28/12/2024

Tăng viện phí nhưng không cào bằng

Tăng viện phí nhưng không cào bằng

 Với viện phí chưa được tính đúng tính đủ, các bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền lương, duy trì hoạt động bệnh viện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc tăng viện phí cũng không nên cào bằng ở tất cả bệnh viện.

Tăng viện phí nhưng không cào bằng - Ảnh 1.

Hiện viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn nên nhiều bệnh viện đề xuất điều chỉnh giá – Ảnh: DUYÊN PHAN

Để đảm bảo việc chi trả của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) khi viện phí tăng, theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ phải tăng mức đóng BHYT. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, chi phí của doanh nghiệp mà cả người lao động vì phải tăng mức đóng BHYT. Do đó, việc cân nhắc mức tăng viện phí cho phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh cũng cần được cân nhắc kỹ.

 

Viện phí phải phù hợp thực tiễn 

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-8, ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) – cho biết theo nguyên tắc, bệnh viện phải được tính đúng và đủ viện phí các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều yếu tố chưa được tính đủ nên bệnh viện có gặp khó khăn, điển hình nhất là nguồn thu.

Đơn cử, một ca mổ có rất nhiều đầu mục viện phí như trang thiết bị, dụng cụ vật tư tiêu hao, chi phí khấu trừ máy móc, điện nước, cơ sở vật chất, công tác chống nhiễm khuẩn, tiền công cho bác sĩ, nhân viên y tế… Tuy nhiên, tổng chi phí thu viện phí lại thấp, không đủ bù đắp tất cả các khoản nêu trên.

Nếu sau mổ, bệnh nhân vẫn còn phụ thuộc máy thở, bệnh viện phải tính chi phí thở máy, những hỗ trợ đi kèm như truyền máu, chế phẩm máu… “Những chi phí hỗ trợ thêm bệnh viện không tính vào viện phí do danh mục kỹ thuật chỉ cho nhiêu đó. Chẳng hạn bệnh viện phải tự đăng ký túi máu và làm thêm nhiều việc khác. Chưa kể trang thiết bị đắt tiền thì không bù đắp hết được”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, nếu bệnh viện không được tính đúng và đủ viện phí các dịch vụ y tế, nguồn thu sẽ thấp và thu nhập của nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Không có chính sách đãi ngộ tốt sẽ xảy ra tình trạng bác sĩ giỏi ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư… Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, theo ông Tiến, không nên tăng viện phí vì sẽ ảnh hưởng đến người bệnh.

Thay vào đó, cơ quan bảo hiểm xã hội, các đơn vị liên quan và các nhà chuyên môn cần xây dựng, thống nhất cơ cấu giá viện phí được tính đủ và đủ. “Mỗi năm hay ba năm một lần, các đơn vị liên quan cần họp bàn lại để thống nhất điều chỉnh cơ cấu giá phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với giá vật tư hiện hành”, ông Tiến kiến nghị.

Ông Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) – cho hay bệnh viện này cũng gặp khó khăn trong vấn đề thu viện phí do chưa được tính đủ. Theo ông Dũng, đang có sự chênh lệch lớn về giá thu viện phí giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập, trong khi chất lượng chuyên môn giữa hai bên tương đồng nhau.

Do mức thu viện phí tại bệnh viện công còn thấp đã dẫn đến nhiều khó khăn về nguồn thu nên phải cắt giảm nhiều chi phí. Tuy nhiên, bệnh viện đã cố gắng cân đối nhiều mặt, chi trả đủ tiền lương cho nhân viên y tế để họ an tâm làm việc, tránh trường hợp “chảy máu chất xám”.

Theo lãnh đạo một bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM, đây là khó khăn chung của các bệnh viện. Được biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch điều chỉnh giá viện phí nhưng do ảnh hưởng hai năm đại dịch COVID-19 nên chưa tiến đến lộ trình tính đúng, tính đủ cho bệnh viện công.

Tăng viện phí nhưng không cào bằng - Ảnh 2.

Người dân đăng ký khám bệnh có BHYT tại Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nên tính đúng tính đủ viện phí

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng kiến nghị cần tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành dịch vụ khám chữa bệnh. Theo vị này, giá khám bệnh là 37.800 đồng/lượt đã được duy trì nhiều năm nay. Trong khi đó, mọi vật giá đều đã thay đổi, leo thang. “Chưa nói đến việc tăng viện phí mà chỉ cần tính đúng, tính đủ để các bệnh viện có kinh phí tái đầu tư máy móc” – vị này nói.

Tại hội thảo xung quanh Luật khám chữa bệnh sửa đổi vừa được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ở Hà Nội, một chuyên gia nêu thực trạng bệnh viện quá tải trong khi số lượng y bác sĩ có hạn, bệnh nhân rất ít được “nhìn, sờ, gõ, nghe” (khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh). Việc khám bệnh chủ yếu dựa vào thiết bị cận lâm sàng và đã có những nhầm lẫn xảy ra.

Chính vì thế, tính đúng tính đủ viện phí để nâng chất lượng dịch vụ y tế đang là vấn đề cấp bách. Một chuyên gia có kinh nghiệm về BHYT cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ việc tính đúng tính đủ viện phí, vừa để đảm bảo đời sống của những người làm trong cơ sở y tế, nâng chất lượng dịch vụ. Nhưng tính đúng tính đủ viện phí bao nhiêu cần phải tính toán kỹ.

Trong thực tế, viện phí chưa được tính đúng tính đủ, mà chỉ mới tính chi phí lương của những người làm việc trực tiếp như đội ngũ y bác sĩ. Do vậy, trong viện phí mới cần tính chi phí lương của những người làm việc trực tiếp như đội ngũ y bác sĩ và cả người làm việc gián tiếp (những người làm công tác quản lý, khoa dược, phòng công nghệ thông tin, chi phí kho hàng, chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí khấu hao nhà cửa, chi phí đào tạo…).

Chuyên gia này cũng cho rằng những chi phí này nếu được đưa vào để xây dựng lại giá viện phí, viện phí sẽ tăng so với hiện hành. Tuy nhiên, viện phí tăng phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, mà quỹ BHYT 2 năm nay đã xảy ra bội chi nhưng nguồn tích lũy những năm trước đó vẫn còn.

“Luật BHYT cho phép được thu phí BHYT tối đa 6% trên mức lương cơ sở, hoặc lương theo hợp đồng hằng tháng hoặc lương theo ngạch bậc. Tuy nhiên, theo lộ trình của luật, đến nay mới thu 4,5%. Vì vậy, để đảm bảo việc chi trả của quỹ BHYT khi viện phí tăng, khả năng phải tăng mức đóng” – chuyên gia này bình luận.

Tăng viện phí nhưng không cào bằng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

3 loại viện phí, đổi mới thế nào?

Cũng tại hội thảo do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, bà Nguyễn Thúy Anh – chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội – cho rằng thực tiễn triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh còn vướng mắc do thẩm quyền quyết định giá khác nhau, một cơ sở y tế có thể có 3 mức giá khám chữa bệnh: giá bảo hiểm, giá theo yêu cầu và giá được HĐND tại địa phương thông qua.

Bên cạnh đó, giá hiện hành đã áp dụng gần 10 năm nay trong khi các yếu tố cấu thành giá đã thay đổi, việc xác định mức giá thống nhất để áp dụng tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc là khó triển khai… Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện ban soạn thảo quy định viện phí mới cho biết hiện còn 2 yếu tố được cân nhắc tính vào viện phí là phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên với mức thu BHYT là 4,5% lương cơ bản như hiện hành, nếu đưa cả 2 chi phí này vào giá ngay sẽ khó gánh được chi trả cho khám chữa bệnh, vì vậy ban soạn thảo đang cân nhắc đưa trước 1 yếu tố vào giá và khả năng chi phí quản lý sẽ được đưa trước.

Tuy nhiên, trả lời về việc nếu đã tính viện phí “gần đúng” (đưa thêm 1 yếu tố cấu thành), có thể tồn tại 3 loại viện phí hay không, vị này cho rằng vẫn có thể có 3 loại viện phí, trong đó có viện phí theo yêu cầu, với các dịch vụ “đặt riêng”, cao hơn so với mặt bằng cơ bản. Cũng theo vị này, nếu viện phí thay đổi, có khoản thu từ phí quản lý thì bệnh viện sẽ có thêm nguồn chi cho nhân lực, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng!

Dự luật khám chữa bệnh sửa đổi cũng dành riêng một phần đáng kể để nói về viện phí, Bộ Y tế đang tích cực khảo sát để sớm có cơ sở tính giá dịch vụ mới. Giá mới làm sao để bù đắp được chi phí, để bệnh viện đỡ kêu “bệnh viện tự chủ nhưng viện phí lại thu một phần”, nhưng cũng phải đảm bảo đỡ gánh nặng cho người nghèo, người cận nghèo và quỹ BHYT.

“Ngoài ra, viện phí mới cũng đảm bảo góp phần nâng được chất lượng dịch vụ mà Bộ Y tế vẫn hứa mỗi lần tăng giá là… sẽ tăng. Bài toán lớn này, Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải tính vừa kỹ vừa nhanh. Nếu không, bệnh viện sẽ còn kẹt dài dài vì nước đã đến chân rồi”, một chuyên gia khuyến cáo.

 

Viện phí duy trì nhiều năm

Trong lúc giá một lượt khám tổng quát nội, khám chuyên khoa người lớn ở bệnh viện tư cùng quận là 300.000 đồng và khám nhi là 400.000 đồng, giá một lượt khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh viện hạng 1 của Hà Nội, chỉ 37.800 đồng.

Theo bệnh viện, mức giá này đã áp dụng nhiều năm nay trong khi vật giá leo thang liên tục. Theo lãnh đạo một số bệnh viện, chính sách viện phí hiện hành mới cho bệnh viện thu 4/7 yếu tố cấu thành, chưa được tính đúng, thu đủ đang gây ra nhiều khó khăn cho các bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, duy trì hoạt động bệnh viện.

 

* Ông Đào Thiện Tiến (giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội):

Phải “co kéo” mới có thu nhập thêm

Các đơn vị tự chủ như bệnh viện phải lo kinh phí cho chi thường xuyên. Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là bệnh viện hạng 2, trừ các khoản đầu tư lớn ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn lại các chi phí cho hoạt động bệnh viện như vật tư y tế, sinh phẩm máu, con người, vệ sinh, bảo vệ… đều từ nguồn viện phí.

Trang thiết bị của bệnh viện cũng phải bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ để đảm bảo an toàn, chính xác hay không. Các cấu phần này không tính vào giá hoặc tính không đủ dẫn đến kinh phí cho duy trì các hoạt động bị ảnh hưởng. Nếu không bảo trì, kiểm định máy móc thường xuyên sẽ dẫn đến hỏng hóc, buộc phải mua máy mới… Bệnh viện đang sử dụng rất nhiều loại máy siêu âm, X-quang cũ, chỉ mua sắm một số thiết bị mới.

Với nguồn thu như hiện nay, bệnh viện chỉ có thể chi lương cơ bản theo hệ số cho cán bộ nhân viên, bác sĩ bệnh viện. Khoản chi cho lương và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật đã được tính vào viện phí, nhưng mức lương để tính vào viện phí lại là lương tối thiểu, thành ra bệnh viện phải có thêm phần “thu nhập tăng thêm”. Phần này cũng nằm trong nguồn thu.

Do thu không đủ, bệnh viện phải “co kéo” mới có hoặc thậm chí không thể có thu nhập tăng thêm. Đây là lý do dẫn đến tình trạng y bác sĩ nghỉ bệnh viện công đang diễn ra rất nhiều.

 

Viện phí nên được tính theo chất lượng dịch vụ !

DP_Benhvien (9) 1(Read-Only)

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện công cho rằng giá dịch vụ y tế quá thấp khiến họ không đủ lực để bảo đảm đời sống nhân viên y tế và giữ chân các bác sĩ giỏi – Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngành y cho rằng việc tăng mức thu BHYT sẽ ảnh hưởng đến chi phí quản lý của các doanh nghiệp vì phải thêm tiền để đóng BHYT. Mức đóng BHYT tăng cũng sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì ngân sách nhà nước cũng phải tăng để đóng BHYT cho nhiều đối tượng.

Trong thực tế, các đối tượng như học sinh, sinh viên đang được Nhà nước hỗ trợ 30%; các hộ nông – lâm – ngư nghiệp được Nhà nước hỗ trợ 50%, những người ở xã đảo, huyện đảo, những người ở vùng sâu vùng xa, trẻ dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người trên 80 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, các đơn vị hành chính, công an, quân đội…

Do vậy, ngân sách sẽ tăng thêm gánh nặng đáng kể nếu tăng mức đóng BHYT. Nhưng không chỉ doanh nghiệp và Nhà nước phải “móc hầu bao” thêm nếu tăng mức đóng BHYT, mà người lao động cũng phải tăng mức đóng BHYT. Nếu tăng mức đóng kịch khung 6%, doanh nghiệp sẽ phải đóng 4% và cá nhân đóng 2%, còn trước đây doanh nghiệp chỉ đóng 3%, cá nhân 1,5%.

Khi doanh nghiệp tăng mức đóng BHYT cho người lao động, chi phí quản lý bộ máy sẽ tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, theo một chuyên gia của Sở Y tế TP.HCM, tăng viện phí cũng không nên cào bằng ở tất cả các cơ sở y tế mà nên tính theo chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế và theo hạng bệnh viện (hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, hạng 3)…

 

L.ANH – T.DƯƠNG – X.MAI – D.LIỄU

TTO