Gần 40% số trường có bếp và căng tin chưa đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Gần 40% số trường có bếp và căng tin chưa đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm khiến có năm xảy ra 90 vụ ngộ độc với 2.254 người bị ngộ độc.

 

 

Đó là số liệu trong tài liệu hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học do Bộ GD-ĐT vừa ban hành ngày 10.8.

 

Bữa ăn học đường còn chưa đảm bảo

Tài liệu này dành cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học và nhân viên phụ trách bữa ăn học đường, được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Tài liệu cũng nhận được các ý kiến góp ý của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổ chức Y tế Thế giới.

Gần 40% số trường có bếp và căng tin chưa đảm vệ sinh an toàn thực phẩm - ảnh 1
Một bữa ăn đúng tiêu chuẩn tại một trường mầm non ở TP.HCM  Đ.N.T

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đối với cấp học mầm non trong năm học 2019-2020 mới chỉ có 26.392 bếp ăn/55.335 cơ sở chiếm 47,7% (gồm 15.461 trường, 23.960 điểm trường và 15.914 nhóm lớp độc lập). Đối với cấp tiểu học mới chỉ khoảng 5.000/15.000 trường tiểu học tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó có hơn 3.300 trường học có bếp ăn, hơn 700 trường dùng suất ăn công nghiệp.

Hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2020, cả nước có 90 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.254 người bị ngộ độc.

Các chuyên gia nhìn nhận công tác tổ chức bữa ăn học đường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bữa ăn học đường còn chưa đáp ứng, đặc biệt các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của bữa ăn học đường với dinh dưỡng hợp lý của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và học sinh chưa đầy đủ. Nhân lực triển khai tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm tại trường học còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi hoặc béo phì tăng nhanh

Các chuyên gia biên soạn tài liệu cho rằng hiện nay, trẻ em, học sinh ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi tiền tiểu học và tiểu học ở cả vùng nông thôn và thành thị. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị.

Gần 40% số trường có bếp và căng tin chưa đảm vệ sinh an toàn thực phẩm - ảnh 2
 Hoạt động thể lực cho học sinh kết hợp với dinh dưỡng học đường rất quan trọng   N.D

Chính vì thế, tài liệu đã cung cấp đầy đủ các các nội dung cần thiết việc tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực thể lực cho trẻ em, trong đó có quy định, yêu cầu cụ thể về nhà bếp, kho bếp, nhà ăn, nơi chế biến thức ăn, khu vực trưng bày bảo quản thức ăn, người làm việc tại bếp, căng tin…

Đồng thời tài liệu đưa ra các loại hình hoạt động thể lực để trẻ em, học sinh nâng cao sức khỏe gồm vận động kết hợp thở (aerobic) như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp, chạy bộ, rượt đuổi, đá bóng, bơi, tennis…; làm mạnh khối cơ như các loại hình vận động như tập thể hình như hít đất, kéo co…; làm mạnh khối xương như chạy, nhảy, nhảy lò cò, bóng rổ, bóng chuyền, yoga…

“Bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh.

Bên cạnh đó các em được kết hợp vui chơi, vận động phù hợp với nhu cầu sở thích và lứa tuổi sẽ tạo môi trường gắn kết, giúp các em phát triển hài hòa thể chất, tinh thần”, các chuyên gia chia sẻ trong tài liệu.

MỸ QUYÊN

TNO