Chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông
Chi phí học thêm là khoản lớn nhất với gia đình học sinh phổ thông
Theo báo cáo từ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trung bình gia đình học sinh Việt Nam đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học, trong đó khoản chi lớn nhất là học thêm.
Hôm nay 8.8, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO tổ chức hội thảo công bố báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 – 2020.
Theo báo cáo, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông |
Báo cáo cáo do GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trình bày cho hay tính trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học.
Đóng góp của gia đình có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông. Đối với tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%.
Báo cáo nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho biết, vốn ODA cho Việt Nam giảm dần từ khi nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2015, tổng vốn ODA giảm nhanh.
Tuy nhiên, vốn ODA cho phát triển giáo dục và đào tạo lại tương đối ổn định, khoảng 130 triệu USD mỗi năm (theo số liệu của OECD), chủ yếu cho học bổng ở bậc đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Liên quan đến tài chính cho giáo dục, báo cáo chỉ ra rằng, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011 – 2020, trung bình đạt khoảng 17 – 18%, có năm gần 19%. So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không thấp.
Tính theo tỷ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia (5%), còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia (1,9%), Singapore (2,9%), Lào (3,3%).
“Dù vậy, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, con số phần trăm nghe thì cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì thấp”, GS Lê Anh Vinh nói.
Việc phân bổ ngân sách nhà nước chi thường xuyên tại địa phương dựa trên dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 – 18 tuổi và định mức phân bổ theo khu vực địa lý và phải đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn là 18% và chi lương là 82%.
Phần chính của ngân sách được thực hiện ở cấp địa phương (92%). Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 50 trong số 42.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, chiếm 5% tổng ngân sách giáo dục năm 2017, 3% còn lại thực hiện ở cấp T.Ư trong năm 2017 do 41 bộ khác quản lý và các doanh nghiệp nhà nước cấp vốn trực tiếp cho các cơ sở giáo dục và đào tạo
Tuy nhiên, theo báo cáo, trong thực tiễn, chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi này cho hoạt động chuyên môn. Thậm chí, một số địa phương còn ở mức dưới 10% (Hà Giang 4%, Tuyên Quang 3%, Sơn La 9%, Hòa Bình 6%, Sóc Trăng 6%).
GS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng với mức đầu tư như hiện nay mà giáo dục có kết quả như vậy đã là “rất tốt trong điều kiện nước nghèo như Việt Nam, học phí bậc đại học thấp nhất thế giới“.
Ông Trung lấy dẫn chứng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam là 2.785 USD, đứng thứ 6 ASEAN và hơn 100 thế giới. Trong khi đó, Philippines 3.193 USD, Thái Lan 7.900 USD và Malaysia 10.402 USD, gấp 2 – 3 lần thu nhập của người Việt Nam.
Theo ông Trung, Việt Nam muốn GD-ĐT phát triển mạnh hơn nữa nhưng phải mạnh một cách khả thi. “Việc đặt mục tiêu 1 – 2 năm nữa bằng Singapore, tôi nói luôn là không làm được. Nói 15 – 20 năm nữa Việt Nam phấn đấu bằng Singapore bây giờ thì có thể”, ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng “phải “có thực mới vực được đạo”, nếu không các mục tiêu về giáo dục sẽ chỉ là ước mơ đẹp, rất đẹp” mà thôi.
TUỆ NGUYỄN
TNO