuyển qua tay phải thì con không tự tin để học tốt. Tôi nên làm sao đây?”, chị Hồng băn khoăn.

Kể với phóng viên Báo Thanh Niên, bạn Phan Thùy Linh, sinh viên năm 2 khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, gia sư tại eTeacher cho biết ít gặp trẻ viết bằng tay trái nhưng cũng không phải không có. Học trò của Thùy Linh là một cặp song sinh đều viết tay trái và cả 2 em ấy đều học và viết rất tốt, không có trở ngại gì.

 

Ép trẻ viết tay phải, nên không?

Cô Phan Thị Mỹ Huệ, giáo viên ngữ văn Trường tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM, giáo viên luyện chữ đẹp cho các em học sinh, chia sẻ trong thực tế cô cũng gặp một số học sinh ở các cấp học viết tay trái và các em viết chữ rất đẹp, các em là những bạn rất thông minh, học hành tốt, năng động.

Việc thành công của một đứa trẻ không quan trọng là trẻ viết tay trái hay tay phải. Nó cũng không ảnh hưởng tới trí tuệ của đứa trẻ. Bây giờ chúng thuận tay phải, nhưng bắt ép chúng ta viết tay trái thì chúng ta có làm được không?

Cô giáo Phan Thị Mỹ Huệ

“Không nên ép học sinh bắt buộc phải viết tay phải. Nếu học sinh thuận tay trái, thầy cô nên bố trí chỗ ngồi cho con ở vị trí phù hợp, để không đụng vào bạn bên cạnh chẳng hạn”, cô Huệ nói.

Theo cô Huệ: “Cha mẹ nên quan sát, đồng hành cùng con. Nếu thấy con mình đang thuận tay trái, viết chữ tay trái, cha mẹ có thể hướng dẫn con dùng tay phải và đồng hành, kiên nhẫn tập thử cùng con từ 1-3 tháng xem sao. Nếu sau thời gian đó, vẫn thấy con viết khó khăn, tâm lý lo lắng khi viết tay phải thì nên để con viết tay trái, bởi ép buộc đứa trẻ bắt buộc phải viết bằng tay mà các bé không thuận sẽ khiến các con sợ hãi, không tự tin”.

“Việc thành công của một đứa trẻ không quan trọng là trẻ viết tay trái hay tay phải. Nó cũng không ảnh hưởng tới trí tuệ của đứa trẻ. Bây giờ chúng thuận tay phải, nhưng bắt ép chúng ta viết tay trái thì chúng ta có làm được không?”, cô Huệ nêu quan điểm.

Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Ép trẻ viết tay phải nên không? - ảnh 2
Nhiều trẻ tự tin khi được viết, vẽ bằng tay trái – tay thuận của mình  THÚY HẰNG

Góc nhìn y khoa về việc trẻ viết tay trái thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay theo thống kê, cứ 10 trẻ được sinh ra thì đã có đến 9 trẻ thuận tay phải. Tuy nhiên, trẻ thuận tay trái cũng là một hiện tượng rất bình thường.

Song một số cha mẹ lo sợ khi con em mình cầm viết (bút) bằng tay trái và tỏ ra rất hoang mang không biết phải sửa cho con như thế nào, thấy trẻ khác biệt với những đứa trẻ khác, không biết con mình có mắc bệnh lý gì không…

Cha mẹ cần bình tĩnh nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn về sự khác biệt của con mình.

“Về y học, việc thuận tay nào được quyết định bởi thiên hướng hoạt động của bộ não. Bán cầu não phải chi phối cho các hoạt động ưu thế bên trái, bán cầu não trái chi phối cho hoạt động ưu thế bên phải. Đa số con người sử dụng bán cầu não trái nhiều hơn. Do hệ thần kinh vắt chéo nên bán cầu não trái đảm nhiệm hoạt động tay phải và chân phải. Vì vậy, đa phần mọi người đều nghĩ rằng, thuận tay phải mới là hiển nhiên, còn những ai thuận tay trái thì sẽ là khác người, không bình thường và sẽ có sự kỳ thị hoặc đánh giá không cao trong công việc. Hầu hết các bậc cha mẹ đều ép buộc cho con em mình viết tay phải thay vì tay trái. Điều này không nên”, bác sĩ Đạt nói.

Theo bác sĩ Đạt, trẻ thuận tay trái phải học mọi thứ theo một cách khác từ khi còn nhỏ. Điều này khiến cho bộ não của trẻ luôn phải ở trong trạng thái tốt nhất để xử lý nhiều việc một cách nhanh chóng. Lâu dần, bộ não của trẻ có thể có khả năng xử lý nhiều thứ cùng một lúc nên nhiều người hiểu rằng người thuận tay trái có thể thông minh hơn người thuận tay phải là do yếu tố này.

Trẻ viết tay trái có ‘khác người’? Ép trẻ viết tay phải nên không? - ảnh 3
Không nên ép buộc trẻ chuyển đột ngột từ viết tay trái sang tay phải SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, bác sĩ Đạt cho hay thuận tay trái cũng có một số điểm bất lợi vì hầu hết các thứ đồ vật đều được thiết kế thuận cho người dùng tay phải nên với người thuận tay trái sẽ gặp khó khăn hơn. Nếu thuận tay trái khi chúng ta viết theo chiều từ trái sang phải sẽ khó viết, dễ bị lem mực…

“Tuy nhiên các nhà khoa học khuyên rằng: Nếu ép trẻ đổi sang tay phải, cha mẹ vô tình tác động và cố ý thay đổi hoạt động bán cầu não phải của trẻ. Điều này gây áp lực, lúng túng do phải thay đổi thói quen, trẻ nghĩ mình đang phạm phải sai lầm về lâu dài còn có thể gây mặc cảm, rối loạn tính tình”, bác sĩ Đạt nói.

Bác sĩ Đạt chỉ ra việc ép buộc trẻ đổi sang viết tay phải có nhiều tác hại. Cha mẹ không nên ép buộc, đầu tiên cần từ từ tập để cho trẻ thay đổi và không thể ngày một, ngày hai là yêu cầu trẻ thay đổi được.

Cha mẹ có thể giúp bé thoải mái hơn nếu biết cách thay đổi mọi thứ cho phù hợp với trẻ. Nếu phát hiện trẻ viết tay trái hay thuận bên trái, cha mẹ có thể mua hoặc thiết kế những đồ dùng dành cho người thuận tay trái, để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn với môi trường sống.

“Cha mẹ cần nhớ rằng việc trẻ viết tay nào không quan trọng, hãy để con trẻ tự nhiên phát triển và cha mẹ phải theo dõi để điều chỉnh từ từ các hành động của con em mình phù hợp với sự phát triển của người thuận tay trái và viết tay trái. Tránh để tình trạng các trẻ khi viết tay trái làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như mắt, lưng gây một số tật mà trẻ thường mắc phải trong học đường như gù lưng, vẹo cổ, cận thị”, bác sĩ Đặng Văn Đạt nhấn mạnh.

 

Dạy viết cho trẻ thuận tay trái thế nào?

“Trong trường hợp trẻ thuận tay trái thì tôi nghĩ người nhà nên cho bé tập viết sớm hơn các bé thuận tay phải, tầm 3 – 4 tuổi, để bé tập làm quen bằng cách vẽ và chơi với tay trái của mình trước, sau đó cho bé tập viết”, gia sư tiểu học Thùy Linh cho biết.

Theo Thùy Linh, lúc này thì tập cho bé tư thế ngồi đúng rất quan trọng vì thuận tay trái khi ngồi viết rất dễ tạo ra tư thế sai, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

“Tập cho trẻ ngồi thẳng lưng, để tập nghiêng về bên trái theo kim đồng hồ 1 góc 30. Sau đó cho bé tập cầm bút với 3 ngón tay, ba mẹ cũng có thể dùng cục 3 cạnh để cho bé dễ viết. Ngoài ra, chúng ta cũng nên khen thưởng và khích lệ trẻ để trẻ thuận tay trái không tự ti về tư thế ngồi hay cách viết lạ của mình”, Thùy Linh chia sẻ.

THUÝ HẰNG

TNO