Chúa nhật XIX TN C 2022: Cuộc lữ hành đức tin
Tuần trước chúng ta đã được mời gọi để “mặc lấy con người mới” là Đức Giêsu Kitô nên tất cả không còn là phù vân, nhưng mỗi giây phút sống đều có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng. Tuần này Giáo Hội hướng ta về cuộc lữ hành đức tin, mà mỗi người chúng ta sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế, để tiến về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời như một lữ khách tràn đầy niềm tin và niềm vui. Vậy chúng ta hiểu gì về cuộc lữ hành đó?
Chúa nhật XIX TN C 2022
Cuộc lữ hành đức tin
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Tuần trước chúng ta đã được mời gọi để “mặc lấy con người mới” là Đức Giêsu Kitô nên tất cả không còn là phù vân, nhưng mỗi giây phút sống đều có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng. Tuần này Giáo Hội hướng ta về cuộc lữ hành đức tin, mà mỗi người chúng ta sẽ thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế, để tiến về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời như một lữ khách tràn đầy niềm tin và niềm vui. Vậy chúng ta hiểu gì về cuộc lữ hành đó?
1. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà!
Nhiều người đang đi trên đường đời nhưng không biết mình đang đi về đâu. Mỗi ngày thức dậy họ biết mình phải sống, phải học hành để có kiến thức, phải làm việc để có phương tiện sống, nhưng họ tự hỏi: học hành, làm việc, kiếm sống để làm gì nếu một ngày kia phải từ bỏ tất cả với cái chết như điểm chấm hết của kiếp người. Mỗi ngày phải làm đi làm lại những công việc quen thuộc đến độ nhàm chán, mỏi mệt như một vận động viên chạy mãi một đường vòng mà chẳng phải để thi đấu hay tranh giải thưởng nào. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát “Một cõi đi về” đã diễn tả những cảm xúc đầy ưu tư khắc khoải đó:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể khá xa lạ với người tín hữu Công giáo, nhưng lại rất gần gũi với nhiều người thời nay không tin vào Chúa, không khám phá ra ý nghĩa của kiếp người trong cõi nhân sinh. Họ không nhận ra giá trị hiện hữu vĩnh hằng của mình, mà chỉ đi tìm những sở hữu “vô thường”, nên họ cứ đi loanh quanh trong mê cung của đời người mà chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà! Họ cứ chạy vòng quanh trong nỗi buồn tiều tuỵ để vui, để say cho quên thời gian trăm năm sống của mình, trong khi con tim yêu thương của họ vẫn muốn yêu thương và được yêu thương mãi mãi.
Trái lại, người Công giáo biết chắc chắn về quê hương vĩnh hằng của mình, đó là nhà Cha Trên Trời mà mọi con cái sẽ họp mặt trong hạnh phúc yêu thương để chia sẻ muôn đời suối nguồn chân thiện mỹ không bao giờ cạn. Do đó ta không phải đi loanh quanh mà thẳng tiến về quê hương yêu dấu với từng ngày sống trong niềm vui, bình an và tình yêu bởi vì ta nhận ra giá trị hiện hữu của đời mình, là con cái Thiên Chúa và kết hợp thành một với Đức Giêsu Kitô.
2. Cuộc lữ hành đức tin
Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi ta suy tư về cuộc lữ hành đức tin mà mỗi người cần thực hiện khi sống trên trần thế.
2.1. Bước đi như lữ khách
Bài đọc I (x. Kn 18,6-9) kể cho ta biết rằng tổ tiên dân tộc Do Thái đã đi 40 năm trong sa mạc trước khi về được Đất Hứa. Họ đã chịu bao cảnh khổ cực trong sa mạc, thiếu nước uống và lương thực, nhưng họ nhận biết rằng Thiên Chúa vẫn che mặt trời nóng bức bằng cột mây, vẫn soi sáng đêm tối bằng cột lửa, vẫn để manna rơi xuống từng ngày dù nó không có đầy đủ mùi vị như những bữa tiệc trong nước Ai Cập. Nhất là họ luôn nhớ đến bữa tiệc Vượt Qua mà Thiên Chúa đã cứu thoát “người công chính và tiêu diệt kẻ địch thù” và luật sống của dân Thiên Chúa là “có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia” khi cùng đi với nhau trong cuộc lữ hành về Đất Hứa.
Bài đọc II (x. Dt 11,1-2. 8-19) giới thiệu Abraham như một lữ khách gương mẫu: ông hoàn toàn tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông được kêu gọi bỏ thần tượng của tổ tiên, bỏ nhà cha mẹ ở vùng Lưỡng Hà là nước Iran-Iraq ngày nay để đi về miền Tây, đến được Palestin là vùng đất Chúa hứa ban. Ông không biết mình đi về đâu, nhưng ông cứ đi, đi mãi, chỉ tin vào lời Thiên Chúa hứa rằng sẽ ban cho ông một nơi ở chắc chắn, vĩnh hằng và trở thành tổ phụ của một dân tộc đông như sao trời cát biển. Ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như lữ khách và cho tới lúc nhắm mắt lìa đời, ông vẫn tin Thiên Chúa sẽ ban cho ông một quê hương để đi về. Ông dám hy sinh cả đứa con độc nhất để biểu lộ lòng tin yêu đối với Chúa. Ông luôn đi chứ không bao giờ dừng lại để hưởng thụ những gì mình có trong cuộc sống thế trần.
Abraham đã làm gương cho ta trong cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta có đang sống từng ngày trong niềm tin và tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa không? Chúng ta có ý thức từng giây phút Thiên Chúa đang yêu thương ta, ban cho ta bao ân huệ lớn lao không? Phân tích con người dưới khía cạnh khoa học, bằng máy móc hiện đại nhất, ta thấy mình có gì? Chỉ là những chất vô cơ, hữu cơ như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… Chúng đâu có sự sống, đâu có tình yêu, đâu có tư tưởng. Vậy mà từng giây phút ta đang sống, đang yêu, đang nghĩ. Điều này chứng tỏ rằng từng giây phút Chúa đang hiện diện trong ta, an bài cho đời ta. Vì thế chúng ta phải an vui trước những thử thách, thất bại, bệnh tật, thiếu thốn trong đời sống của mình.
2.2. Hành động như người quản lý tỉnh thức, trung tín và khôn ngoan
Thái độ thứ hai chúng ta cần có trong cuộc lữ hành, đó là phải hành động như người quản lý trung tín và khôn ngoan. Trong cuộc sống trần thế Chúa đã giao phó cho ta biết bao cái sở hữu: thời giờ, của cải, những phương tiện vật chất và tinh thần để làm giàu cho sự hiện hữu của ta. Chúng ta cần phải biết sử dụng chúng để tiến nhanh về quê hương thay vì phí phạm, bỏ bê những phương tiện ấy để say sưa, vui chơi, sống bất định như một đoàn người du lịch dễ dãi.
Chúa giao cho ta trăm năm để sống, vậy ta thử tính xem: mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ có 60 phút, mỗi phút có 60 giây, để ta học hành, làm việc, tạo nên công trạng vô cùng lớn lao. Một nụ cười, một lời cám ơn, khích lệ, xin lỗi… chỉ tốn có 1,2 giây, nhưng thử hỏi một ngày ta nở được bao nhiêu nụ cười, nói được mấy lời tốt đẹp cho người khác để tạo nên niềm vui, bình an cho họ, thay vì nhăn mặt, bỉu môi, nói xấu, nói dối, nói tục, gây bất hoà.
Ta cần trở thành người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa vì bao quyền năng, tình yêu, chân thiện mỹ mà Chúa Giêsu chia sẻ cho ta, cũng như muôn ơn lành được Chúa Thánh Thần trao ban để ta làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho Thiên Chúa Cha về tình yêu cứu độ. Chúa Giêsu trong dụ ngôn người quản lý hôm nay (x. Lc 12,32-48) mời gọi chúng ta: “Anh em đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Ngài cho anh em… Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay… Hãy bán những tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng và mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó”..
Lời kết
Như thế, trong cuộc lữ hành đức tin, chúng ta đều đang bước đi cùng nhau trên “con đường sự thật và sự sống là chính Đức Giêsu Kitô”, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia, như những anh hùng, hiệp nữ trong xã hội giang hồ hiện nay vì chúng ta đã biết nơi nao là chốn quê nhà!
HKK