24/11/2024

‘Ai muốn chết thì làm sách điện tử!’

‘Ai muốn chết thì làm sách điện tử!’

Tuyên bố trên của ông Lê Thanh Hà – giám đốc Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm TP.HCM – về sách điện tử không nhằm gây sốc, nhưng mô tả thực trạng đáng sốc đang tồn tại trong nền xuất bản Việt Nam.

 

‘Ai muốn chết thì làm sách điện tử!’ - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hà (bìa phải) phát biểu về sách điện tử – Ảnh: L.ĐIỀN

Và câu chuyện xuất bản điện tử chính là một nội dung được nhắc lại trong tọa đàm “10 năm thi hành Luật xuất bản năm 2012”, tổ chức tại TP.HCM sáng 9-8.

Nhắc lại xu hướng chuyển đổi số như là một yêu cầu của thời đại, và là nội dung căn bản để Việt Nam hội nhập với quốc tế, ông Nguyễn Nguyên – cục trưởng Cục Xuất bản – in và phát hành – nhấn mạnh rằng hiện nay một số nhà xuất bản vẫn còn tâm lý “giữ trận địa sách giấy”. Tuy nhiên, “sắp tới đây có muốn giữ cũng không còn được”, ông Nguyên chia sẻ với hàm ý cảnh báo.

Trí tuệ dân tộc quốc gia luôn được xây dựng trên nền tảng là xuất bản sách.

Ông Nguyễn Nguyên – cục trưởng Cục Xuất bản – in và phát hành

Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện xuất bản phẩm điện tử là Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM. “Chúng tôi làm sách điện tử (eBook) từ năm 2012, đến năm 2019 mới được quyền cấp phép sách điện tử”, bà Đinh Thị Thanh Thủy – giám đốc Nhà xuất bản Tổng Hợp – chia sẻ.

Bà Thủy cũng cho biết thêm hiện nay từ phía luật còn thiếu các quy định, hướng dẫn để thực hiện eBook, audiobook, cụ thể các vấn đề kỹ thuật như chuyển file, lưu trữ thế nào là hợp pháp, thậm chí các khoản phí cho những loại hình xuất bản phẩm này cũng chưa được quy định / hướng dẫn cụ thể.

Tiếp theo, ông Lê Thanh Hà cho rằng hiện trạng sách điện tử tại Việt Nam như vừa qua cho thấy việc thực hiện loại hình xuất bản phẩm này chưa đúng.

Theo ông Hà, ngành xuất bản có ba lĩnh vực cụ thể là: xuất bản, in, phát hành khái quát ba công đoạn nội dung của một sản phẩm. “Như vậy, cấp phép xuất bản là chức năng mặc định của mỗi nhà xuất bản rồi, không việc gì phải xin cái quyền cấp phép riêng cho sách điện tử”, ông Hà phân tích.

Trong khi đó cũng theo ông Hà, hai công đoạn phát hành và in (được hiểu là sản xuất sách điện tử) thì quan trọng và phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi chuyên môn và công nghệ chuyên nghiệp… mà tự thân mỗi nhà xuất bản không đảm đương nổi nhưng không lượng được sức mình nên tham gia luôn cả ba công đoạn và… thất bại.

Nội dung bản quyền sách cũng là vấn đề được nhiều đơn vị xuất bản đề cập, với mong muốn không chỉ góp ý cho Luật xuất bản, mà còn kỳ vọng những hỗ trợ cụ thể từ phía Cục Xuất bản.

Vấn nạn vi phạm bản quyền là điểm chung của các “nhà”. Gần đây tình trạng bát nháo phát hành sách lậu qua mạng Internet và mạng xã hội càng làm cho bức tranh vi phạm bản quyền sách thêm nhiều sắc màu phức tạp và đầy thách thức.

Ông Lê Thanh Hà cho biết từ đầu năm đến nay ông đã từ chối khoảng 300 bản thảo vì có vấn đề về tác quyền. “Có những trường hợp sao chép sách đến xin phép xuất bản, tôi cầm cả sách gốc mà họ đã sao chép ra để từ chối cấp phép, mà họ vẫn bảo ‘cam kết về mặt tác quyền'”, ông Hà nói và kết luận bằng hai chữ “gan thật!”.

Ông Nguyễn Nguyên bày tỏ đồng cảm với các đơn vị. “Bản quyền là vấn đề phức tạp, nên một số nước có những tòa án dành riêng cho các vụ liên quan đến bản quyền”, ông Nguyên nói thêm.

Các vấn đề cần góp ý chỉnh sửa Luật xuất bản sau mười năm thực hiện, Cục Xuất bản kêu gọi các đơn vị gửi văn bản về cục trước ngày 20-8.

 

Sẽ có Trung tâm bản quyền sách thuộc Hội Xuất bản

Ông Nguyễn Nguyên cho biết trong tương lai chúng ta sẽ có Trung tâm bản quyền sách thuộc Hội Xuất bản. Trung tâm này có chức năng kết nối với các trung tâm bản quyền khác; và hỗ trợ các đơn vị làm sách mua bản quyền nước ngoài. Ông Nguyên cho rằng mỗi ngành có một trung tâm bản quyền là cần thiết.

LAM ĐIỀN
TTO