24/11/2024

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng nhà mồ hiện đại

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng nhà mồ hiện đại

Như đã nói, tượng mồ chủ yếu bà con tạc/đẽo những gì thân quen với cuộc sống của họ, với người chết. Hình ảnh thường gặp là người đàn bà ôm mặt, đàn bà chửa, đàn ông đánh trống, các bộ phận sinh dục, thảng hoặc là tư thế làm tình, chim, khỉ… trong tâm thế buồn, rất buồn…

 

 

 

Nhưng một số vùng, bà con đẽo cả lính Mỹ, lính VNCH, sau này là bộ đội, công an, xe tăng, máy bay… thành tượng. Có thể là những nhân vật, những thứ ấy đã xâm nhập vào buôn làng, hoặc họ thấy trên phim ảnh.

Tôi đã hỏi một vài người Jrai, tại sao lại có những tượng như thế, họ cười bảo, thì họ đi để… hầu người chết mà. Cũng có thể họ nói đúng, nhưng cũng có thể là cái cách “thích thì… giải” với cái gã Kinh hay tọc mạch là tôi.

Nhưng chợt nhớ tới những ông hoàng bà chúa xưa, khi chết chôn theo gia nhân, đặc biệt những quân vương, có rất nhiều tì nữ bị chôn theo. Sau thay bằng người thật, họ chôn theo hình nhân đất nung (cũng còn giả thiết tượng đất nung chôn theo Tần Thủy Hoàng là người thật được bọc đất rồi nung). Rất nhiều chuyện dân gian kể các ông nhà giàu người Tàu thường chôn các trinh nữ làm người giữ các hầm vàng.

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng nhà mồ hiện đại - ảnh 1
Hình máy bay trên cột Gong ga nhà mồ  NGUYỄN LINH VINH QUỐC

Lại nhớ tục tế trâu (một số người Kinh, kể cả một số lãnh đạo hay gọi là đâm trâu, thậm chí họ còn tổ chức cả những “lễ hội đâm trâu” hoành tráng trước hàng ngàn người) của người Tây nguyên hiện nay, có người lý giải là nó cũng bắt nguồn từ… người. Những tù binh chiến tranh chẳng hạn (người Giẻ Triêng vùng Kon Tum xưa có tục săn đầu người rất đẫm máu), được mang tế thần linh, tế Yang (Giàng). Sau, người khan hiếm, và thay vì tế thì họ nuôi như người hầu kẻ hạ trong làng, thậm chí cho gái làng bắt làm chồng, dùng trâu thay, và những con trâu thay người để tế Yang từ đấy. Và đấy là những con trâu mà dân làng phải mang ơn, nên trước khi giết bằng cách dùng cây le đâm vào nách thì họ có cái lễ khóc trâu rất xúc động.

Thế thì tượng mồ, những gì thân thuộc với họ lâu nay được họ làm thành tượng để gửi theo người chết, giờ có thêm lính Mỹ, lính VNCH và bộ đội, máy bay, xe tăng… cũng chả có gì khó hiểu?

Vả nữa, cũng có thể là nó mới du nhập vào sau này, khi người Kinh lên Tây nguyên và ở lẫn với người bản địa, họ mang theo phong tục đốt vàng mã cho người chết. Trong gói vàng mã ấy, ngoài quần áo mũ mão như truyền thống, giờ có cả ô tô, xe máy, tủ lạnh và… ô sin.

Vấn đề là những loại tượng mới ấy hết sức xa lạ với xung quanh, và xấu hơn tượng truyền thống rất nhiều.

Tượng rất vô hồn vô cảm, kiểu như làm cho có. Méo mó xộc xệch và gượng ép, chứ không đầy cảm xúc đến run rẩy, đến vô ngôn như tượng truyền thống. Nó cũng giống như một số loại tượng mới đây được… đặt cho một số nghệ nhân làm hàng loạt rồi mang lên phố bày, chúng tôi sẽ kể ở bài sau. Về màu sắc, tượng truyền thống hầu như không sơn phết gì, sau này bà con có dùng sơn ở một vài chỗ để nhấn mạnh.

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: Tượng nhà mồ hiện đại - ảnh 2
Tượng mới

Và bà con Tây nguyên chỉ dùng các màu nguyên trong tự nhiên. Tới loại tượng mới này thì rất nhiều màu phối được dùng, cho giống màu thật và vì thế mà nó nhợt nhạt. Như đã nói, đặc trưng lớn nhất của tượng mồ là tính khái quát rất cao, tức nó không chi tiết, cụ thể. Nó là những mảng, những khối, đầy tính ước lệ và biểu tượng; như nghệ thuật gián cách trong sân khấu chèo tuồng truyền thống VN vậy. Mảnh chiếu ấy, là cung đình, là góc làng, là sông là biển, là nông dân, là ông hoàng bà chúa… Một cú xoay người là thời gian biến đổi, là vật đổi sao dời. Là khoảnh khắc, là thiên thu… Nhìn tượng mồ truyền thống ta cũng thấy những thiên thu, những khoảnh khắc, những kiếp người, thấy vừa được an ủi vừa được thương hại, thấy cách biệt âm dương nhưng lại như gắn kết hòa nhập, thấy những giấc mơ phía sau sự chấm hết…

Nhưng dù gì, những tượng mồ hiện đại tôi vừa kể, cũng đã xuất hiện và tồn tại, dẫu không nhiều, dẫu cá biệt, nhưng là hiện tượng. Nó chứng tỏ những nghệ nhân Tây nguyên rất tài hoa, không gì là không thể với họ. Và nó chứng tỏ, sự du nhập văn hóa mạnh mẽ tới thế nào. Cũng chứng tỏ, văn hóa Tây nguyên tưởng rất vững bền, bảo thủ, nhưng té ra cũng rất mong manh, dễ vỡ. Và để thấy, việc gọi là bảo tồn khó như thế nào. Bảo tồn không khéo sẽ trở thành cản trở sự phát triển, đi ngược lại quy luật sống. Nhưng không bảo tồn rồi thì sẽ ra sao? Ở đây để thấy vai trò rất lớn của cán bộ văn hóa. Qua rồi cái thời ai cũng làm cán bộ văn hóa được, bởi quan niệm văn hóa là cờ đèn kèn trống, là bưn bê kê dọn, là cờ hoa sặc sỡ phố phường.

Té ra, văn hóa sâu hơn nhiều, bao trùm hơn nhiều, kỹ lưỡng khó khăn hơn nhiều. Nó là toàn bộ đời sống của con người, trong đó, có cái chết, sự chết…

Và không chỉ cán bộ văn hóa làm văn hóa. (còn tiếp)

VĂN CÔNG HÙNG

TNO