29/12/2024

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng mồ lên phố

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng mồ lên phố

Ngay ở TP.Pleiku (Gia Lai), có một nhà rông của một làng, trước thì ở rìa đô thị, nay nó gần như trung tâm, người ta cũng bày khá nhiều tượng gỗ, có tượng mồ ở đấy. Và bên cạnh là nhà hàng của một nghệ nhân người Jrai nhưng do con rể người Kinh quản lý, cũng bày rất nhiều tượng gỗ, cũng có tượng nhà mồ.

 

 

 

Mới đây, một cô giáo dạy cao đẳng chụp mấy tấm ảnh ở một làng khá sâu và xa của Gia Lai rồi gửi cho tôi với lời nhắn: Tượng mồ người ta có mang để ở nhà rông chú ạ. Chả là trước đấy tôi có vài bài báo phản bác việc mang nhà mồ lên nhà rông để trưng bày. Theo tôi biết người Tây nguyên không làm thế, mà đây là “sáng kiến” làm văn hóa và du lịch đời mới.

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng mồ lên phố - ảnh 1
Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng mồ lên phố - ảnh 2
Tượng gỗ trong nhà rông có chim, thú, rau dớn, nồi… NGUYỄN LINH VINH QUỐC

Nhưng khi xem mấy cái ảnh thì tôi hoang mang. Nhẽ nào những gì tôi biết lâu nay là không đúng, khi tang chứng vật chứng rành rành là có tượng mồ dựng quanh nhà rông.

Vân vi hỏi đi hỏi lại thì ra là làng này chuẩn bị làm du lịch, nhà rông sẽ là nơi đón khách du lịch, nên những gì họ coi là văn hóa bản địa, là bản sắc, là truyền thống, họ mang lên nhà rông bày.

Và đến cả cô giáo kia cũng tưởng là nó vốn thế.

Biết làm sao, khi ngay ở TP.Pleiku, có một cái nhà rông của một làng, trước thì ở rìa đô thị, nay nó gần như trung tâm, người ta cũng bày khá nhiều tượng gỗ, có tượng mồ ở đấy. Và bên cạnh là nhà hàng của một nghệ nhân người Jrai nhưng do con rể người Kinh quản lý, cũng bày rất nhiều tượng gỗ, cũng có tượng nhà mồ.

Người Tây nguyên phân biệt rất rõ, nhà rông cũng có tượng gỗ, đa phần người ta đặt nó ở giữa nhà rông, chỗ cột ghè rượu ấy, và chỉ tượng chim, thú và vui nhộn, chứ không có tượng mồ. Tượng mồ dứt khoát chỉ có ở ngoài khu nhà mồ. Thì đến những thứ liên quan việc đẽo tượng mồ người ta còn không cho mang vào hoặc qua làng nữa là, như bài trước chúng tôi đã nhắc.

Lại nhớ ở cái làng thuộc xã Ia Mơ Nông, H.Chư Păh (Gia Lai), bà con cũng đang định làm du lịch bằng… nhà mồ, nhưng rất văn minh và hợp lý.

Nói gì thì nói, tượng mồ và khu nhà mồ từ lâu nó trở thành nơi hội tụ văn hóa Tây nguyên, nó giữ được cái hồn cái cốt, cái lạ cái hấp dẫn, cả cái đẹp cái văn minh (theo từng góc nhìn) nên hầu như đã đến làng Tây nguyên người ta đều muốn đến xem nhà mồ (cùng với nhà rông, giọt nước…).

Bà con ở cái làng tôi vừa kể ấy, bàn nhau bên cạnh khu nhà mồ cũ của làng sẽ được chăm sóc vệ sinh sạch sẽ, giữ đúng truyền thống, sẽ có một khu nữa “tương tự nhà mồ”, cách nhà mồ truyền thống vài trăm mét, để khách có thể check-in, uống cà phê, giải khát, ngắm cảnh, thậm chí có thể dùng rượu cần, cơm nướng ống lồ ô (mà giờ người ta hay gọi bằng tên của bà con dân tộc thiểu số phía bắc hay gọi là cơm lam, chứ người Tây nguyên có tên gọi khác, ví dụ người Jrai gọi là “Asơi Brông” chứ không phải “lam lủng” gì cả)… Thì ngay người Kinh, từ chỗ nghĩa địa là cái chỗ chả ai dám đến nếu không đi đông người và vào ban ngày, thì giờ người ta làm các công viên vĩnh hằng. Công viên là chỗ mọi người có thể tới đấy vui chơi ngắm cảnh các kiểu. Và từ hồi chưa có công viên vĩnh hằng thì ở Tiền Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Duy Anh đã chụp hàng ngàn đám cưới ở nghĩa trang, và bộ nào bộ nấy đẹp lồng lộng.

Cũng từng có một cuộc tranh luận về việc ở cái khu du lịch nọ có một vườn tượng Tây nguyên, và bảo đấy là bản sắc, văn hóa truyền thống. Thực ra, tượng thì đúng là bản sắc là truyền thống, nhưng cả vườn tượng thì không. Như đã trình bày ở các số trước, tượng Tây nguyên mang yếu tố tâm linh chứ không phải là thứ để giải trí. Nhưng cũng chả ai làm gì được nếu người ta cứ muốn làm một vườn tượng, như những tượng bằng đá ở Tòa giám mục Kon Tum chẳng hạn, nhưng đấy lại là việc khác rồi. Tôi lại rất thích những bức tượng đá theo phong cách tượng mồ như khuôn mặt các cha cố ở đấy. Nó rất đẹp và sang. Nó cũng chứng minh, khả năng vận dụng và sáng tạo của con người là vô tận.

Các tỉnh Tây nguyên giờ đều chú trọng tới du lịch, có tỉnh xác định du lịch là mũi nhọn, là cách, nơi, kiếm tiền cho dân và cho tỉnh từ nền văn hóa bản địa. Nên chắc chắn tượng mồ nói riêng và hệ thống các loại tượng gỗ do các nghệ nhân dân gian làm ra sẽ rất được chú trọng và quan tâm để phục vụ du lịch. Vấn đề là quan tâm và khai thác thế nào để nó vẫn là nó, hoặc có “biến đổi công năng” thì cũng không quá kệch cỡm và phi lý. Nhớ có thời, ngay trung tâm TP.Pleiku có mấy cái nhà rông, tốn tiền phết. Một thời gian nó tự biến mất. Bởi nó kệch cỡm và chả ăn nhập gì với văn hóa phố cả? Tất nhiên, có thể một lúc nào đó, nó lại xuất hiện trở lại, ở một diện mạo khác, hợp lý và hợp tình hơn. Thì như cái cách các nhà thờ ở Tây nguyên ấy, nó vẫn là nhà thờ, rất Tây phương, nhưng vẫn phảng phất Tây nguyên, phảng phất nhà rông, và quan trọng là nó không thô. Cái mái nhà rông truyền thống ấy, đã từng hiện diện ở nhiều công trình kiến trúc mới ở Pleiku và một số tỉnh Tây nguyên, để cho có bản sắc, nhưng có vẻ nó cứ cô độc và khập khiễng thế nào ấy… (còn tiếp)

VĂN CÔNG HÙNG

TNO