22/12/2024

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng tài chính cho người học

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng tài chính cho người học

Tự chủ đại học không phải là tự lo về tài chính. Nhưng làm sao để thoát khỏi quan niệm sai lầm đã được mặc định này thì vẫn còn phải tiếp tục bàn.

 

 

Hôm qua (4.8), Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị tự chủ đại học (ĐH) 2022. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng chủ trì hội nghị. Một trong 3 chủ đề chính của hội nghị là nguồn lực cho phát triển GD ĐH.

 

Giàu lên nhờ tự chủ

Theo Bộ GD-ĐT, nhờ thực hiện tự chủ ĐH (kể cả giai đoạn thí điểm 2015 – 2018) mà năng lực tài chính của nhiều trường ĐH công lập được nâng cao đáng kể. Thậm chí, trong danh sách 5 trường ĐH doanh thu nghìn tỉ đồng có tới 2 trường ĐH công lập, đều là những trường được thực hiện tự chủ từ giai đoạn thí điểm, trước năm 2018 (theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ), là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nếu tính tốp 10 trường có tổng thu cao nhất (trong số những trường được khảo sát) thì có 6 trường ĐH công lập (đều đã tự chủ). Nếu tính danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021 thì có 14 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77.

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng tài chính cho người học - ảnh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bên hành lang hội nghị

KIM HIỀN

Nhờ tự chủ mà đến thời điểm hiện tại có 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Từ 2018 – 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên (chủ yếu là học phí – PV) cũng tăng thêm. Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên (GV) và cán bộ quản lý tăng mạnh: tăng 20,8% đối với GV và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Mức tăng còn cao hơn với 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77: trong giai đoạn 2018 – 2021, thu nhập GV tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Năm 2021, khoảng 1/3 GV các trường tự chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; 5,97% GV có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT không phân tích chi tiết nguồn thu mà chỉ mô tả chung chung: “Đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí”.

 

Nhà nước đầu tư cho giáo dục ĐH là “vô cùng khiêm tốn”

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, hay phát biểu của ông Nguyễn Đắc Vinh và nhiều đại biểu cho thấy, ngân sách nhà nước dành cho GD ĐH quá ít là một thực tế thể hiện quan niệm sai lầm về tự chủ ĐH. Dù con số các bên cung cấp không thống nhất (do lấy từ các nguồn báo cáo khác nhau) nhưng tựu trung đều là quá nhỏ so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, ngân sách nhà nước chi cho GD ĐH là 0,33% GDP. Còn theo Bộ GD-ĐT, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho GD ĐH giai đoạn 2018 – 2020 tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP (tương ứng từ 13.634 tỉ đồng lên 16.703 tỉ đồng). TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch tài chính, ĐH Quốc gia TP.HCM, dẫn nguồn số liệu Tổng cục Thống kê 2018 – 2020, cho biết tổng chi cho GD ĐH chỉ chiếm 0,2% GDP năm 2018, năm 2019 giảm còn 0,19%, năm 2020 giảm tiếp, chỉ còn 0,18%. Tỷ lệ này đã sụt giảm so với năm 2015 (0,24%), theo một báo cáo của World Bank.

Dù là gần 0,2% hay 0,33% GDP thì theo Bộ GD-ĐT, đó cũng đều là những con số “vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới”…

Quan niệm sai về tự chủ đẩy gánh nặng tài chính cho người học - ảnh 2
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại hội nghị tự chủ ĐH  KIM HIỀN

Đã vậy, hằng năm nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5 – 15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở GD ĐH công lập là rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ ĐH. “Khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí, nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ GV giỏi. Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (GV, cơ sở vật chất) không theo kịp”, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, báo cáo trước hội nghị.

Theo Bộ GD-ĐT cũng như các đại biểu, nguyên nhân của vấn đề trên là do cách hiểu sai lầm của nhiều cơ quan có thẩm quyền về vấn đề tự chủ ĐH. “Nhà nước cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách, chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực GD ĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân”, ông Hoàng Minh Sơn kiến nghị.

 

Đừng để gánh nặng tài chính dồn hết lên người học

Ủng hộ quan điểm trên của Bộ GD-ĐT, tất cả các đại biểu khi đề cập chủ đề tài chính đều cho rằng nhà nước cần hiểu đúng về tự chủ, đừng xem tự chủ nghĩa là trường ĐH tự lo về tài chính, hệ quả là các trường ĐH chỉ còn cách tăng thu học phí. GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y – dược TP.HCM, cho rằng chúng ta đã mất 10 năm mới nhận thức được tự chủ không có nghĩa là tự lo về tài chính. Vì thế, thời gian tới cần phải có giải pháp để không mất thêm 10 năm chuyển từ nhận thức thành hành động.

GS Trần Đức Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp VN, cho rằng mặc dù Nghị quyết 29 khẳng định “đầu tư cho GD là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội” nhưng thực tế mô hình tự chủ hiện nay đi ngược lại quan điểm này. Chúng ta lấy tiêu chí “tự túc” về kinh phí chi thường xuyên và mức độ “tự lo” về chi đầu tư làm tiêu chí hàng đầu để cho phép một trường ĐH được tự chủ. Vì thế, tự chủ ĐH đồng nghĩa với việc đánh đổi giữa “hy sinh” kinh phí cấp phát để lấy quyền tự quyết về một số lĩnh vực. “Tự chủ ĐH biến cơ sở đào tạo thành trường ĐH “tự lo”, trường ĐH “tự túc”, không phù hợp với xu thế tự chủ ĐH trên thế giới (lẽ ra khi giao quyền tự chủ nhà nước chỉ thay đổi phương thức đầu tư)”, GS Viên phát biểu.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cũng nêu quan điểm ở những nền GD ĐH phát triển lành mạnh, tài chính của trường ĐH phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Tiến sĩ Tùng nêu ví dụ: “Ở Úc, doanh thu của cả hệ thống GD ĐH năm 2020 là 34,7 tỉ đô la Úc, trong đó học phí chiếm 31%, hỗ trợ ngân sách là 53%. Ở Mỹ, doanh thu của cả hệ thống GD ĐH năm 2020 là 671 tỉ USD, trong đó học phí chỉ chiếm 26%, tài trợ từ chính phủ chiếm 29%. Ở Anh, doanh thu GD ĐH năm 2020 là 44 tỉ bảng Anh, trong đó doanh thu từ học phí gần 23,5 tỉ, chiếm 53%, tài trợ từ nhà nước chiếm tỷ lệ 28%”.

 

Tự chủ không phải tự túc

Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, GD ĐH là một dịch vụ vừa mang tính “công ích” (tạo nguồn nhân lực trình độ cao nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội – việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính “tư ích” (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân). Về nguyên tắc ai hưởng lợi thì cần tham gia chi trả. Việc chi từ ngân sách cho GD ĐH (gồm cả việc hỗ trợ trường tư qua thuế và đất GD) thực tế là nghĩa vụ của nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này.

Tuy nhiên, nghịch lý của chúng ta hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền GD ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. “Với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền GD này sẽ như thế nào và đi về đâu?”, TS Tùng đặt câu hỏi rồi bình luận thêm: “Chưa có một nền GD ĐH nào thành công theo mô hình “tự túc”!”.

QUÝ HIÊN

TNO