25/12/2024

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Có thể nói, một trong những điểm gây “ấn tượng” trong giáo dục đại học năm nay đó là việc nhiều trường đại học đã có mức tăng học phí chóng mặt.

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục - Ảnh 1.

Học phí luôn là một trong những chủ đề quan tâm hàng đầu của học sinh, sinh viên. Trong ảnh: học sinh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học – cao đẳng do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM vào ngày 24-7 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc các trường đại học tăng học phí, và sẽ còn tăng trong tương lai, được biện minh bởi hai lý do. Lý do thứ nhất là vì các trường chuyển sang cơ chế tự chủ, mà trong đó tự chủ về tài chính được xem là yếu tố quan trọng nhất.

Lý do thứ hai cũng thường được nói nhiều lần đó là tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo, dù trên thực tế, những số liệu thống kê mới nhất chỉ cho thấy nhiều trường tăng học phí chỉ giúp tăng thu nhập của giảng viên mà thôi.

Quả vậy, hiện nay vẫn chưa có số liệu hay công trình nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng rằng chất lượng đào tạo, sản phẩm đầu ra – tức sinh viên ra trường – sau khi tăng học phí là tốt hơn so với các sản phẩm trước khi tăng học phí biểu hiện qua vị trí công việc, năng suất lao động cũng như thu nhập…

Nhiều trường cũng xoa dịu việc tăng học phí bằng cách tuyên bố là có học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi. Nhưng cần nhớ rằng, việc xếp loại sinh viên chỉ được thực hiện sau năm học đầu tiên chứ không phải bắt đầu ngay từ khi mới nhập học. Vậy những em học sinh nghèo làm sao có kinh phí để đóng cho trường vào năm học đầu tiên?

Theo số liệu thống kê của UNESCO vào năm 2014, khi chia dân số Việt Nam ra thành năm nhóm thu nhập từ nghèo nhất đến giàu nhất thì thấy rằng tỉ lệ người trong độ tuổi từ 18 – 22 vào học cao đẳng – đại học có sự khác biệt lớn giữa các nhóm.

Cụ thể là với nhóm nghèo nhất, tỉ lệ nhập học chỉ có 5%, nhóm nghèo là 13%, nhóm trung bình là 26%, nhóm giàu 31% và nhóm giàu nhất là 55%.

Cần lưu ý rằng số liệu trên là vào năm 2014, tức vào thời điểm mà mức tăng học phí đại học chưa cao như hiện nay, nhưng vẫn cho thấy nhóm nghèo vào bậc sau trung học là rất thấp.

Nói cách khác, số liệu thống kê cho thấy giáo dục đại học gần như chỉ dành cho nhóm có mức sống khá trở lên và tình hình tăng học phí như hiện nay sẽ làm cho khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục đại học sẽ ngày càng giãn ra.

Chúng ta luôn nói rằng giáo dục là một trong những công cụ hữu hiệu và quan trọng nhất để thoát nghèo, nhưng nền giáo dục đại học hiện nay đang gây khó khăn cho học sinh nghèo vào học.

Do đó, với tư cách là cơ quan quản lý về giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải nhìn ra vấn đề này và có những quyết sách hợp lý, nếu không thì giáo dục đại học sẽ ngày càng khoét sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội.

LÊ MINH TIẾN
TTO