27/12/2024

Có độ vênh giữa thứ hạng điểm thi tốt nghiệp và chỉ số kinh tế

Có độ vênh giữa thứ hạng điểm thi tốt nghiệp và chỉ số kinh tế

Thống kê, đối sánh cho thấy một số địa phương kinh tế – xã hội phát triển, GRDP bình quân đầu người cao, nhưng thứ hạng trung bình điểm thi 9 môn thi tốt nghiệp THPT luôn thấp.

 

 

 

Từ kỳ thi THPT năm 2020 đến nay, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh chỉ số trung bình điểm thi 9 môn giữa các địa phương. Liệu đối sánh chỉ số này có phù hợp không khi một số địa phương kinh tế – xã hội phát triển, GRDP (Gross Regional Domestic Product – tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người cao, nhưng thứ hạng trung bình điểm thi 9 môn luôn thấp?

Chất lượng giáo dục của một địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: sự phát triển kinh tế – xã hội, nhận thức và đầu tư cho giáo dục của chính quyền và người dân, truyền thống hiếu học của học sinh (HS), chất lượng đội ngũ nhà giáo, tỷ lệ HS dân tộc thiểu số, công tác chỉ đạo dạy và học… Trong đó, sự phát triển kinh tế – xã hội có vai trò quan trọng. Đánh giá về phát triển kinh tế, xã hội có nhiều chỉ tiêu, trong đó, GRDP bình quân đầu người là một chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp, phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong một năm của một địa phương.

Trên cơ sở thứ hạng GRDP bình quân đầu người năm 2020, do Tổng cục Thống kê công bố, chúng tôi đối chiếu thứ hạng này với thứ hạng trung bình điểm thi 9 môn năm 2022 của các địa phương để xem xét có tương đồng không. Kết quả đối chiếu này cho thấy có sự vênh giữa 2 thứ hạng, cả nước chia thành 3 nhóm địa phương khác nhau.

Có độ vênh giữa thứ hạng điểm thi tốt nghiệp và chỉ số kinh tế - ảnh 1
TP.HCM là một trong 22 địa phương có thứ hạng GRDP bình quân đầu người và thứ hạng trung bình 9 môn thi tốt nghiệp THPT khá tương đồng

NGỌC DƯƠNG

18 địa phương GRDP thấp nhưng thứ hạng trung bình môn cao

Kết quả đối chiếu cho thấy, có 18 địa phương thứ hạng GRDP thấp, nhưng thứ hạng trung bình 9 môn cao (thứ hạng trung bình 9 môn cao hơn từ 10 bậc trở lên), gồm: An Giang (thứ hạng GRDP là 56; thứ hạng trung bình 9 môn là 12), Thái Bình (52; 10), Nam Định (42; 1), Phú Thọ (49; 8), Bạc Liêu (46; 14), Nghệ An (55; 23), Bến Tre (59; 28), Yên Bái (57; 30), Tiền Giang (40; 16), Vĩnh Long (43; 19), Tuyên Quang (42; 18), Bắc Giang (33; 11), Đồng Tháp (48; 26), Bắc Kạn (60; 39), Thanh Hóa (47; 27), Hải Dương (30; 15), Hà Tĩnh (23; 9), Ninh Bình (17; 4). Đây là những địa phương khó khăn, thu nhập GRDP rất thấp nhưng đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, HS có truyền thống hiếu học.

 

22 địa phương GRDP và thứ hạng trung bình môn tương đồng

Có 22 địa phương có thứ hạng GRDP bình quân đầu người và thứ hạng trung bình 9 môn khá tương đồng (hai thứ hạng lệch nhau dưới 10 bậc), gồm: Hà Nam (thứ hạng GRDP: 16; thứ hạng trung bình điểm thi 9 môn: 7), Điện Biên (61; 52), Cao Bằng (62; 54), Vĩnh Phúc (9; 2), Thừa Thiên-Huế (34; 29), Hòa Bình (38; 33), Lâm Đồng (24; 20), Bình Định (25; 21), Sơn La (53; 49), Lạng Sơn (50; 47), Hậu Giang (57; 55), Bình Dương (4; 3), Sóc Trăng (54; 52), Lai Châu (58; 57), Hải Phòng (5; 5), Cà Mau (45; 45), Hà Giang (63; 63), Quảng Bình (37; 38), Bắc Ninh (3; 6), Lào Cai (14; 17), Cần Thơ (18; 22), TP.HCM (6; 13).

 

23 địa phương GRDP cao, thứ hạng trung bình môn thấp

Có 23 địa phương có thứ hạng GRDP bình quân đầu người cao nhưng thứ hạng trung bình 9 môn thấp hơn (thấp hơn 10 bậc trở lên), gồm Đồng Nai (8; 48), Ninh Thuận (20; 58), Quảng Ninh (2; 34), Đà Nẵng (11; 42), Thái Nguyên (10; 41), Đắk Nông (31; 61), Bà Rịa-Vũng Tàu (1; 31), Bình Phước (28; 56), Đắk Lắk (36; 62), Phú Yên (35; 60), Quảng Trị (29; 51), Hưng Yên (13; 35), Quảng Ngãi (19; 40), Tây Ninh (13; 36), Khánh Hòa (26; 46), Hà Nội (7,25), Gia Lai (27; 43), Trà Vinh (44; 59), Quảng Nam (22; 37), Kon Tum (32; 44), Bình Thuận (20; 32), Long An (12; 24), Kiên Giang (39; 50). Trong đó có địa phương kinh tế – xã hội phát triển nhưng thứ hạng trung bình điểm thi thấp, như: Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Long An.

Có độ vênh giữa thứ hạng điểm thi tốt nghiệp và chỉ số kinh tế - ảnh 2

Qua đối chiếu này cho thấy, các thành phố, địa phương có kinh tế phát triển… HS thường tập trung cho 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và một số môn theo định hướng tuyển sinh ĐH. Một số địa phương như Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, An Giang… HS có xu hướng học đều các môn hơn.

 

Cần đối sánh với nhiều chỉ số hơn

Mặc dù, chỉ số trung bình điểm thi 9 môn liên quan đến mục tiêu giáo dục nhưng theo các chuyên gia giáo dục, đối sánh chỉ số này có một số hạn chế. Đó là, chất lượng giáo dục là cả một quá trình, không chỉ dựa trên một kỳ thi, với một số môn; dù là thi chung đề, chung thời gian, nhưng việc coi thi và chấm thi ở nhiều hội đồng khác nhau nên không tránh khỏi sự tác động chủ quan của con người. Tỷ lệ HS chọn bài thi khoa học xã hội (KHXH) và khoa học tự nhiên (KHTN) khác nhau, trong đó điểm thi các môn thuộc KHXH thường cao hơn KHTN (khoảng 2 điểm). Trường học, địa phương có tỷ lệ HS thi tổ hợp KHXH cao có lợi thế về điểm hơn trường học, địa phương có tỷ lệ chọn tổ hợp KHTN cao.

Có độ vênh giữa thứ hạng điểm thi tốt nghiệp và chỉ số kinh tế - ảnh 3
Thí sinh TP.HCM sau khi hoàn thành bài thi khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022  NGỌC DƯƠNG

Vì vậy, trong quá trình đối sánh cần thực hiện với nhiều chỉ số khác nhau như: trung bình điểm thi 3 môn công cụ văn, toán, ngoại ngữ; đối chiếu thứ hạng trung bình điểm thi 3 môn này với thứ hạng GRDP cho thấy có sự tương đồng hơn.

Ngoài ra, cần đối sánh từng môn thi, đối sánh điểm chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi… để biết mức độ đánh giá HS thực chất của các địa phương. Qua đối sánh các địa phương biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, đồng thời xem xét địa phương nào có giải pháp nâng cao chất lượng tốt nhất. Trong từng địa phương cũng cần thực hiện đối sánh giữa các trường với nhau dựa trên nhiều chỉ số khác nhau để các trường học biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng.

Đối sánh là một quy trình mang tính tích cực, cung cấp các đo lường khách quan nhằm giúp cơ sở giáo dục đặt ra mục tiêu, phương hướng cải tiến dẫn đến đổi mới trong giáo dục.

 

Hà Nội dẫn đầu cả nước nhiều mặt nhưng vẫn còn một số bất cập

Hà Nội là một địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục, như thành tích học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học quốc gia, quốc tế, số điểm 10 kỳ thi THPT xếp nhất nhì toàn quốc… Tuy nhiên, kết quả thi THPT những năm gần đây thấp, thứ hạng điểm trung bình 9 môn năm 2020 xếp hạng 18/63, năm 2021 và năm 2022 xếp 25/63. Phổ điểm ngoại ngữ của Hà Nội năm 2021 có 2 đỉnh, cho thấy chất lượng dạy và học ngoại ngữ không đồng đều. Năm 2022, thứ hạng điểm học bạ các môn luôn ở top đầu, nhưng thứ hạng điểm thi một số môn thấp như: hóa (thứ hạng học bạ thứ 1; thứ hạng điểm thi thứ 58), sinh (1; 58), lý (1; 28), sử (2; 18), địa (4; 37), giáo dục công dân (5; 39), ngữ văn (6;19), toán (5; 11) và ngoại ngữ (2; 4). Như vậy, Hà Nội có nhiều môn đánh giá HS chưa sát với chất lượng thật.

Đồng thời, HS chỉ tập trung vào các môn: toán, ngoại ngữ, văn, lý.

 

Đối sánh để biết mức độ phù hợp đầu ra HS so với mục tiêu giáo dục

Trung bình điểm thi 9 môn thi của một trường học, một địa phương là điểm bình quân của trung bình 9 môn thi: văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân của trường học, địa phương đó. Chỉ số này nhằm đánh giá mức độ phù hợp mục tiêu“hoàn thiện học vấn phổ thông” của HS một trường, một địa phương. Trường học, địa phương nào có trung bình điểm thi 9 môn cao, nghĩa là đầu ra HS của trường học, địa phương đó có “mức độ phù hợp” với mục tiêu giáo dục cao; ngược lại, nếu trung bình điểm thi 9 môn thấp, HS trường học, địa phương đó có “mức độ phù hợp” mục tiêu thấp. Năm 2022, TP.HCM có điểm trung bình 9 môn thi là 6,582 (xếp thứ 13), Hà Nội điểm này là 6,445 (xếp thứ 25), có nghĩa là mức độ phù hợp mục tiêu giáo dục của HS TP.HCM tốt hơn HS Hà Nội. Đối sánh trung bình điểm 9 môn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục của từng địa phương, từng năm.

HỒ SỸ ANH

TNO